Điều ấp ủ trong suốt 20 năm đã trở thành sự thật
May mắn được trở về sau những năm tháng bị giam hãm tại nhà tù Phú Quốc, Ông Lâm Văn Bảng (Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày) đã hiện thực hóa ước mơ xây dựng một bảo tàng nhằm lưu giữ, sưu tầm hiện vật của những người đồng đội là những người lính bị giam giữ tại nhà tù Phú Quốc. “Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày” (thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) có “1-0-2” với những hiện vật là minh chứng cho tội ác của chiến tranh được quy tụ từ mọi miền Tổ quốc khiến cho bất cứ ai cũng sẽ lạnh sống lưng khi tới thăm bảo tàng.
Cổng chào đơn sơ của bảo tàng
Dành hơn 2000m2 mảnh đất hương hỏa của tổ tiên để xây dựng nên bảo tàng, quy tụ được hơn 4.000 hiện vật, mỗi thứ đều mang một ý nghĩa hết sức sâu sắc về những người lính lòng dạ gan thép trước sự tra tấn dã man của kẻ địch năm xưa. Và với hơn 20 năm nỗ lực để có thể hoàn thành tâm nguyện, để có được một bảo tàng như hiện nay, ông Bảng và những người lính tù năm xưa đã phải cố gắng rất nhiều.
Nơi trưng bày hơn 4.000 kỷ vật của những người lính tù năm xưa
Ông không nhớ đã phải đi qua biết bao nhiêu tỉnh thành, đến bao nhiêu gia đình để thuyết phục họ đóng góp những hiện vật của những người đồng đội năm xưa về với bảo tàng. Có những thứ, cả đoàn phải đi đến 3-4 lần mới thuyết phục được người thân của những người lính đã hi sinh để có thể đưa hiện vật về với bảo tàng. Khó khăn rất nhiều, nhưng chỉ cần nghĩ đến những người đồng đội năm xưa, là những người lính già đều luôn sẵn sàng sắn tay áo để đi đến mọi nơi để tìm kiếm và đem kỷ vật về bảo tàng.
Là nơi tái hiện nên “địa ngục trần gian”
Cái tên “địa ngục trần gian” dành cho nhà tù Phú Quốc không ai có thể không công nhận, trong suốt những năm tháng chiến tranh chia rẽ tàn phá đất nước, nơi đây đã trở thành nơi giam giữ hơn 40.000 tù nhân trong nhiều thời kỳ.
Chiến sĩ bị tra tấn bằng vạc dầu trôi
Tù binh tại bị giam giữ tại đây đã phải chịu đựng không biết bao nhiêu thứ hình phạt kinh khủng khiếp như chôn sống, đóng đinh vào tay chân, ném vào chảo nước sôi, đục răng, thiêu sống, nhốt trong “chuồng cọp” giữa trời nắng,… Và Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày chính là nơi phục dựng lại mô hình nhà tù Phú Quốc với những hiện vật, kỷ vật và cả những nhân chứng sống để chứng minh cho tinh thần yêu nước bất khuất của nhân dân ta.
Rất nhiều các hình thức tra tấn dã man được “kẻ ác” áp dụng đối với các tù binh. Từ việc bắt giam các chiến sĩ trong chuồng cọp, không cho tắm rửa, hầm đầy phân và nước tiểu vì chúng không cho quét dọn. Tới việc bắt các chiến sĩ ngồi trong thùng phuy, sau đó đậy nắp rồi dùng búa gõ vào thùng gây điếc, trào máu miệng máu mắt. Hay cả việc tra tấn bằng cách trói nạn nhân vào cột, rạch cho chảy máu sau đó để rắn độc cắn chúng đều áp dụng. Nhưng các chiến sĩ của chúng ta vẫn nhất nhất không tiết lộ dù chỉ nửa lời về bí mật Tổ quốc. Tất cả những hiện vật được trưng bày tại đây, đều mang biết bao câu chuyện xúc động cùng với lòng tự tôn dân tộc.
Thuốn sắt- nơi các chiến sĩ dùng để vượt ngục thành công
Ông Kiều Văn Uỵch (Phó Giám đốc bảo tàng), cũng chính là một trong số những nhân chứng sống may mắn được trở về sau những năm tháng chịu cực hình của kẻ ác. Không kể tuổi tác hay nắng mưa, ông Uỵch ngày nào cũng có mặt tại Bảo tàng để tiếp đón vài đoàn về thăm bảo tàng và kể cho mọi người nghe câu chuyện về những kỷ vật thiêng liêng. Mọi thứ vẫn chỉ có vậy, nhưng với ông thì ý nghĩa của chúng vẫn mãi thiêng liêng, bất tử.
Bồi hồi trước những kỷ vật mà đồng đội xưa để lại, ông chia sẻ: “Mọi thứ tại đây đều rất đáng trân quý, nhưng với tôi lá cờ Tổ quốc được nhuộm bằng máu của các chiến sĩ là đáng quý hơn cả. Ngày nghe tin Hồ Chủ tịch qua đời, các chiến sĩ bị giam đã tự cắt tay mình, lấy máu để làm nên lá cờ Tổ quốc để tưởng nhớ Bác”.
Không xây bảo tàng vì mục đích kinh tế
Thật hiếm ở bảo tàng nào lại có những vị hướng dẫn viên độc đáo như ở nơi đây, tất cả họ dù tuổi đã cao nhưng vẫn luôn giữ tinh thần để có thể tiếp đón khách thăm quan một cách chu đáo nhất.
Ông Kiều Văn Uỵch chia sẻ về những ngày chịu đòn roi trong nhà tù Phú Quốc
Điều đặc biệt nữa, đó chính là bảo tàng không thu phí vào thăm quan của bất cứ ai, chỉ cần có người nhớ và đến với nơi đang lưu giữ những hiện vật “bất tử” của Tổ quốc thì đó đã là thành công và thỏa ước nguyện của những người lính già ấy rồi. Và để có được một bảo tàng lưu trữ hàng nghìn hiện vật như hiện nay, 15 cựu chiến binh ngày ấy đã phải nỗ lực, chắt chiu từng đồng để có tiền thuê xe đi đến các tỉnh thành để đem những kỷ vật về bảo tàng. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vì mọi người đều chung sức, đồng lòng nên tất cả những trở ngại gặp phải trong quá trình sưu tầm hiện vật họ cũng đều vượt qua.
“Có những ngày lên Bắc Ninh, Thái Nguyên, thậm chí là cả Yên Bái, đi cả hai xe ô tô lên để đem hiện vật về, anh em không còn đủ nguồn kinh phí để chi trả, may mắn được các đơn vị tài trợ tiền xăng xe để chúng tôi có thể tiếp tục hoàn thành công việc. Đó là may mắn đối với những người lính già chúng tôi. Ngoài ra, đoàn cũng thường xuyên đem các hiện vật đến nhiều các trường học khác nhau để có thể truyền đạt đến các em tinh thần yêu nước, qua đó thêm cảm phục ý trí bất khuất của cha ông và biết trân trọng chủ quyền lãnh thổ của dân tộc”- Ông Uỵch tâm sự.