Hébrard là ai? Đó là một kiến trúc sư Pháp (1875-1933), người đã xây dựng ở Hà Nội 3 tác phẩm kiến trúc độc đáo, nay là Viện Bảo tàng lịch sử, Trường đại học Tổng hợp và trụ sở Bộ Ngoại giao, người đã tạo ra phong cách Đông Dương (style indochinois) bằng cách kết hợp nhuần nhuyễn những yếu tố cổ truyền Việt Nam, Khơ-me, Trung Quốc với kỹ thuật và quan niệm hiện đại. Ông chú ý tới độ thoáng và mát của công trình, hợp với khí hậu nhiệt đới.
Hébrard là kiến trúc sư lỗi lạc nửa đầu thế kỷ XX. Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris và Villa Medicis Roma, ông tham gia quân đội trong Chiến tranh thế giới I và do đó có dịp làm công việc bảo tồn di sản và đô thị hóa mấy năm ở Hy Lạp, cái nôi nghệ thuật phương Tây.
Năm 1923, ông nhận đặc nhiệm sang Đông Pháp lãnh đạo Sở Đô thị hóa và kiến trúc Trung ương. Về mặt đô thị Hà Nội, ông có ý đồ tạo ra một khu hành chính bằng cách kéo dài đất từ Phủ Toàn quyền và gộp các cơ quan đã có, mở thành phố ra phía Tây (sông Tô Lịch) và phía Đông (sông Hồng). Chương trình không thực hiện được vì thiếu ngân sách.
Về mặt kiến trúc Hà Nội, Hébrard chấm dứt một thời kỳ chính quyền thực dân Pháp chủ trương xây dựng những tòa nhà kiểu tân cổ điển đồ sộ để gây ấn tượng quyền lực với dân bị trị như Phủ Thống sứ, Phủ Toàn quyền, Nhà Bưu điện... Ông chủ trương thể hiện tiếp biến văn hóa Đông-Tây trong lĩnh vực kiến trúc. Pédelahore nhận định: “Nếu Việt Nam phát hiện cho Hébrard những khả năng sáng tạo của mình về kiến trúc thì đáp ứng lại, bằng những công trình của mình, Hébrard đã phát hiện và thức tỉnh cho Việt Nam tính thời sự, tính thích hợp và tính hiện đại của nền văn minh và của nền kiến trúc truyền thống của mình”.
Để kết hợp kiến trúc Đông – Tây, Hébrard tránh cái hời hợt của một vài chi tiết ước lệ như mái cong, rồng... Ông muốn lột tả nhuần nhuyễn cái “thần”, cái bản chất của nền văn hóa. Ông xa phong cách tân cổ điển mà gần phong cách hiện đại ART – DÉCO. Phong cách tân cổ điển bắt chước các công trình xây dựng thời cổ Hy Lạp-La Mã (đối xứng, cột to và cao, mái vòm). Phong cách ART – DÉCO thịnh hành ở châu Âu vào những năm 1925-1935 (ảnh hưởng của Ấn Độ, Viễn Đông, người da đỏ và nhất là một ngôi mộ cổ Ai Cập – phù điêu trang trí mỏng, nhiều đường song song hay chéo, mô típ hoa, chi tiết hình chữ). Ông vượt ra khỏi sự ràng buộc của kiến trúc phương Tây, coi mặt tiền và tường là những thành tố ưu tiên, tránh kỹ thuật xây khối gạch và hình trát to lớn thịnh hành vào thời đó ở thuộc địa Đông Pháp.
Viện Bảo tàng L.Finot (nay là Viện Bảo tàng lịch sử) có thể coi là bản tuyên ngôn kiến trúc của Hébrard. Ông đã áp dụng những nguyên tắc cấu trúc đình chùa miền Bắc Việt Nam (kiến trúc “kép” qua một hệ thống cột vươn từ đất lên, đỡ một mái nhà to rộng và dốc, mái nhà chi phối toàn bộ xây dựng...). Ảnh hưởng của Hébrard còn tồn tại do những bài giảng của ông cho các kiến trúc sư tương lai của Việt Nam.
Ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Hébrard phụ trách môn kiến trúc ngay từ những ngày đầu. Những sinh viên tốt nghiệp đã theo vết ông kết hợp với những yếu tố bản địa và phương Tây đã đạt được những thành tựu xuất sắc (như Nguyễn Cao Luyện, Đỗ Đức Diên, Nguyễn Xuân Tùng, Ngô Huy Quỳnh). Năm 1934, Hội Phật giáo Bắc Kỳ đóng trụ sở ở chùa Quán Sứ Hà Nội. Chùa xây dựng từ thời Lê, đã hoang phế. Các KTS Nguyễn Ngọc Ngoạn và Nguyễn Xuân Tùng đã kiến trúc lại theo phong cách tiếp biến Đông Tây rất thành công. Nhà Thủy Tạ bên hồ Hoàn Kiếm cũng được thiết kế theo phong cách canh tân truyền thống. Cuối những năm 30 và thời Nhật thuộc (1940-1945) ít xây những công trình công cộng lớn, những kiến trúc sư trường phái Hébrard xây dựng nhiều biệt thự tư nhân rất đẹp ở các đại lộ khu phố Tây... Hà Nội.
Hữu Ngọc