Tự hào Vovinam

03-01-2012 16:00 | Văn hóa – Giải trí

Là một nhánh của “cây” đại thụ võ cổ truyền Việt Nam, Vovinam - Việt võ đạo đã trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển mang đậm bản sắc truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Là một nhánh của “cây” đại thụ võ cổ truyền Việt Nam, Vovinam - Việt võ đạo đã trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển mang đậm bản sắc truyền thống của dân tộc Việt Nam. Từ một môn phái nhỏ, nhưng với những bước đi từ phong trào đến đỉnh cao, Vovinam đã mở rộng được tầm ảnh hưởng của mình tại các đấu trường thể thao. Cũng từ đây, một tinh hoa của võ thuật Việt Nam đã được khẳng định trên trường quốc tế.

Khoảng khắc chiến thắng
Vovinam – Tên gọi mang đầy bản sắc

Theo các võ sư Vovinam, lịch sử ghi lại rằng, môn phái Vovinam - Việt võ đạo do cố võ sư Nguyễn Lộc (1912 - 1960) sáng lập vào năm 1938 tại Hà Nội. Võ sư Nguyễn Lộc trưởng thành trong hoàn cảnh quê hương Việt Nam đang bị thực dân Pháp đô hộ. Thời bấy giờ, thanh niên Việt Nam đang bị chi phối bởi 2 khuynh hướng: một là hy sinh dấn thân vào con đường cách mạng cứu nước; còn một là buông mình theo lớp vỏ văn minh hào nhoáng của phương Tây mà những thú vui sa đọa, những phong trào thể thao của lớp thượng lưu trưởng giả được thực dân Pháp khuyến khích để ru ngủ các tầng lớp thanh niên. Với tâm nguyện và hoài bão sẽ đào tạo một thế hệ thanh niên có sức khỏe, có ý chí, nghị lực và lòng can đảm để sống hữu ích cho chính mình, cho dân tộc và nhân loại, ngoài việc tu dưỡng đạo đức, trau dồi học vấn, võ sư Nguyễn Lộc còn dành thời gian sưu tầm, nghiên cứu nhiều môn võ khác. Tất cả những ý tưởng quan trọng về võ học và những vấn đề liên quan đều được ông quan tâm, phân loại cụ thể. Ngoài ra, ông còn đến tham quan các võ đường, dự khán những trận tỉ thí võ đài hoặc mạn đàm cùng một số võ sư để tìm hiểu thêm các đòn thế hay, đẹp, hiệu quả của các môn võ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... Từ việc nhận ra thực chất của những kỹ thuật, bài võ đi đến việc nhận rõ giá trị đặc thù của từng môn võ, đồng thời đối chiếu với đặc điểm tâm lý và thể tạng của người Việt Nam, cố võ sư Nguyễn Lộc đã lấy môn vật và võ dân tộc Việt Nam làm nền tảng, khai thác mọi tinh hoa võ thuật đã có trên thế giới để sáng tạo thành môn phái riêng đặt tên là Vovinam. Ngay từ tên gọi đã phần nào cho thấy tinh thần yêu nước được ngụ ý khi sau này Vovinam sẽ có tương lai trên trường quốc tế và chỉ cần đọc cái tên rất dễ nhớ ấy là người ta có thể biết ngay gốc gác của môn phái.

Những bước đi vững chắc

Sau khi võ sư Nguyễn Lộc qua đời, các môn đệ đã tiếp tục kế nghiệp, tổ chức lại bộ máy, từng bước hệ thống, bổ sung lý thuyết võ đạo, bài bản, đòn thế… chung tay góp sức đưa môn phái ngày càng phát triển. Đến nay, Vovinam đã phát triển lớn mạnh trong nước và nước ngoài, được nghành thể dục thể thao (TDTT) chú trọng phát huy và quảng bá. Vovinam là môn phái võ Việt Nam duy nhất có hệ thống các giải thi đấu chính thức của Hội khỏe Phù Đổng và Đại hội TDTT toàn quốc. Đặc biệt, các vận động viên Vovinam đạt thành tích cao cũng được Tổng cục TDTT phong cấp kiện tướng như các môn thể thao khác. Tại đấu trường trong nước, nếu ở giải Vô địch quốc gia đầu tiên vào năm 1992 mới chỉ có khoảng 10 đoàn tham dự, thì vào năm 2010, giải Vovinam trong chương trình thi đấu của Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI đã có hơn 350 võ sĩ thuộc 24 đơn vị tỉnh, thành, ngành góp mặt. Cùng với sự ra đời của Liên đoàn Quốc gia (ngày 20/10/2007) là hệ thống liên đoàn tỉnh, thành phố tạo nên hệ thống quản lý, điều hành thông suốt. Đặc biệt, môn võ cổ truyền này còn có phong trào tập luyện phát triển mạnh mẽ trong hệ thống nhà trường, tạo nên sự vững chắc cho phong trào cũng như đào tạo lực lượng kế cận.

