Từ “lọc máu – chạy thận chuẩn Nhật Bản”, đến “du lịch kết hợp y tế”

08-02-2019 09:21 | Y học 360
google news

SKĐS - Không dùng lại màng lọc, chất lượng nước siêu tinh khiết do được “khử độc” một lần nữa bằng màng lọc nội độc tố, quy trình lọc máu được các chuyên gia Nhật Bản huấn luyện và kiểm tra định kỳ, đã giúp Trung tâm Lọc máu Kỹ thuật Cao của BV. Nguyễn Tri Phương có tên trong danh sách khuyến nghị của các Trung tâm hỗ trợ y tế như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu…

Nâng cao tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường du lịch y tế

Anh John V. (sinh năm 1982, California - Mỹ) tình cờ phát hiện có tăng huyết áp - đái tháo đường - suy thận mạn giai đoạn cuối từ tháng 1/2017. Do bệnh nhân bị viêm phúc mạc tái diễn nhiều lần, khiến điều trị thẩm phân phúc mạc thất bại nên được tư vấn chuyển sang lọc máu định kỳ. Trước khi đến Việt Nam để du lịch, John đã được biết đến Trung tâm Lọc máu Kỹ thuật Cao tại BV.Nguyễn Tri Phương thông qua Hệ thống Đơn vị Chạy thận Nhân tạo tại Bang California có liên kết Hệ thống Đơn vị Chạy thận Nhân tạo Quốc tế.Bệnh nhân cho biết anh vô cùng yên tâm khi đến Việt Nam thăm quan và điều trị trong suốt một tuần lưu trú tại Việt Nam.

Một bệnh nhân suy thận mạn người Nhật khác, ông Takahashi H., cũng đã quyết định tự mình xem xét chất lượng của Trung tâm Lọc máu Kỹ thuật Cao này. Ông chia sẻ: “Tôi muốn tự mình trải nghiệm để đưa vào danh sách điểm đến hỗ trợ y tế dành cho các nhóm du lịch của chúng tôi khi muốn đi du lịch đến Việt Nam”.

Trung tâm còn tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến từ Đức, Pháp… Bên cạnh đó, nhiều Việt kiều về nước cũng đã được các đơn vị lọc máu ở những bệnh viện địa phương nơi họ sinh sống khuyến nghị đến trung tâm Lọc máu Kỹ thuật Cao này để chạy thận nhân tạo.Từ đó họ yên tâm ở lại thăm thân nhân trong thời gian dài hơn.

Theo BS.CKII. Võ Đức Chiến, Giám đốc BV. Nguyễn Tri Phương TP.HCM, trước đây, những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối của Nhật Bản đi du lịch qua Việt Nam thường phải sang Thái Lan để lọc máu, vì Việt Nam không có một địa chỉ hỗ trợ y tế đáng tin cậy được các tổ chức quốc tế công nhận. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không ít bệnh nhân của Nhật Bản đến trung tâm Lọc máu của BV. Nguyễn Tri Phương chạy thận và hài lòng vì chất lượng không thua kém các  trung tâm khác tại Nhật Bản.

Từ “lọc máu – chạy thận chuẩn Nhật Bản”, đến “du lịch kết hợp y tế”Bệnh nhân suy thận Việt Nam càng ngày càng có cơ hội tiếp cận các kỹ thuật lọc máu tiên tiến, nâng cao chất lượng sống

“Từ những dự án đầu tư đối tác công tư (Public - Private Partner, PPP) và từ sự uy tín trên có được đối với các bệnh nhân đã điều trị, chúng tôi mạnh dạn phát triển mô hình du lịch kết hợp du lịch kết hợp khám chữa bệnh. Hiện trung tâm cũng đã nhận được những “đặt hàng” của du khách nước ngoài có chỉ định lọc máu” BS.Võ Đức Chiến cho biết.

Đảm bảo chất lượng lọc thận, nâng cao chất lượng sống

Người bình thường uống mỗi ngày 2 lít nước, như vậy một tuần, lượng nước đưa vào người trung bình 14 lít nước. Nước được “uống” qua hệ tiêu hóa, niêm mạc hệ tiêu hóa đóng vai trò bảo vệ, nên không phải cái gì có trong nước cũng đều được hấp thu. Còn bệnh nhân lọc máu chạy thận, một tuần lễ 3 lần, sẽ phải tiếp xúc trực tiếp khoảng 180 - 190l nước, tức là qua sự trao đổi giữa máu với màng lọc.

