Tụ máu dưới màng cứng, chữa thế nào?

06-01-2017 07:22 | Đời sống
google news

SKĐS - Bố cháu năm nay 50 tuổi, cách đây 3 tháng bị ngã phải phẫu thuật hút máu bầm do bị tụ máu màng cứng.

Bố cháu năm nay 50 tuổi, cách đây 3 tháng bị ngã phải phẫu thuật hút máu bầm do bị tụ máu màng cứng. Hiện đã đến hẹn phẫu thuật đóng hộp sọ. Xin hỏi bác sĩ đóng hộp sọ có phức tạp không, nếu để lâu không đóng thì có hậu quả như thế nào?

Phạm Thúy Hằng (hangthuy19288@gmail.com)

Máu tụ dưới màng cứng là khối máu tụ nằm giữa màng cứng và màng nhện. Có thể gặp tụ máu cấp, bán cấp và mạn tính. Tùy loại mà việc xử trí sẽ khác nhau. Máu tụ dưới màng cứng cấp tính: xuất hiện trong 72 giờ đầu sau chấn thương. Thường kèm theo một vùng não bị giập. Nạn nhân mê sâu và nhanh. Xử trí: mổ lấy máu tụ và hút não giập. Sau mổ cần điều trị tích cực chống phù não; máu tụ dưới màng cứng bán cấp: xuất hiện từ 3-21 ngày sau chấn thương. Bệnh nhân kêu nhức đầu, buồn nôn, người chậm chạp, lú lẫn. Khám thấy phù nề gai thị, liệt nhẹ nửa người, chụp động mạch não có di lệch. Xử trí bằng mở hộp sọ lấy máu tụ; máu tụ dưới màng cứng mạn tính: xuất hiện từ tuần lễ thứ 3 trở đi sau một sang chấn nhẹ (có khi người bệnh không nhớ rõ). Chảy máu không nhiều lắm. Trên lâm sàng thường có hội chứng tăng áp lực nội sọ: đau đầu, phù nề gai mắt, liệt nhẹ nửa người, rối loạn tính tình. Chụp động mạch não thấy có hình ảnh đặc biệt là có vùng vô mạch hình thấu kính rất rõ. Xử trí: chỉ cần khoan một lỗ vùng đỉnh - thái dương để dẫn lưu máu tụ loãng, không cần mở hộp sọ. Nói như thế để thấy tùy cách xử trí lúc đó mà việc phẫu thuật thì 2 phức tạp hay đơn giản. Trong thư bạn không nói rõ bố bạn ở thể nào nên tôi không thể đưa ra lời khuyên cụ thể được. Tốt nhất gia đình nên bố trí đưa bố bạn tái khám theo đúng hẹn để điều trị triệt để tránh biến chứng đáng tiếc. Chúc bố bạn nhanh bình phục.

BS. Nguyễn Văn Thịnh


Ý kiến của bạn