Hà Nội

Tư liệu: Tiếng nói của ngành Y tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc

23-11-2021 20:47 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS- Từ kho tư liệu của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, chúng tôi thú vị nhận thấy, cách đây 63 năm, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai đã được tổ chức với sự tham gia của những gương mặt trí thức lớn của ngành Y tế.

Đề kháng thế nào trước sự "xâm lăng văn hóa" thời 4.0?Đề kháng thế nào trước sự 'xâm lăng văn hóa' thời 4.0?

SKĐS - Để xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam... đồng thời tăng cường sức đề kháng trước sự xâm lăng văn hóa, việc xã hội hóa văn học nghệ thuật là tất yếu.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (diễn ra từ ngày 16 đến 20-7-1948 tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) là Hội nghị Thi đua ái quốc của trí thức, các văn nghệ sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tại Hội nghị, nội hàm và mục tiêu của "nền văn hóa mới của nước Việt Nam mới" đã được xác định. Cũng từ đó mà tập hợp được đông đảo lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà khoa học trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Từ những dòng kỷ yếu của hội nghị

Trong các đại biểu của ngành khoa học tự nhiên có rất nhiều bác sĩ, trí thức lớn của ngành Y tế. Đó là BS. Hồ Đắc Di, BS. Hoàng Tích Trí, BS. Phạm Ngọc Thạch, BS. Vũ Hữu Hiếu, BS. Phó Đức Thạc…

Tư liệu: Tiếng nói của ngành Y tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc - Ảnh 2.

Kỷ yếu Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai (16-20.7.1948. Hội Văn hóa Việt Nam xuất bản (Việt Bắc), 1948

Trong cuốn Kỷ yếu Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai đã biên đầy đủ các thuyết trình, báo cáo, tham luận tại Hội nghị quan trọng này. Trong đó có những dòng ghi về "Ngày khoa học tự nhiên và xã hội" (17.7.1948) như sau:

Chủ tịch: ông Nguyễn Văn Huyên, ông Trần Huy Liệu

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, trưởng ban khoa học tự nhiên báo cáo thành tích và dự án chương trình hoạt động. Tiếp theo báo cáo, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thuyết trình về "những nhận xét mới về y lý bệnh lao".

Bác sĩ Hồ Đắc Di thuyết trình về những bước tiến của khoa giải phẫu Việt Nam trong hơn một năm kháng chiến.

Bác sĩ Hoàng Tích Trí thuyết trình về giống muỗi anophèle.

Bác sĩ Vũ Hữu Hiếu đọc thuyết trình của bác sĩ Đỗ Xuân Hợp về "bàn chân người Giao Chỉ".

Những bản báo cáo đó cũng chính là khái quát những thành tựu mà ngành Y của chúng ta đã đạt được trong những năm đầu Cách mạng.

Phác thảo chân dung những trí thức lớn của ngành Y tham dự hội nghị

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Việt Nam và cũng là Viện trưởng Viện chống lao đầu tiên. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu y học được đánh giá cao ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, ông là một trong những chuyên gia có tên tuổi về bệnh lao trên thế giới và có hơn 80 bài nghiên cứu bề bệnh lao đã được đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học ở Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Mỹ… Từ năm 1957, ông cùng đồng nghiệp phát minh nhiều phương pháp phòng chống và điều trị bệnh lao có hiệu quả cao. Ông là người đi tiên phong trong sứ mệnh chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam.

Tư liệu: Tiếng nói của ngành Y tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc - Ảnh 3.

Thăm Bệnh xá Vân Đình (Hà Tây cũ) ngày 20-4-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ bệnh xá thực hiện "Lương y như từ mẫu". Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch cũng có mặt trong chuyến thăm này. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 Sau Cách mạng tháng tám 1945, giáo sư Hồ Đắc Di được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiệm vụ tổ chức lại Đại học Y Hà Nội và trở thành hiệu trưởng của ngôi trường danh giá này. Cùng một lúc, ông đảm nhận các chức trách quan trọng khác như Tổng thanh tra y tế, Tổng giám đốc Đại học vụ, Giám đốc Bệnh viện Đồn Thủy, Đại biểu quốc hội khóa II, III, IV và V, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Pháp… Giáo sư Hồ Đắc Di là một trí thức tiêu biểu của ngành Y. Những gì ông để lại không chỉ là những công trình nghiên cứu đồ sộ mà còn là cách sống, cách làm người, cách hành nghề y. Ông cũng góp phần quan trọng đào tạo được một thế hệ thầy thuốc có tâm- tầm- tài cho nền y khoa nước nhà.

