1. Tự kỷ là gì?
Tự kỷ là một dạng bệnh trong nhóm rối loạn phát triển xâm nhập, ảnh hưởng đến nhiều mặt trong quá trình phát triển của con người từ lúc nhỏ nhưng chủ yếu là khiếm khuyết về tương tác xã hội, khiếm khuyết về giao tiếp (không lời và lời nói), các hành vi bất thường hoặc các mối quan tâm bị thu hẹp, rập khuôn và lặp lại. Tự kỷ được đặc trưng chủ yếu bởi các rối loạn hành vi, khả năng giao tiếp, sở thích, kiểm soát hành động và suy nghĩ.
Phân loại bệnh theo ICD-10, tự kỷ được chia thành 2 loại:
- Tự kỷ điển hình: Tự kỷ bẩm sinh (chậm phát triển/hoặc các triệu chứng xuất hiện ngay sau sinh đến trước 3 tuổi).
- Tự kỷ không điển hình (mắc sau 3 tuổi): Tiền sử phát triển bình thường tới 12 đến 30 tháng tuổi sau đó ngừng phát triển đột ngột hoặc thoái triển các triệu chứng khác của tự kỷ.
2. Tự kỷ ở người lớn
Bệnh tự kỷ ở người lớn thường được gọi là rối loạn phổ tự kỷ xuất hiện ở người lớn. Bệnh được gọi là phổ tự kỷ vì sự đa dạng của các dấu hiệu, triệu chứng và khác biệt về mức độ nghiêm trọng của chúng.
Nhìn chung tự kỷ ở người lớn được hiểu là chứng rối loạn phức tạp về hệ thần kinh, làm ảnh hưởng tới hoạt động não bộ. Mặc dù bệnh tự kỷ thường được chẩn đoán ở trẻ mới biết đi nhưng có thể đến khi trưởng thành thì rối loạn phổ tự kỷ mới được phát hiện.
3. Nguyên nhân gây bệnh tự kỷ và tự kỷ ở người lớn?
Mặc dù đã trải qua nhiều nghiên cứu nhưng nguyên nhân chính xác gây bệnh tự kỷ cho đến nay vẫn chưa được xác định. Một số nguyên nhân và yếu tố được cho là có liên quan đến cơ chế bệnh sinh bao gồm:
3.1 Tổn thương não hoặc não bộ kém phát triển do một số tác nhân như:
- Sinh non tháng dưới 37 tuần.
- Cân nặng khi sinh thấp dưới 2.500g.
- Chấn thương sọ não do can thiệp sản khoa.
- Ngạt hoặc bị thiếu oxy não khi sinh.
- Thiếu oxy não do suy hô hấp nặng.
- Vàng da nhân não sơ sinh.
- Chảy máu não – màng não sơ sinh.
- Nhiễm khuẩn thần kinh như: Viêm màng não, viêm não.
- Nhiễm độc thủy ngân.
- Chấn thương sọ não.
3.2 Yếu tố di truyền:
- Một số bất thường về nhiễm sắc thể có liên quan đến rối loạn phổ tự kỷ.
3.3 Yếu tố môi trường:
- Mặc dù tính di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc xác định nguy cơ mắc chứng tự kỷ, nhưng môi trường cũng có thể tác động đến cách các gen được biểu hiện. Ví dụ: Một cá nhân có yếu tố di truyền có khả năng cao mắc bệnh tự kỷ, và có thể trải qua các trải nghiệm môi trường nhất định như tiếp xúc với chất gây ô nhiễm, căng thẳng gia đình, công việc… làm tăng nguy cơ xuất hiện các triệu chứng tự kỷ.
4. Dấu hiệu, triệu chứng bệnh tự kỷ ở người trưởng thành
4.1 Khó khăn trong giao tiếp xã hội:
- Người lớn tự kỷ có thể gặp khó khăn trong việc thiết lập và duy trì các mối quan hệ xã hội. Họ có thể thiếu khả năng đọc hiểu cảm xúc và ngôn ngữ cơ thể của người khác, giảm khả năng chia sẻ sở thích, cảm xúc, không thể bắt đầu hoặc phản hồi lại các tương tác xã hội. Điều này gây khó khăn trong việc trao đổi, trò chuyện với người khác.
