Hà Nội

Tự làm thịt cóc để ăn, chị mất mạng, em bị ngộ độc nặng

03-06-2018 13:23 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Khoa Cấp cứu chống độc- BV Nhi TW vừa tiếp nhận điều trị bé gái 11 tuổi ở Hoà Bình bị ngộ độc nặng do ăn thịt cóc. Thương tâm hơn là chị gái sinh đôi của bé do ăn thịt cóc nhiều hơn và ngộ độc nặng hơn nên đã tử vong ở bệnh viện tuyến dưới

Thông tin từ BV Nhi TW ngày 3/6 cho biết, Khoa Cấp cứu chống độc – BV Nhi TW vừa tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Thị Mây (11 tuổi, Hòa Bình) bị ngộ độc nặng do ăn thịt cóc. Theo lời kể của người mẹ, vợ chồng chị đi làm ăn xa, hai con gái ở nhà cùng bà ngoại, khoảng 8 giờ tối ngày 30/5 hai chị em bé Mây rủ nhau đi bắt cua và có bắt được một con cóc rồi mang về tự nấu cho nhau ăn. Sau khi ăn khoảng 2 tiếng cả hai chị em cùng có biểu hiện: nôn liên tục, li bì và được gia đình chuyển ngay vào bệnh viện huyện rồi BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, mặc dù đã được các bác sĩ tích cực cấp cứu…nhưng do ăn nhiều hơn em nên chị gái của bé Mây rất nguy kịch và đã không qua khỏi, còn bé Mây được các bác sĩ chuyển ngay đến BV Nhi TW để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Tại BV Nhi TW, bé Mây nhập viện trong tình trạng buồn nôn nhiều, li bì, chân tay lạnh, rối loạn nhịp tim, huyết áp hạ. Các bác sĩ xác định bé bị ngộ độc do ăn thịt cóc có biến chứng rối loạn nhịp tim và đã tiến hành cấp cứu và làm các xét nghiệm cần thiết. Kết quả sau hai ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi đã cải thiện. Hiện bé đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực của BV Nhi TW

Theo TS.BS Lê Ngọc Duy – Phó Trưởng Khoa Cấp cứu chống độc – BV Nhi TW cho biết, thịt cóc chứa nhiều đạm và kẽm, thường được người dân chế biến cho trẻ ăn, hy vọng chữa lành bệnh còi xương, suy dinh dưỡng cho con cháu.

Thịt cóc không chứa độc tố, tuy nhiên nhiều bộ phận khác của cóc lại chứa độc tố trong đó có độc tố chết người như tetrodotoxin. Ngoài ra, gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của cóc cũng chứa bufotenin - một chất cực độc, dễ gây chết người, chế biến ở nhiệt độ cao cũng khó bị phân hủy, nếu sơ chế thịt cóc sai quy trình có thể dẫn tới ngộ độc, thậm chí tử vong như trường hợp của bé Mây.

Bệnh nhi Nguyễn Thị Mây đang được điều trị tích cực tại BV Nhi TW

“Trẻ bị ngộ độc tùy từng mức độ có thể thấy mệt mỏi, buồn nôn, nôn, nhức các chi, nặng hơn là rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, hoảng hốt vì thế sinh ra ảo giác, co giật, ngừng thở ngừng tim nếu không được cấp cứu kịp thời”- TS.BS Lê Ngọc Duy cho hay.

Theo TS.BS Lê Ngọc Duy, thực tế thịt cóc cũng như các loại thịt khác, đều có hàm lượng dinh dưỡng nhất định nhưng ăn lại nguy hiểm nếu sơ suốt khi chế biến. Nọc độc cóc chứa rất nhiều chất độc, những chất này có thể tiết qua hạch bạch huyết truyền đi khắp da, mủ, trứng và gan. Thịt, mỡ cóc không có độc tố nhưng nếu không cẩn thận trong khi chế biến vẫn có thể nhiễm độc. Bên cạnh đó, cóc rất bẩn, có nhiều giun sán, ký sinh trùng…

“Nếu muốn dùng thịt cóc, cần tránh sử dụng các sản phẩm chế biến sẵn như ruốc cóc, thịt cóc… do không đảm bảo về an toàn và vệ sinh. Tuyệt đối không ăn nội tạng, trứng cóc. Khi chế biến phải để thịt cóc sạch sẽ, không bị da, nhựa,… dính vào”- TS.BS Lê Ngọc Duy khuyến cáo.

Cũng theo TS.BS Lê Ngọc Duy- khi gặp người bị ngộ độc thịt cóc, cần nhanh chóng gây nôn để loại bỏ tối đa độc tố trong cơ thể, gọi người giúp đỡ…và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và chữa trị kịp thời.

Cục An toàn Thực Phẩm – Bộ Y tế cũng khuyến cáo: chỉ sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành.
Nếu muốn sử dụng thịt cóc để ăn, cần loại bỏ cóc tía (cóc có mắt màu đỏ), làm thịt cóc theo đúng quy trình: cắt bỏ đầu dưới hai tuyến mang tai, chặt 4 bàn chân, lột da trong chậu nước, khoét bỏ hậu môn, loại bỏ hết ruột, trứng, gan, mật, rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước sạch, chỉ lấy thịt, xương để chế biến thành thực phẩm. Tuyệt đối không để da cóc, nội tạng cóc, nhựa cóc lẫn vào thịt cóc.


Thái Bình- Chi Khánh
Ý kiến của bạn