Trong thời đại công nghệ số, việc trẻ em tiếp cận sớm với internet và mạng xã hội mang đến nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn vô vàn nguy cơ, hiểm họa khôn lường.
Điển hình cho mối nguy hiểm này là vụ việc của em T. (16 tuổi), được Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp nhận trình báo vào tháng 3 vừa qua. Em T. đã trò chuyện với một đối tượng có nickname K. trong game. K. hứa hẹn tặng T. tài khoản giá trị, nhưng với điều kiện kinh khủng: T. phải gửi video tự quay không mặc quần áo.
Khi đã có được video nhạy cảm, K. bắt đầu lộ rõ bản chất lừa đảo. Đối tượng này liên tục đe dọa, yêu cầu T. phải gửi thêm clip khiêu dâm hàng ngày. Khi T. không đồng ý, K. đã gửi video nhạy cảm của em cho bạn bè trên mạng xã hội, đồng thời tiếp tục tống tiền. Vụ việc này là một lời cảnh tỉnh đanh thép về những mối nguy ẩn sau màn hình điện thoại, máy tính.
Công an Hà Nội cho biết, các đối tượng xấu đang triệt để lợi dụng sự phát triển của công nghệ để giăng bẫy trẻ em. Chúng sử dụng các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo, Instagram, các ứng dụng hẹn hò (Tinder, Litmatch), phòng chat ảo, và đặc biệt là game online (Liên Quân Mobile, PUBG, Free Fire...) để tiếp cận, làm quen với trẻ em.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Sau một thời gian trò chuyện, khi đã tạo được sự tin tưởng nhất định, các đối tượng này sẽ dần chuyển chủ đề từ học hành, sở thích sang các vấn đề nhạy cảm hơn như giới tính, tình dục. Chúng lôi kéo trẻ em cùng xem phim, hình ảnh khiêu dâm trên mạng, thậm chí dụ dỗ các em tự quay, chụp lại những hình ảnh nhạy cảm của bản thân. Khi nắm được những hình ảnh này, kẻ xấu sẽ thực hiện hành vi tống tiền hoặc bán hình ảnh nhạy cảm của nạn nhân cho các đối tượng khác để trục lợi.
Ngoài ra, một số đối tượng còn sử dụng chiêu trò hứa hẹn chuyện tình cảm, tặng quà, thậm chí cho vay tiền để dễ dàng tiếp cận, gặp gỡ các em ở ngoài đời. Mục đích cuối cùng của chúng là thực hiện các hành vi xâm hại tình dục. Đáng báo động hơn, có trường hợp còn dụ dỗ trẻ em đưa sang nước ngoài.
Để phòng tránh những sự việc đau lòng này, Công an TP Hà Nội khẩn thiết đề nghị các bậc phụ huynh và chính bản thân trẻ em cần nâng cao cảnh giác, kiểm soát chặt chẽ hoạt động online của con, thường xuyên kiểm tra danh sách bạn bè, các hội nhóm mà con em mình tham gia trên mạng xã hội.
Thường xuyên giáo dục con về an toàn thông tin trên mạng, dạy con không nói chuyện với người lạ, giải thích cho trẻ về mối nguy hiểm khi chia sẻ thông tin, hình ảnh, video nhạy cảm. Khuyến khích con chia sẻ nhằm tạo môi trường để trẻ em cảm thấy an toàn khi báo ngay cho bố mẹ, thầy cô khi bị ai đó dụ dỗ, đe dọa.
Đối với trẻ em và thanh thiếu niên: Tuyệt đối không gửi ảnh, video nhạy cảm của bản thân cho bất kỳ ai (kể cả người lạ và người quen).
Không chia sẻ thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ nhà, trường học, số điện thoại... với người lạ. Cảnh giác cao độ với các trường hợp yêu cầu gọi video, gửi ảnh riêng tư hoặc hứa hẹn tặng quà. Không truy cập vào đường link lạ, các liên kết hoặc tập đính kèm trong tin nhắn, email hay những bài đăng đáng ngờ trên mạng xã hội, bởi chúng có thể chứa mã độc hoặc là lừa đảo.
Khi nhận thấy dấu hiệu con em mình bị xâm hại hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, các bậc cha mẹ cần ngay lập tức dừng mọi giao dịch, lưu lại bằng chứng (tin nhắn, hình ảnh chụp màn hình) và trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ và xử lý kịp thời.
Mạng xã hội và Internet là công cụ tuyệt vời nhưng cũng là con dao hai lưỡi. Việc trang bị kiến thức và kỹ năng bảo vệ bản thân trên không gian mạng là vô cùng cấp thiết để tránh những hậu quả đáng tiếc.