“Từ mẫu” của bệnh nhân tâm thần

03-11-2018 13:48 | Y tế
google news

SKĐS - Đối với nghề y, chữa trị cho những bệnh nhân có tâm lý bình thường vốn đã vô cùng khó khăn vất vả, thì việc chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân tâm thần còn khó khăn gấp bội phần. Vậy mà suốt 15 năm nay, Trung tá, bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Nguyễn Đức Thành, Chủ nhiệm Khoa A6, Bệnh viện Quân y 109, Quân khu 2 lại chọn cho mình con đường đầy gian khổ, chông gai ấy...

“Có duyên” đến với nghề y

Khoa A6 nằm ở khu vực biệt lập, như thuộc diện “vùng sâu, vùng xa” của Bệnh viện Quân y 109. Thoáng thấy bóng người đi vào, từ trong các phòng điều trị chợt có những ánh mắt lấp ló, ngờ nghệch, cùng tiếng ú ớ, la hét của một số bệnh nhân tâm thần. Cá biệt có những động tác chào khách, chỉ trỏ rất khác thường của những bệnh nhân có vấn đề về bệnh lý thần kinh. Chúng tôi băn khoăn lấy làm lạ và có phần hơi lo lắng thì Trung tá, BSCK2 Nguyễn Đức Thành cười bảo: Đấy là chuyện thường ngày ở khoa ấy mà. Không những thế, chúng tôi còn thường xuyên phải nghe bệnh nhân mắng chửi, đập phá, rồi trốn viện…

Bác sĩ Nguyễn Đức Thành luôn gần gũi, quan tâm, chăm sóc và điều trị các bệnh nhân tâm thần tại Khoa A6.

Bác sĩ Nguyễn Đức Thành luôn gần gũi, quan tâm, chăm sóc và điều trị các bệnh nhân tâm thần tại Khoa A6.

Cùng BS. Thành đi thăm các phòng bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại đây, một số người cứ nằng nặc đòi bằng được anh cho uống thuốc mới chịu. Với những lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ thân mật, một vài bệnh nhân đã kiên nhẫn xếp hàng đợi đến lượt anh cho uống thuốc. Vì vậy, phải mất khoảng thời gian khá dài anh mới có thể trò chuyện với chúng tôi.

Từ những chia sẻ chân tình của BS. Thành, chúng tôi được biết, anh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xóm Vực, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội. Vốn là người thông minh, chăm chỉ, tháng 9/1994, Nguyễn Đức Thành thi đỗ 4 trường đại học. Nhưng anh đã chọn cho mình con đường binh nghiệp. Sau 7 năm học tập, rèn luyện tại Học viện Quân y, anh tốt nghiệp loại giỏi, về công tác tại Bệnh viện Quân y 109. Năm 2003, anh được Bộ Quốc phòng điều động tăng cường ra Bệnh xá đảo Trường Sa Đông, thuộc Quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, đến năm 2005 mới trở lại Bệnh viện Quân y 109. Vừa được đào tạo cơ bản về Tâm thần kinh tại Học viện Quân y, vừa như có duyên với những bệnh nhân tâm thần, anh được lãnh đạo bệnh viện tin tưởng giao nhiệm vụ tiếp tục công tác tại Khoa A6.

Được biết, nhiệm vụ của Khoa A6 chuyên chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần và các bệnh về thần kinh. Số lượng bệnh nhân thường xuyên dao động khoảng 60-70 người, từ quân nhân đang tại ngũ, thương, bệnh binh, đối tượng chính sách cho đến người dân trên địa bàn đơn vị đóng quân và khu vực lân cận. Đối với những người mắc các bệnh về thần kinh thường là bệnh mạn tính, phải điều trị dài ngày, chi phí tốn kém. Còn những người bị bệnh tâm thần là người có tâm lý không bình thường, hoang tưởng, ảo giác, khó có khả năng điều trị dứt điểm. Do vậy, BS. Thành luôn xác định, cần phải nắm chắc diễn biến tâm lý của từng nhóm bệnh nhân để có phác đồ điều trị phù hợp. Theo đó, ngoài việc điều trị bằng thuốc uống, thuốc tiêm, BS. Thành luôn quan tâm động viên, an ủi bệnh nhân bằng liệu pháp tâm lý, tình cảm, thường xuyên gần gũi, trò chuyện thân mật, nhất là với bệnh nhân tâm thần phân liệt để bệnh nhân không có mặc cảm, yên tâm điều trị dài ngày, coi bệnh viện là nhà, các y, bác sĩ như là người thân. Thực tế cho thấy, có không ít gia đình đã bỏ mặc và gần như là khoán trắng cho khoa chữa trị, có khi cả năm mới đến viện thăm hỏi một hai lần. Có đồng chí quân nhân mắc bệnh tâm thần đã nằm điều trị liên tục tại khoa hàng chục năm trời vẫn chưa thể giải quyết được chế độ chính sách.

Như trường hợp bệnh nhân Phạm Văn Thực, quê ở xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) nằm viện điều trị tại khoa đã 26 năm. Ngoài việc bị bệnh tâm thần, nhiều lúc anh Thực còn ốm đau, nhưng với sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ nơi đây, nhất là BS. Thành khiến anh và gia đình rất cảm kích. Hơn chục năm làm việc tại Khoa A6 cũng là chừng ấy thời gian anh Thành sống chung với những bệnh nhân như anh Thực. Nhiều khi làm việc rất vất vả, áp lực, căng thẳng nhưng anh Thành luôn giữ được thái độ rất vui vẻ hòa nhã với bệnh nhân và người nhà.