 Một số đòn đánh đặc sắc của môn pháo Vovinam
Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Vovinam Việt Nam - Võ Danh Hải, trong thời gian tới, liên đoàn sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ chủ đạo, trong đó đáng chú ý là giúp người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đến với Vovinam nhiều hơn nữa, qua đó đẩy mạnh phong trào rộng khắp hơn; phát huy và bảo tồn các giá trị của Vovinam hiện đại song vẫn giữ được bản sắc môn võ thuật cổ truyền của dân tộc Việt; xây dựng, tổ chức các giải quốc tế, nỗ lực phấn đấu đưa Vovinam vào thi đấu tại các đại hội thể thao khu vực, châu lục và Olympic…

 Nhìn về tương lai…

Trên trường quốc tế, Vovinam cũng ghi nhận những bước tiến mạnh mẽ. Từ những chuyến du đấu, biểu diễn nhằm quảng bá hình ảnh cũng như giới thiệu với bạn bè quốc tế về truyền thống thượng võ của dân tộc, Vovinam ngày càng thu hút nhiều môn sinh trên khắp thế giới. Tính đến nay, Vovinam đã ghi dấu ấn tại hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt phát triển tại châu Âu, với nhiều võ đường tại Pháp, Ý, Nga.

Bên cạnh hệ thống giải trong nước, hệ thống các giải quốc tế thường niên cũng hình thành và ổn định. Năm 2009, Vovinam lần đầu tiên có mặt tại chương trình thi đấu của Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ III (AIG - Đại hội thể thao thuộc hệ thống thi đấu của Hội đồng Ủy ban Olympic châu Á) được tổ chức tại Việt Nam với sự góp mặt của 6 đoàn. Tại Giải vô địch Vovinam thế giới lần thứ hai được tổ chức vào tháng 7/2011 vừa qua, đoàn Việt Nam đã giành 20 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ xuất sắc bảo vệ vị trí đứng đầu. Mới đây nhất, dấu ấn của môn võ mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam đã thêm một lần được khẳng định khi lần đầu tiên trong lịch sử SEA Games, Vovinam đã được đưa vào hệ thống thi đấu chính thức. Mới mẻ bước vào sân chơi khu vực nhưng môn võ này đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ bằng những màn trình diễn điêu luyện và ngoạn mục. Đặc biệt, đội tuyển Vovinam Việt Nam đã giành giải nhất toàn đoàn với thành tích 5 HCV, 7 HCB và 3 HCĐ, sự kiện này đã thêm lần nữa khẳng định vai trò của võ thuật Việt Nam trên đấu trường khu vực cũng như quốc tế. Theo ông Hoàng Vĩnh Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, tại kỳ họp Hội đồng SEA Games vừa qua, môn Vovinam trở thành môn nhóm 3 (xếp sau các môn nhóm 1 - Olympic và nhóm 2 - ASIAD). Điều này đồng nghĩa với việc Vovinam đã chính thức là môn thể thao của khu vực Đông Nam Á. Sau lần đầu tiên xuất hiện ở SEA Games 2011, tương lai Vovinam sẽ rất sáng sủa và chắc chắn sẽ còn có mặt tại nhiều kỳ SEA Games tiếp theo.

Không quá khi nói rằng nhắc tới Vovinam là biết đến Việt Nam, và ngược lại, nhắc tới thể thao Việt Nam là người ta có thể nhớ tới Vovinam - món “đặc sản” võ thuật như Taekwondo của người Hàn hay Judo của người Nhật. Qua Vovinam, hình ảnh về một đất nước Việt Nam đầy truyền thống  tinh thần thượng võ, kiên cường trong công cuộc bảo vệ và giữ gìn đất nước thêm một lần nữa được khẳng định. Thật tự hào!

Anh Tuấn


Ý kiến của bạn