Tự kiểm soát để tránh bị tăng mỡ máu

13-01-2014 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Nếu như bệnh lý của xã hội kém phát triển là do vi khuẩn thì bệnh lý chủ yếu của xã hội hiện đại lại có căn nguyên từ chứng xơ vữa động mạch, hậu quả của việc tăng mỡ máu mà một tỷ lệ rất lớn xuất phát từ việc ăn uống không đúng cách và lối sống thiếu lành mạnh...

Nếu như bệnh lý của xã hội kém phát triển là do vi khuẩn thì bệnh lý chủ yếu của xã hội hiện đại lại có căn nguyên từ chứng xơ vữa động mạch, hậu quả của việc tăng mỡ máu mà một tỷ lệ rất lớn xuất phát từ việc ăn uống không đúng cách và lối sống thiếu lành mạnh...

Mỡ máu và tăng mỡ máu

Mỡ máu là từ chung chỉ các chất béo có trong máu. Các chất này bao gồm cholesterol và triglyceride. Cholesterol là chất có vai trò quan trọng trong việc cấu thành vách các tế bào, có nguồn gốc từ một số thức ăn như trứng, thịt, cá... nhưng phần lớn lượng cholesterol là do gan tổng hợp nên. Cholesterol gồm các cholesterol có tỷ trọng cao (HDL-C: high density lipoprotein-cholesterol), là loại cholesterol tốt có tác dụng bảo vệ thành mạch máu và cholesterol có tỷ trọng thấp (HDL-C: low density lipoprotein-cholesterol) là loại cholesterol không tốt do có thể gây xơ vữa động mạch khi nồng độ tăng cao trong máu. Bình thường, lượng cholesterol máu nhỏ hơn 5,2mmol/l (200mg/dl), LDL-C dưới 3,4mmol/l (130mg/dl). Triglyceride là những acid béo tự do mới được hấp thu từ thức ăn qua ruột vào máu và sẽ được chuyển thành cholesterol. Bình thường, nồng độ triglyceride nhỏ hơn 2,26mmol/l (200mg/dl). Nếu quá dư thừa lượng triglyceride sẽ không tốt cho người bệnh. Như vậy, tăng mỡ máu có thể là tăng một hoặc tất cả các thành phần đã nêu ở trên (trừ HDL-C là loại mỡ máu có lợi cho sức khỏe).

Chế độ ăn là nguyên nhân hàng đầu gây tăng mỡ máu dẫn đến xơ vữa động mạch vành tim.

Chế độ ăn là thủ phạm hàng đầu

Có nhiều nguyên nhân gây tăng mỡ máu, trong đó hàng đầu phải kể đến là do chế độ ăn. Người bị tăng mỡ máu thường là những người ăn quá nhiều mỡ động vật, ăn thức ăn có chứa lượng cholesterol cao như mỡ, bơ, trứng, phủ tạng động vật... Tiếp theo là nguyên nhân tăng mỡ máu có tính chất gia đình (do thiếu hụt các thụ thể của chất LDL-C, do rối loạn hỗn hợp gen). Bên cạnh đó, một số bệnh lý cũng có thể gây tăng mỡ máu như hội chứng thận hư, suy tuyến giáp trạng, bệnh tiểu đường, xơ gan ứ mật... và những người có nguy cơ cao bị tăng mỡ máu là những người béo phì, người nghiện rượu, nghiện thuốc lá, người ít hoạt động thể lực, người đang dùng thuốc chẹn beta giao cảm kéo dài (để điều trị bệnh tăng huyết áp, suy tim)...

Và những hệ lụy…

Tăng mỡ máu sẽ để lại hậu quả là bệnh xơ vữa động mạch. Lượng mỡ quá cao xâm nhập vào thành của động mạch làm cho chúng trở nên xơ cứng, mất tính chất chun giãn, thành mạch dày lên, lòng mạch sần sùi, bóc tách thành từng mảng, trong đó lắng đọng các chất mỡ và canxi (vôi hóa thành mạch). Khi lòng mạch bị tổn thương, tiểu cầu trong máu sẽ tăng kết tụ và tạo cục máu đông khiến cho lòng mạch hẹp lại hoặc thậm chí tắc hẳn. Vì vậy, sẽ có rất nhiều biến chứng nguy hiểm do hệ động mạch bị xơ vữa như nhồi máu cơ tim (tắc động mạch vành nuôi tim); xuất huyết não (do vỡ mạch máu trong não); tắc mạch máu não (hay nhồi máu não); phồng, tách động mạch chủ ngực, động mạch chủ bụng (do thành mạch bị xơ vữa nên hẹp và yếu, không chịu nổi áp suất của máu nên phồng giãn to ra), khi vỡ gây đột tử cho bệnh nhân; xơ vữa, tắc các mạch máu nuôi chi khiến đầu chi tái, lạnh, hoại tử và có triệu chứng cơn đau xuất hiện khi đi lại nhiều... Thêm nữa, tăng mỡ máu cũng có nguy cơ tích tụ mỡ trong gan (gan nhiễm mỡ) hoặc viêm tụy cấp do tăng triglyceride, là một biến chứng hết sức nguy hiểm trên lâm sàng.

Tập luyện là phương pháp tốt để kiểm soát mỡ máu. Ảnh: TM

Cần một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý

Có thể dự phòng tăng mỡ máu bằng cách áp dụng một số biện pháp sau:

Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý bằng cách: hạn chế mỡ động vật, thay bằng dầu thực vật; không nên ăn quá nhiều phủ tạng động vật (lòng lợn, lòng gà, lòng trâu bò...), trứng, thịt mà nên thay bằng tôm, cá là những thực phẩm có chứa ít cholesterol. Tăng cường ăn nhiều hoa quả, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, sữa chua, vừng đen, lạc. Trong quá trình chế biến thực phẩm, các bà nội trợ nên sử dụng dầu thực vật thay cho mỡ động vật để làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Với người bị bệnh mỡ máu cao, cần tránh xa các món ăn ngọt, nhiều dầu mỡ như: bánh quy, phô mai... Tránh lạm dụng rượu bia hoặc các chất uống có cồn khác. Tuyệt đối không hút thuốc lá, thuốc lào.

Kiểm soát cân nặng bằng cách luyện tập thể dục thể thao. Tích cực vận động bất cứ khi nào có thể như đi lại, tập thể dục, chơi thể thao (cầu lông, bóng bàn, chạy...). Duy trì cân nặng ở mức hợp lý, tránh béo phì (BMI từ 18 - 22).

Khi đã có tăng mỡ máu, cần tuân thủ đúng quy trình điều trị do thầy thuốc hướng dẫn. Cần đi kiểm tra mỡ máu định kỳ 3 - 6 tháng/lần. Điều trị tốt các bệnh lý có thể gây tăng mỡ máu như hội chứng thận hư, bệnh xơ gan ứ mật... Đặc biệt, phải hết sức chú ý phòng tránh và điều trị tốt những bệnh phối hợp như tăng huyết áp, tiểu đường, gút, bệnh mạch vành vì có thể dẫn đến những biến chứng hết sức nguy hiểm khi phối hợp với xơ vữa động mạch do mỡ máu tăng cao.

TS.BS. Vũ Đức Định (BV E Trung ương)

 


Ý kiến của bạn