Những ngày cuối tháng 10, sự kiện tập sách tranh Sát thủ đầu mưng mủ bị chính một trong hai đơn vị ấn hành là NXB Mỹ thuật (đơn vị còn lại là Công ty Nhã Nam) yêu cầu ngưng phát hành đã gây xôn xao dư luận và những ý kiến trái chiều. Trong khi một bộ phận giới trẻ hào hứng giới thiệu đây là “cuốn từ điển thành ngữ đương đại” thì khá nhiều độc giả lại cho rằng cuốn sách là tiếng chuông báo động cho sự hủy hoại một cách trắng trợn sự trong sáng của tiếng Việt.
Thành ngữ trong đời sống Việt
Nước Việt ta vốn có nền văn minh lúa nước lâu đời. Từ xa xưa, người dân đã có thói quen thích vận dụng những thành ngữ dân gian, vần vè, dễ hiểu trong giao tiếp để diễn đạt ý tứ, quan điểm. Thực tế, tục ngữ, thành ngữ tự thân mang những giá trị về biểu đạt khó thay thế. Không chỉ thời xa xưa, mà ngay cả trong thời hiện đại, người Việt nhiều thế hệ vẫn xem thành ngữ là một trong những công cụ đắc lực nhất để bày tỏ thái độ, sự tôn trọng những bài học xương máu của cha ông.
Bìa sách Sát thủ đầu mưng mủ. |
Thực tế đã cho thấy thành ngữ, tục ngữ mang lại những kinh nghiệm và cách ứng xử hết sức khôn khéo, hợp tình, hợp lý cho người Việt hiện đại. Việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ trong đời sống cũng cho thấy được sự thâm nhập vào đời sống ngôn ngữ Việt. Không biết tự bao giờ, việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ là một trong những biểu hiện của sự khéo léo, suy nghĩ chín chắn, phát huy những kinh nghiệm đúc rút ngàn đời của dân gian.
Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn đang xảy ra là lấy lý do phản ứng lại những khuôn thức cũ, một bộ phận giới trẻ đang làm méo mó đi những lời hay ý đẹp sâu sắc của thành ngữ, tục ngữ. Thay vào đó là những biến tướng vô nghĩa, miễn sao khớp vần và... bất cần đúng sai, hợp lý. Không ít những người từng trưởng thành từ những câu thành ngữ, tục ngữ dung chứa những giá trị, bài học lớn đã phải lắc đầu ngán ngẩm trước tình trạng sử dụng một cách rất tùy tiện và vô nghĩa thành ngữ, tục ngữ của giới trẻ, nhất là giới trẻ ở đô thị.
Từ điển thành ngữ đương đại?
Chính tác giả của Sát thủ đầu mưng mủ, họa sĩ trẻ Thành Phong đã không ngần ngại khi đánh giá cuốn sách của mình: “Tinh thần chủ yếu của sách là nhảm và vui”. Có lẽ tinh thần đó đã thôi thúc tác giả xin giấy phép nhà xuất bản với tên Thành ngữ sành điệu nhưng vẫn mong muốn được đổi thành Thành ngữ đương đại cho có vẻ đao to búa lớn hơn chăng? Tính giải trí, thời trang có lẽ là đặc điểm nổi bật nhất của cuốn sách này. Nhìn vào mục lục trình bày khá đẹp của sách, nhiều người sẽ háo hức lật giở những trang sách hứa hẹn những phần minh họa đặc sắc.
Không khó để nhận ra cách mà tác giả sử dụng để biến cuốn sách thành “nhảm và vui”. Đó là cách dùng chất liệu mới mô phỏng lại những quy chuẩn thành ngữ, tục ngữ hiện đại. Câu chữ bị biến hóa quay ngoắt với tốc độ khó hiểu bằng ngôn ngữ hết sức phóng túng và phi lý. Đầu tiên là những câu nhại tục ngữ cực kỳ khó hiểu và dễ dãi: “Cái khó ló cái ngu” (nhại câu Cái khó ló cái khôn), “Không mày đố thầy dạy ai” (nhại câu Không thầy đố mày làm nên), “Một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ” (nhại câu Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ), “Môi hở răng hô” (nhại câu Môi hở răng lạnh), “Một điều nhịn là chín điều nhục” (nhại câu Một điều nhịn là chín điều lành), “Thất bại vì ngại thành công” (nhại câu Thất bại là mẹ thành công)...
Vấn đề thứ hai mà Sát thủ đầu mưng mủ mắc phải đúng như câu khuyến cáo rất “gợi” của sách: “Không đọc trong khi ăn uống”, tiêu biểu là những câu: “Thú vui tao nhã, giặt tã cho con”, “Yêu nhau trong sáng, phang nhau trong tối”, “Sát thủ đầu mưng mủ”, “Đã xấu mà lại còn xa, đã si đa lại còn xông pha hiến máu”... Chưa kể đến những câu thành ngữ sành điệu đến nỗi “đọc lâu lâu mới hiểu” hoặc “bó tay chấm com” toàn tập (một câu trong số này), đó là trường hợp của “Gào thét trong toa lét”, “Không phải chú dốt, chỉ vì mẹ chú quên cho i ốt vào canh”, “Trăm lời anh nói không bằng làn khói A còng”, “Một khi đã máu thì đừng hỏi bố cháu là ai”, “Nếu không yêu hãy tỏ ra yếu sinh lý”, “Tiền không thiếu, chủ yếu là thái độ”...
Một loạt những tục ngữ, thành ngữ của Sát thủ đầu mưng mủ khiến không ít người phải mỉm cười, không ít người trong số đó giật mình vì bắt gặp những câu quen thuộc trong đời sống hoặc mình đã từng sử dụng mà bây giờ mới hay. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy phần lớn những câu thành ngữ được cho là sành điệu này lại chỉ phục vụ cho một bộ phận giới trẻ thích thể hiện mình bằng cách sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt rất tùy tiện.
Một điều không khó nhận ra là Sát thủ đầu mưng mủ chưa xứng là cuốn từ điển về những thành ngữ đương đại không chính thống nhưng thông dụng như lời tác giả cuốn sách; Bởi nếu có một cuốn sách như vậy thì người biên soạn sẽ là những nhà nghiên cứu ngôn ngữ và phải lấy ý kiến của đa phần giới trẻ, vốn rất “sính” những thành ngữ biến tấu khôn lường này. Và mọi ngăn chặn đều là vô nghĩa nếu giới trẻ vẫn tiếp tục ủng hộ cho trào lưu cải biên thành ngữ khá ồ ạt hiện nay. Nên chăng có một cuốn sách, một nghiên cứu thực sự thông suốt và quy mô để lý giải một cách khoa học nhất nhằm uốn nắn thói quen, hành vi sử dụng ngôn ngữ vốn rất phức tạp trong cộng đồng người Việt trẻ hiện nay?
Mộc Anh