Tụ máu dưới màng cứng - Nguy hiểm nhưng dễ bị bỏ qua

15-05-2015 07:11 | Y học 360
google news

SKĐS - “Hiện tượng tụ máu dưới màng cứng” (SDH) - một căn bệnh ngày càng phổ biến nhưng lại dễ bị bỏ qua.

“Hiện tượng tụ máu dưới màng cứng” (SDH) - một căn bệnh ngày càng phổ biến nhưng lại dễ bị bỏ qua. Do bệnh có thể hình thành từ các chấn thương rất nhẹ hoặc chấn thương từ rất lâu gây ra nên rất dễ bị bỏ qua và gây nguy hiểm cho người bệnh.

Chấn thương bị lãng quên

Chấn thương đầu do ngã hay các tai nạn khác là một căn nguyên hết sức quan trọng của chứng rối loạn. Trong nhiều trường hợp, vì chấn thương không để lại di chứng ngay hoặc chấn thương rất nhẹ nên bệnh nhân thường nhanh chóng lãng quên.

Trường hợp bệnh nhân Reilly, sống ở Hoboken, tiểu bang New Jersey (Mỹ) là một ví dụ điển hình. Ông bị ngã trong lúc ngủ mơ và không cảm thấy bất thường gì ở đầu. Nhưng chỉ 2 tháng sau đó, ông bỗng dưng nói chuyện khó khăn và hệ vận động cũng bị ảnh hưởng. Khi chụp CT não của Reilly, bác sĩ đã khẳng định ông mắc bệnh SDH. Sau khi được điều trị, bệnh của ông Reilly đã ổn định và ông có thể quay trở lại làm việc bình thường.

Luyện tập thể dục cho tim giúp cơ thể chống lại bệnh SDH mạn tính.

Nguyên nhân nào khiến SDH mạn tính gia tăng?

Tỷ lệ bệnh SDH mạn tính đã tăng đều đặn kể từ năm 1967, phổ biến ở đàn ông cao tuổi cùng các nhân tố rủi ro bao gồm uống rượu mạnh hay có tiền sử về chấn thương não. Theo TS. Uzma Samadani - Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh của Trung tâm Y khoa Langone thuộc Đại học New York, uống nhiều rượu là căn nguyên gây ra tổn thương gan và gây gián đoạn chức năng đông máu. Nguy cơ phát triển bệnh SDH mạn tính đặc biệt cao trong số những người phải dùng thuốc chống đông máu như warfarin. Khoảng 24% bệnh nhân mắc bệnh SDH mạn tính đều dùng warfarin hay một loại thuốc chống kết tập tiểu cầu, ngăn ngừa cục máu đông. Tương tự vậy, việc uống quá nhiều rượu mạnh gây tổn thương gan dẫn tới rối loạn chức năng đông máu cũng sẽ khiến bệnh SDH có cơ hội phát triển. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học tại xứ Wales (Anh), khoảng 10% các bệnh nhân có tiền sử về chứng nghiện rượu hay bệnh động kinh bị mắc bệnh này.

Tuổi già là nhân tố hàng đầu của bệnh SDH mạn tính. Khi bạn lớn tuổi, não sẽ co lại, tạo ra một không gian tập trung chất dịch. Các tĩnh mạch dẫn lưu não phải đi qua vùng không gian này. Thậm chí chỉ cần một choáng váng nhỏ cũng có thể làm cho không gian đó bị rò rỉ, khiến cho máu bị ứ trong não. Mặt khác, những tĩnh mạch bắc cầu dạng này cũng trở nên mỏng manh hơn và dễ bị chảy máu.

Bệnh SDH mạn tính thường bị nhầm lẫn với các bệnh khác như rối loạn tâm thần, mất trí nhớ, đau nửa đầu, động kinh, bệnh Parkinson, đột quỵ hay một cơn thiếu máu thoáng qua bởi nó có các triệu chứng giống hệt các bệnh vừa nêu. Do đó, việc chẩn đoán bệnh trở nên khó khăn và hướng điều trị cũng vì thế mà bị ảnh hưởng.

Chẩn đoán ra sao?

Nhóm các nhà nghiên cứu Wales lưu ý rằng nhân tố quan trọng nhất trong chẩn đoán bệnh SDH mạn tính là “chỉ số hoài nghi cao” ở bệnh nhân cho dù có hay không bị chấn thương đầu hay các chấn thương khác. Những dấu hiệu cảnh báo bao gồm đau đầu, thay đổi tâm tính, thần kinh xấu đi hay bệnh tâm lý cũng như các vấn đề thần kinh tại một điểm cụ thể, chẳng hạn như một bên mặt, cánh tay hay thậm chí là một khu vực nhỏ của lưỡi bị ảnh hưởng trong lúc hoạt động. Các bệnh nhân có thể gặp một dạng đau đầu khốc liệt và suy yếu ở một bên cơ thể, đi lại khó khăn, tỏ ra lúng túng hay nói khó, mất trí nhớ. Các triệu chứng này thường phát triển rất đột ngột. Chụp CT để có thể phát hiện hay loại trừ một khối tụ máu dưới màng cứng. Việc chụp CT có thể được lập lại bằng cách sử dụng một loại thuốc nhuộm nếu các kết quả không rõ ràng.

Khi nào cần điều trị?

Bệnh SDH có thể điều trị khỏi hoàn toàn và bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường. Mặc dù điều trị bệnh SDH mạn tính không phải lúc nào cũng cần thiết nhưng nếu bệnh nhân có chứng tụ máu ổn định cần phải được theo dõi và đưa ra cách điều trị kịp thời nếu các hội chứng diễn biến xấu hơn. Nếu có hiện tượng chảy máu vào khoang dưới màng cứng mà lại không được kiểm tra thấu đáo thì nó sẽ gia tăng áp lực lên não và  có thể dẫn đến sự mất ý thức, thương tật vĩnh viễn hoặc tử vong. TS. Sadamani cho biết, chỉ có 1/3 số bệnh nhân cần được điều trị bằng phẫu thuật và dùng thuốc. Uống thuốc nhằm giúp đẩy nhanh quá trình lành bệnh. 2/3 trường hợp còn lại, chứng tụ máu dần được tái hấp thụ mà không cần can thiệp điều trị.

Trong khi nhiều trường hợp bệnh SDH mạn tính không thể được phòng ngừa thì rủi ro phát triển bệnh có thể được giảm thấp bằng cách tránh lạm dụng rượu, giảm nguy cơ té ngã và duy trì thể trọng bình thường. Mặc dù không có cách nào để giảm thiểu sự co hẹp não khi lớn tuổi nhưng cũng có sự hy vọng rằng nếu chăm tập luyện thể dục, đặc biệt là luyện tập tim mạch thì sẽ giảm đáng kể bệnh. TS. Steven R Flanagan, Chủ tịch Trung tâm Y học phục hồi chức năng tại Trung tâm Y khoa Langone, Đại học New York, cho rằng, bằng chứng từ việc luyện tập thể dục thường xuyên đã “làm tăng nhân tố dinh dưỡng cho thần kinh não”, làm tăng tỷ lệ sống sót của các nơron thần kinh não.

(Theo Today, 2015)

NGUYỄN THANH HẢI

 

 

 


Ý kiến của bạn