4.2 Có các sở thích đặc trưng:
- Người lớn tự kỷ thường có sở thích đặc biệt và tập trung sâu vào một số chủ đề hoặc hoạt động cụ thể. Họ thường gắn bó chặt chẽ hoặc bận tâm đến những đồ vật bất thường, những sở thích quá mức hoặc kiên trì. Họ có thể dành sự quan tâm đáng kể cho những sở thích này nhưng lại thiếu sự linh hoạt và đa dạng trong việc tham gia vào các hoạt động khác.
4.3 Hành vi lặp đi lặp lại:
- Người lớn tự kỷ có thể thực hiện các hành vi, câu nói lặp đi lặp lại. Họ cũng có thể tập trung vào việc sắp xếp các đối tượng theo một trật tự cụ thể.
4.4 Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh hoặc xúc giác:
- Trong nhiều trường hợp, người lớn tự kỷ có thể nhạy cảm cao với ánh sáng, âm thanh, mùi hương hoặc cảm giác xúc giác. Những sự kích thích này có thể gây ra sự khó chịu hoặc căng thẳng và ảnh hưởng đến quá trình tương tác, tham gia vào các hoạt động hàng ngày.
Tuy những dấu hiệu trên có thể xuất hiện ở người lớn tự kỷ, nhưng không phải tất cả các người lớn tự kỷ đều có cùng các dấu hiệu này. Mỗi người có thể có biểu hiện và mức độ khác nhau. Để đưa ra chẩn đoán chính xác, bạn cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia tâm thần.
5. Tự kỷ ở người lớn có lây không?
Tự kỷ là nhóm bệnh tâm thần, không phải là bệnh truyền nhiễm, do đó không có khả năng lây truyền từ người bệnh sang người khỏe mạnh.
6. Phòng ngừa bệnh tự kỷ
Không có biện pháp phòng ngừa bệnh tự kỷ hoàn toàn. Tuy nhiên, thực hiện tốt các biện pháp sau đây có thể giúp nguy cơ mắc bệnh giảm đi đáng kể:
- Phụ nữ có thai nên thăm khám thường quy để phát hiện sớm các bệnh lý và tình trạng bất thường của thai nhi, sớm có phương án xử lý.
- Khám sức khỏe cho trẻ thường quy (nhất là trẻ sơ sinh có nguy cơ cao) hàng quý trong 24 tháng đầu đời để có thể phát hiện sớm các rối loạn phát triển, trong đó có chứng tự kỷ.
- Phụ nữ mang thai cần được tư vấn dinh dưỡng và tiêm chủng để hạn chế tình trạng thiếu chất. Đồng thời giảm nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm trong thai kỳ. Ngoài ra, các mẹ bầu cần hạn chế tiếp xúc với thủy ngân cũng như các kim loại nặng.
7. Phương pháp điều trị bệnh tự kỷ ở người lớn
Người lớn mắc tự kỷ có phác đồ điều trị khác với trẻ mắc bệnh tự kỷ. Các liệu pháp điều trị cụ thể dựa vào những vấn đề mà người bệnh đang gặp phải như lo lắng, cô lập với xã hội, các vấn đề về mối quan hệ hoặc khó khăn trong công việc...
Các liệu pháp điều trị nhắm đến tăng các hành vi xã hội, giảm các triệu chứng hành vi lạ và tăng giao tiếp ngôn ngữ và học tập cần được khắc phục. Giảm các hành vi gây rối...
Không có loại thuốc nào đặc hiệu với các triệu chứng chính của rối loạn tự kỷ. Một số có tác dụng trong việc làm giảm bớt tăng động, ám ảnh và các hành vi cưỡng bức, cáu kỉnh, giận dữ và các hành vi tự gây tổn thương.