Lọc máu theo các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt, tuổi thọ của người bệnh càng kéo dài hơn

“Trước đây, kích thước trên màng lọc thận nhân tạo vô cùng nhỏ, dẫn đến một quan niệm sai lầm rằng, vi khuẩn sẽ không đi qua được để vào máu, chỉ có chất độc từ trong máu đi ra. Nhưng một số chất độc do vi khuẩn tiết ra hoặc phân tử phân rửa sau khi vi khuẩn chết đi theo dòng nước có thể qua được màng lọc. Theo thời gian, các chất độc tích tụ, bệnh nhân chạy thận nhân tạo xuất hiện một số biến chứng liên quan mật thiết đến lọc máu, đặc biệt chất lượng nước đóng một vai trò quan trọng.Nước siêu tinh khiết là một khái niệm mới có trong thời gian gần đây”, PGS.TS.BS. Phạm Văn Bùi, Chủ tịch Hội Lọc máu TP.HCM, giải thích.

Theo PGS. Phạm Văn Bùi, mục tiêu tối hậu của lọc máu không chỉ đảm bảo sự sống còn của bệnh nhân mà còn phải đảm bảo chất lượng của lọc máu, sao cho bệnh nhân đạt được chất lượng cuộc sống gần như người không bị bệnh, tái hòa nhập xã hội, lao động và làm việc.

BV. Nguyễn Tri Phương đã phối hợp với tổ chức Tiết niệu Tanaka Nhật Bản (TUC) và Hội Lọc máu Nhật Bản (JSDT) thành lập Trung tâm Lọc máu Kỹ thuật Cao, ứng dụng kỹ thuật lọc máu tiên tiến, giảm thiểu các biến chứng nhờ kiểm soát chất lượng nước lọc thận siêu tinh khiết, đạt đúng chuẩn H2O không chứa tạp nhiễm hay nội độc tố. Trên thế giới, hệ thống xử lý nước “siêu tinh khiết”, tương đối mắc tiền, nhưng Việt Nam, trong những điều kiện kinh tế nhất định, nên đã đầu tư theo một hình thức khác.

“Nước sau khi được xử lý thường quy như các trung tâm khác, trước khi vào máy chạy thận, sẽ phải qua thêm màng lọc nội độc tố (ETRF - Endotoxin retentive filter), cho nên nội độc tố từ trong nước không vào được cơ thể người bệnh. Như vậy, so với các chương trình lọc máu thường quy, màng lọc máu cho bệnh nhân tại đây chỉ sử dụng một lần thay vì sử dụng nhiều lần đúng tiêu chuẩn quốc tế; nước trước khi vào máy chạy thận gần như sạch tuyệt đối. Bệnh nhân trong suốt giai đoạn lọc máu rất êm ả, giảm thiểu các biến chứng thường gặp như lạnh run, tụt huyết áp… Sau khi chạy thận, bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn,” PGS.Phạm Văn Bùi nói.

Hơn 90% bệnh nhân lọc máu tại Nhật sống trên 25 năm

Đây là một nền tảng giúp người bệnh suy thận giai đoạn cuối Việt Nam có cơ hội tiếp cận những kỹ thuật điều trị tốt nhất theo tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao chất lượng sống sau mỗi đợt chạy thận. Đồng thời những du khách nước ngoài vốn luôn được tiếp cận với nền y học tiên tiến, các kỹ thuật điều trị cao cảm thấy yên tâm khi đến Việt Nam dù mang trong mình căn bệnh mạn tính, suy thận giai đoạn cuối.

“Hơn 90% bệnh nhân lọc máu tại Nhật sống trên 25 năm.Điều đó chứng tỏ bệnh nhân thận mạn tính hoàn toàn có thể đạt được chất lượng cuộc sống như bình thường. Với kỹ thuật lọc máu theo chuẩn Nhật Bản, chúng tôi hy vọng giúp bệnh nhân có thêm kiến thức về bệnh lý, phương pháp điều trị để tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân, từ đó giúp nâng cao kiến thức sức khỏe, kéo dài tuổi thọ và chất lượng cuộc sống, tránh tư tưởng bi quan, xem như tàn phế mà hầu hết các bệnh nhân Việt Nam đang đeo mang như hiện nay”, PGS.TS. Phạm Văn Bùi chia sẻ.

Nếu lọc máu càng chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt, tuổi thọ của người bệnh càng kéo dài hơn, chất lượng cuộc sống cũng tốt hơn.


KHÁNH GIAO
Ý kiến của bạn