Chăm sóc bệnh nhân với tất cả tấm lòng, tình cảm

Nhìn những cử chỉ thân mật của BS. Thành khi tiếp xúc với bệnh nhân, chúng tôi hiểu rằng, phải thực sự tâm huyết với nghề và thương yêu người bệnh hết mực mới có được sự gần gũi, thân thiết ấy. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong suốt quá trình công tác tại đây, anh luôn coi bệnh nhân như chính những người thân ruột thịt của mình. Mọi việc từ cắt tóc, cắt móng tay, móng chân, thậm chí cả giặt quần áo, mắc màn đi ngủ anh cũng sẵn sàng giúp bệnh nhân. Các y bác sĩ trong khoa cũng không thể nhớ hết trong những ca trực đêm anh tiếp nhận bao nhiêu bệnh nhân tâm thần được người nhà “khống chế” đưa đến, trên người lấm lem bùn đất. Rồi bệnh nhân quậy phá, dọa nạt các thầy thuốc... Nhất là trong những ngày trực dịp nghỉ lễ, Tết, số bệnh nhân tâm thần gia đình không đón về chiếm tỷ lệ khá cao, khiến cho đội ngũ y, bác sĩ trong khoa rất vất vả. Nhưng bằng tất cả tấm lòng, trách nhiệm, tình thương yêu dành cho người bệnh, BSCK2. Nguyễn Đức Thành cùng các y bác sĩ trong khoa đã không quản ngày đêm, gian khổ, kiên trì, nhẫn nại, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thực tế công tác tại Khoa A6 nhiều năm qua, anh được cấp trên đánh giá là người nắm chắc lý thuyết, giỏi thực hành, phương pháp chỉ huy, điều hành khoa rất khoa học, giải quyết công việc có lý, có tình, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ. Tháng 8/2010, anh được bổ nhiệm giữ chức Phó chủ nhiệm Khoa A6; tháng 7/2015 được giao cương vị Chủ nhiệm khoa.

Là người đứng đầu khoa, anh không ngừng rèn luyện, học tập, trau dồi y đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; coi tay nghề và cái tâm của người thầy thuốc lên trên hết. Không chỉ dành nhiều tình cảm, trách nhiệm chữa trị cho người bệnh, BS. Thành còn quan tâm bồi dưỡng, giúp đỡ các y, bác sĩ trong khoa nâng cao y đức, theo đúng lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”. Dù trong ca trực hay không nhưng khi có việc hệ trọng BS. Thành sẵn sàng gác việc riêng để đến khoa cùng các y, bác sĩ xử lý, với mục tiêu cao nhất tất cả vì sức khỏe người bệnh. Thực tế đã không ít lần anh đang nghỉ cùng vợ con ở quê, nhưng có những ca cấp cứu chỉ có anh mới giải quyết được. Khi nhận được điện thoại báo cáo tình hình của đồng nghiệp anh đều vui vẻ lên đường, dành trọn tâm trí cho người bệnh trong suốt quá trình cứu chữa.

“BS. Thành không những là người giỏi chuyên môn, giàu y đức mà còn là người chỉ huy gương mẫu, gần gũi, bao dung, giúp đỡ đồng đội và cấp dưới cùng tiến bộ. Anh đã xây dựng được một tập thể khoa đoàn kết, hết lòng vì bệnh nhân. Việc này đã trở thành nếp nghĩ, thói quen, tinh thần tự giác của mỗi cán bộ, nhân viên, mà ai đó có muốn làm khác cũng không được”. Đó là những bộc bạch chân thành của Đại úy, quân nhân chuyên nghiệp Lê Thị Lan Phương, y sĩ Khoa A6.

Anh Dương Hồ Sinh, quê ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc có bố đẻ đã điều trị tại Khoa A6 tâm sự: “Bố tôi bị tai biến mạch máu não, ảnh hưởng hệ thần kinh phải cấp cứu trong đêm. May mắn được BS. Thành tiếp nhận, tận tâm cứu chữa kịp thời, sau hơn chục ngày điều trị, bố tôi đã cơ bản ổn định, sức khỏe đang dần hồi phục và ra viện. Gia đình chúng tôi rất cảm kích trước tấm lòng, trách nhiệm của anh Thành. Mong sao bệnh viện có thêm nhiều y, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu tâm huyết để chữa trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chúng tôi rất cảm ơn Bệnh viện Quân y Viện 109 đã đào tạo, bồi dưỡng được những bác sĩ như anh Thành”.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phạm Minh Phú, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bệnh viện Quân y 109 khẳng định: “BSCK2 Nguyễn Đức Thành là một lãnh đạo khoa trẻ, giàu tâm huyết, giỏi chuyên môn, yêu nghề, say mê công việc, là bác sĩ đầu ngành của y tế Quân khu 2 về tâm thần kinh. Nhiều năm qua, đồng chí Thành luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người bệnh và đồng nghiệp, là tấm gương sáng cho các y, bác sĩ của bệnh viện học tập, noi theo”.

Chia tay bệnh nhân và các y, bác sĩ Khoa A6, Bệnh viện Quân y 109 ra về trong lòng tôi trào dâng một niềm vui khó tả. Bởi những con người không may bị bệnh tâm thần đang điều trị tại đây đã được các y, bác sĩ dành nhiều tâm huyết, quan tâm chăm sóc để họ ổn định, có thể hòa nhập với cộng đồng. Trong thời gian làm việc tại Khoa A6, tôi thấy trên tường và kệ tủ có rất nhiều bằng khen, giấy khen của tập thể và cá nhân anh Thành. Nhưng tôi thiết nghĩ phần thưởng lớn nhất đối với Trung tá, BSCK2, Nguyễn Đức Thành đó chính là sự tin yêu của đồng đội và bệnh nhân. Anh được mọi người ví như là một “Từ mẫu” của những bệnh nhân tâm thần, Bệnh viện Quân y 109.


Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN
Ý kiến của bạn