Tự hào và xúc động trước bằng chứng chủ quyền biển đảo Việt Nam

26-08-2013 10:00 | Thời sự
google news

Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” (22/8 đến 29/8) đã được khai mạc long trọng tại Dinh Thống Nhất (135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP.HCM) sáng 22/8 và mở cửa tự do đón du khách, nhân dân vào tham quan, học tập, tìm hiểu.

Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” (từ 22/8 đến 29/8) đã được khai mạc long trọng tại Dinh Thống Nhất (135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP.HCM) sáng 22/8 và mở cửa tự do đón du khách, nhân dân vào tham quan, học tập, tìm hiểu. Những bản đồ, tư liệu quý giá được đưa ra tại triển lãm đã một lần nữa khẳng định đanh thép về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Triển lãm trưng bày, giới thiệu 200 bản đồ của Việt Nam, bản đồ Trung Quốc và bản đồ của một số nước Phương Tây bao gồm: Phiên bản các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ, Pháp ngữ do triều đình phong kiến VN ban hành từ thế kỷ 17 - đầu thế kỷ 20; 95 bản đồ chứng minh chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa do VN, phương Tây, Trung Quốc công bố từ đầu thế kỷ 16 đến nay và 4 cuốn atlas (tập bản đồ chính thức) do các thể chế ở Trung Quốc xuất bản: “Trung quốc địa đồ” (xuất bản 1908, bằng tiếng Anh), “Trung quốc toàn đồ” (xuất bản 1917, bằng tiếng Anh), “Trung Hoa bưu chính dư đồ” (do Tổng cục Bưu chính - Bộ Giao thông của Trung Hoa dân quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1919, in bằng tiếng Trung, Anh, Pháp), “Trung Hoa bưu chính dư đồ” (do Tổng cục Bưu chính - Bộ Giao thông của Trung Hoa dân quốc tái bản tại Nam Kinh năm 1933). Các tập atlas này khẳng định ranh giới cực nam của Trung Quốc không vượt quá đảo Hải Nam.

GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, thành viên ban thẩm định của triển lãm cho biết, các tư liệu quý được chọn lọc từ 3 “nguồn” là những tư liệu, bản đồ của Việt Nam, Phương Tây và của chính Trung Quốc được trưng bày công khai sẽ giúp nhân dân, những người xem có đủ cơ sở để tự so sánh, tự tìm hiểu. Chính khả năng tự kiểm định này sẽ giúp mỗi người nhận thấy chủ quyền thực sự của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là không thể phủ nhận được.

Hàng ngàn lượt người, hội đủ mọi thành phần xã hội, mọi tầng lớp nhân dân đã bồi hồi xúc động trong lễ khai mạc triển lãm và tận mắt xem, tận tai nghe những “bằng chứng lịch sử” cất lên tiếng nói, khẳng định chủ quyền của nước ta với hai quần đảo thân yêu.

Báo Sức khỏe & Đời sống đã ghi lại một số hình ảnh tại triển lãm:
Tự hào và xúc động trước bằng chứng chủ quyền biển đảo Việt Nam  1
Sau lễ khai mạc, đông đảo tầng lớp nhân dân ra sân Dinh Độc Lập, nơi có hàng trăm bức tranh, ảnh về Hoàng Sa và Trường Sa được trưng bày trong không gian mở của Triển lãm.
Tự hào và xúc động trước bằng chứng chủ quyền biển đảo Việt Nam  2
Các chiến sĩ bộ đội biên phòng TP.HCM trả lời phỏng vấn truyền hình quân đội bên lề triển lãm.
Tự hào và xúc động trước bằng chứng chủ quyền biển đảo Việt Nam  3
Các bạn trẻ say sưa tìm hiểu bên một tấm bản đồ cổ được chụp lại và trưng bày ngay tại lối vào Dinh Độc Lập
Tự hào và xúc động trước bằng chứng chủ quyền biển đảo Việt Nam  4
Trong khi đó, tại phòng triển lãm tập trung, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên BCH Trung Ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP.TPHCM cùng một số cán bộ thành phố đang được giới thiệu về những tư liệu mới về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa....
Tự hào và xúc động trước bằng chứng chủ quyền biển đảo Việt Nam  5
Đó là các bản đồ cổ như tấm bản đồ được một người Hà Lan vẽ từ năm 1665 khẳng định “nước láng giềng” chưa bao giờ có chủ quyền với các quẩn đảo của nước ta...

Tự hào và xúc động trước bằng chứng chủ quyền biển đảo Việt Nam  6
Hay tấm bản đồ “Đại Nam nhất thống toàn đồ” của triều Nguyễn được vẽ năm 1834 đã và vẫn khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tự hào và xúc động trước bằng chứng chủ quyền biển đảo Việt Nam  7
PGS.TS Phan Xuân Biên, PCT Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trả lời các báo đài về các chứng cứ cho thấy nước ta đã  liên tục xác lập chủ quyền qua thời các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… (19 Châu bản triều Nguyễn) cho đến thời chế độ Sài Gòn. Đặc biệt các bản đồ, hình ảnh và tư liệu quan trọng của chính quyền Sài Gòn trước 1975 (như tập san Sử địa) cũng củng cố vững chắc thêm về chủ quyền biển đảo của nước ta và những tranh chấp phi lý, bất chấp lịch sử của “nước láng giềng” phía Bắc. 
Tự hào và xúc động trước bằng chứng chủ quyền biển đảo Việt Nam  8
Bác Nguyễn Hồng Thanh (TPHCM), cán bộ hưu trí từng công tác tại Sư đoàn 35 Bình Trị Thiên, dù đã 80 tuổi nhưng vẫn tự mình bắt xe đến triển lãm. Và ngay lập tức, những kiến thức, am hiểu sâu rộng về các tư liệu, các bản đồ cổ của bác về Trường Sa và Hoàng Sa đã “biến” bác trở thành “hướng dẫn viên” cho các báo, đài và các bạn trẻ trong suốt buổi sáng khai mạc.
Tự hào và xúc động trước bằng chứng chủ quyền biển đảo Việt Nam  9
Đại tá Nguyễn Hải Triều, Thường trực Cục Chính trị  - Bộ tư lệnh Hải quân phía Nam trao đổi với Đại tá Dương Anh Tùng, Cục Bảo vệ chính trị 2, Tổng cục An Ninh I – Bộ Công An về chủ quyền của nước ta với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trong tấm bản đồ “An Nam Đại Quốc họa đồ”.  An Nam đại quốc họa đồ của Giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong lãnh hải Việt Nam
Tự hào và xúc động trước bằng chứng chủ quyền biển đảo Việt Nam  10
Người dân đọc dòng chữ trên mô hình bia chủ quyền do một đơn vị lính bảo an người Việt dựng trên đảo Hoàng Sa vào tháng 6/1938. Trên bia khắc dòng chữ bằng tiếng Pháp có nội dung dịch sang tiếng Việt là: "Cộng hòa Pháp - Vương quốc An Nam - Quần đảo Hoàng Sa 1816 - Đảo Hoàng Sa 1938". 
Và hàng trăm, hàng trăm những hình ảnh, những bằng chứng khác nữa đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa và khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa đã, đang và sẽ ở mãi trong con tim, khối óc những con người, những thế hệ Việt Nam.

Bài và ảnh: Tuân Nguyễn

Ý kiến của bạn