Tư liệu: Tiếng nói của ngành Y tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc - Ảnh 4.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đại học Y năm 1955, GS. Hồ Đắc Di (thứ hai từ phải sang), lúc đó là Hiệu trưởng.

Bác sĩ Hoàng Tích Trí là giáo sư, bác sĩ vi trùng học và là Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam trong những năm 1946-1958. Ông từng là Giám đốc Viện Vi trùng học Việt Nam (Viện Pasteur cũ), quyền giáo sư Đại học Y-Dược-Nha Việt Nam và Đại biểu Quốc hội khóa I.

Trong những năm kháng chiến, ông cùng Bộ Y tế chỉ đạo xây dựng mạng lưới y tế nhân dân, phối hợp cùng với quân y tham gia cấp cứu, phòng dịch ngoài mặt trận, đồng thời xây dựng cán bộ y bác sĩ tại các trường y. Ông cũng trực tiếp chỉ đạo Viện Vi trùng học nghiên cứu và chế tạo thành công vắc xin phòng các bệnh thương hàn, tả, đậu mùa, dại.

Tư liệu: Tiếng nói của ngành Y tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc - Ảnh 5.

Bác sĩ Hoàng Tích Trí

Trong suốt cuộc đời mình, GS. Đỗ Xuân Hợp là  tác giả hoặc đồng tác giả của hơn 100 công trình nghiên cứu và gần 20 cuốn sách chuyên khảo về các lĩnh vực Giải phẫu học ngoại khoa, Nhân chủng học, Khảo cổ học, Mĩ học rất có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn. Công trình khoa học có giá trị nhất ông để lại cho đời là bộ sách Giải phẫu học gồm 4 tập "Giải phẫu học đại cương và giải phẫu đầu - mặt – cổ", "Giải và thực dụng ngoại khoa chi trên và chi dưới", "Giải phẫungực"  và "Giải phẫu bụng".

Từ năm 1960 - 1978, ông là Phó Chủ tịch Tổng Hội y học Việt Nam từ khi thành lập; sáng lập viên và là Chủ tịch Hội Hình thái học Việt Nam (1968 - 1985); chuyên viên đầu ngành Giải phẫu Việt Nam. Ông là Đại biểu Quốc hội từ Khóa II đến Khóa VII, ủy viên Thường vụ Quốc hội Khóa IV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế - Xã hội của Quốc hội Khóa VI, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Khóa III, Phó Chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Khóa IV.

Tư liệu: Tiếng nói của ngành Y tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc - Ảnh 6.

GS Đỗ Xuân Hợp (ngoài cùng bên phải) cùng đoàn cán bộ Việt Nam trong một lần sang thăm và làm việc tại Leningrat, Liên Xô, 1963 (Ảnh tư liệu)

Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam là một trong những nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đề ra và sẽ được bàn thảo sâu hơn trong Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ ba vào ngày mai, 24/11/2021. Sức mạnh con người Việt Nam trong dòng chảy lịch sử, trong đó có sức mạnh trí tuệ - mà nhân lực ngành Y đóng góp một phần đáng tự hào- luôn là một giá trị cốt lõi của văn hóa.

Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ: Từ đường tình yêu, nghệ thuật đến... tên phốXuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ: Từ đường tình yêu, nghệ thuật đến... tên phố

SKĐS - Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ là cặp vợ chồng được giới nghệ sĩ, công chúng nể trọng, yêu mến bởi tài năng và các tác phẩm nghệ thuật họ để lại cho đời.


Võ Hồng Thu
Ý kiến của bạn