Từ một câu thơ ngắt dòng

06-02-2016 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Vùng không phủ sóng Anh đã ra ngoài vùng phủ sóng

Vùng không phủ sóng

Anh đã ra ngoài vùng phủ sóng

Xa nhau, mới biết đất nước rộng dài

Mới biết nhiều núi đồi

Nhiều thung sâu cách trở

Biết những nơi không đèn lửa

Những nơi không đường đi

Những nơi khóc cười cũng chỉ mình mình biết!

Những vùng không phủ sóng điện thoại di động

Không phủ sóng tivi

Không phủ sóng điện sáng

Không phủ sóng sách đọc

Không phủ sóng nụ cười

Không thể phủ sóng cả tình thương, ơn nghĩa

(Vì tình thương, ơn nghĩa cũng cần có đường đi!)

Anh đã vào vùng không phủ sóng

Nhưng là vùng phủ kín tình em

Phủ kín tim và mắt em

Phủ kín bàn tay vỗ về của em

Phủ kín lòng ngưỡng mộ của em

Rồi anh về với em

Sẽ được đền bù tất cả

Chỉ có vùng đất mà anh vừa từ giã

Vùng đất xa như hoài niệm

Như tuổi thơ hoang sơ

Vùng đất không phủ sóng, không phủ sóng,

không phủ sóng... ấy

Đến bao giờ được đền bù?

Phạm Đức (Giật mình -  NXB Hội Nhà văn, 4/2005)

Phạm Đức đã dùng một cụm từ mới được thông dụng từ khi hầu như cả đất nước, người ta đã sử dụng điện thoại di động. Dùng một cụm từ “hiện đại” để nói đến một vùng đất hoang sơ đến mức không có điện, không có sách để đọc... không có đường để chở tình thương ơn nghĩa đến (Vì tình thương, ơn nghĩa cũng cần có đường đi!).

Nơi không phủ sóng tivi, không phủ sóng sách đọc thì hình như cũng  không phủ sóng cả nụ cười! Nơi... khóc cười cũng chỉ mình mình biết!

Tôi vừa được đọc truyện ngắn Ông già trên núi Hòn Nghệ của nhà văn Nguyên Ngọc, nói về  huyện đảo Kiên Hải, mênh mông hơn Phú Quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang gồm đến trên trăm hòn đảo có người và  không người, về nhóm  gọi là Quần đảo Hải Tặc sát hải phận Campuchia. Nhà văn giả thuyết một trong những nguồn cư dân đầu tiên có thể là tàn quân của Gia Long, không còn đủ sức theo vị quân vương của mình về đất liền “phục quốc”, bởi có ngôi miếu đậu cheo leo vách đá, hỏi ra mới biết đấy là đền thờ một trong các bà phi của Gia Long...

Tôi cũng từng có cảm giác xót xa khi gặp một cô gái đẹp đến sững sờ ở một thung sâu hoang vu, cái đẹp trời cho mà chỉ cần ở một thị tứ vùng xa cũng đủ trao đổi thông tin để cô trở thành một hoa hậu, biết đâu! Thế mà sắc đẹp ở nơi này... chỉ một mình mình biết! Kể gì đến những thiệt thòi khác cho người dân!

Nhà thơ Phạm Đức hạnh phúc hơn tôi, vì anh đã viết được ra nỗi xót xa đó. Anh còn được đền bù về tình cảm (mà có lẽ thế còn xót xa hơn!) Chưa ở bài thơ nào, nhà thơ cố tình lặp đi lặp lại một cụm từ như thế: vùng không phủ sóng, vùng không phủ sóng.  Đó là sự đay nghiến bức xúc vượt mọi lời khuyên của các nhà lý luận về lỗi điệp ngữ, về sự hàm  súc của thơ!

Nửa sau bài thơ, anh đã phát hiện ra vùng đất không phủ sóng ấy lại là vùng phủ kín tình em (Phủ kín tim và mắt em/Phủ kín bàn tay vỗ về của em/Phủ kín lòng ngưỡng mộ của em). Nhà thơ đã nhận được những cái đó bằng tất cả mọi giác quan, cũng như người cho cũng cho chân thật và toàn vẹn, không biết đến băn khoăn tính toán. Về một mặt nào đấy, thì cả hai phía đều ít nhiều được đền bù, chỉ còn trơ ra Vùng đất xa như hoài niệm/Như tuổi thơ hoang sơ:

Vùng đất không phủ sóng, không phủ sóng

không phủ sóng... ấy

Đến bao giờ được đền bù?

Cái tứ bài thơ đã quá rõ, tôi lại diễn giải lần nữa là vô duyên rồi, nhưng cũng cần phải tạo cái đà để nói đến cái câu lặp đi, lặp lại mà động đến tâm can người đọc nhất trong bài mà tôi vừa trích dẫn. Chưa bao giờ sự  xuống dòng của câu thơ như câu thơ không phủ sóng... ấy lại đắt giá như vậy. Nó hơn cả lời đay nghiến, nó thành lời nức nở nghẹn ngào, thành sự uất ức đầm nước mắt...

Nghệ thuật cao nhất của bài thơ này hóa ra chỉ là... một tấm lòng!

Bỗng  nhiên, muốn hát lên lời ca của Trịnh Công Sơn: Sống trên đời cần có một tấm lòng...


Nhà thơ Vân Long
Ý kiến của bạn