LTS: Nhân kỷ niệm 70 năm sinh nhà thơ, họa sĩ Hoàng Hữu (Nguyễn Hữu Dũng, 24/9/1945 - 29/12/1981) của Hội VHNT Vĩnh Phú, Hội Nhà văn Việt Nam cùng gia đình Hoàng Hữu đã tổ chức giới thiệu cuốn Hoàng Hữu - Tác phẩm (NXB Văn học, in xong và nộp lưu chiểu năm 2016) do nhóm Đăng Bẩy và Trang - Minh - Chi biên soạn. Cuốn sách gồm 5 phần: 1. Thơ trữ tình. 2. Thơ cho thiếu nhi, 3. Truyện ngắn, 4. Mỹ thuật, 5. Trăng vẫn mọc trong lòng bè bạn, phát biểu đầy tình nghĩa về tình bạn, về thơ, họa, chuyện đời của bạn bè, gia quyến…
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh chủ trì cuộc họp mặt đã giới thiệu những nét chính về nhân cách, tài năng và tính khí của Hoàng Hữu.
Chứng minh rõ nhất về thơ Hoàng Hữu là bài thơ Hai nửa vầng trăng, khi ông nằm viện, bạn bè đã gửi bài thơ này đến cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ. Đây là bài thơ tình nhưng bộc lộ rõ nhất tài năng và số phận của thi nhân. Bài thơ xuất hiện ngay giữa cuộc tổng kết cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ, giữa thời điểm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đang diễn ra ác liệt. Tất cả tiềm lực của đất nước đều phải dồn lên đấy... Không khí xã hội và văn chương lúc đó là như thế. Nhưng cái Hay cái Đẹp thật sự thì bất luận thế nào, nó vẫn hiện ra và cuốn hút tất cả.
Lễ ra mắt cuốn sách Hoàng Hữu - Tác phẩm được Hội Nhà văn cùng gia đình nhà thơ tổ chức trọng thể và thân tình vào trung tuần tháng 7/2016 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Bài thơ đã chiếm được cảm tình cao nhất của nhà vô địch thơ tình Xuân Diệu khi bàn về giải thưởng, nhưng thành phần ban giám khảo phần đông lại là mấy nhà thơ trẻ vừa qua cuộc chiến phía Nam trở về, các anh cũng thán phục bài thơ hay, nhưng ...Vấn đề là ở chỗ, người ta đang đổ máu thế kia, nay tôn vinh một bài thơ tình dang dở, có nên chăng? Cuối cùng, nhà thơ Trưởng ban Giám khảo Xuân Diệu phải chấp nhận cái lý của các nhà thơ trẻ, ông chỉ kết luận một câu sau khi công bố giải Nhì thuộc về Hoàng Hữu: “Biết đâu, một trong những cái còn lại của cuộc thi này là Hai nửa vầng trăng của Hoàng Hữu”, anh Hữu Thỉnh kèm thêm ý riêng của anh “Với Hoàng Hữu, Hai nửa vầng trăng là một sự đột phá. Là bứt lên. Là tự thắng. Là bởi vì trước đó, thơ anh còn ở dạng bị động. Nghĩa là thường bắt đầu từ sự, từ cảnh rồi mới đến tình”. Sức sống của những bài thơ hay không chi được công nhận qua một hai lần in báo in sách, hoặc một hai giải thưởng...
Chắc chắn sẽ có sự bình xét thêm của công luận, nhưng chẳng quan hệ gì về giải thưởng thấp cao, vì họ sẽ không đem mấy bài thơ được giải rất khác nhau về đề tài ra mà so sánh. Bài bình thơ Một lời là một vận vào của nhà thơ Vân Long chắc là một trong những ý kiến đó, mà rất tiếc, ông làm đã lâu bài bình này mà bây giờ mới cho ra mắt nên không thấy in trong ấn phẩm vừa được trình làng (?)
(*) Những câu in nghiêng là rút ra từ bài Hoàng Hữu và thơ Hoàng Hữu (thay lời giới thiệu) đầu sách của nhà thơ Hữu Thỉnh.
Trong số bạn làm thơ của tôi sớm đoản thọ, không ai như Hoàng Hữu. Anh đã cô đọng nỗi xót xa, tiếc nuối cuộc sống để lại cho bè bạn, vợ con chỉ trong một bài thơ! Không ai như Hoàng Hữu, khi còn sống đã ý thức được số phận mình gửi gắm trong bài thơ Hai nửa vầng trăng. Cả bài thơ nhất khí một nỗi đau da diết, tiếng nức nở nghẹn ngào của số phận:
Tình cờ anh gặp lại vầng trăng
Một nửa vầng trăng thôi, một nửa
Trăng vẫn đấy mà em xa quá
Nơi cuối trời em có ngóng trăng lên
Nắng tắt đã lâu rồi, trăng thức dậy dịu êm
Trăng đầu tháng có lần em ví
Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa
Tên anh như nửa trăng mờ tỏ
Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời
Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi
Trăng say đắm dào trên cỏ ướt
Trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được
Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết
Em đã khóc
trăng từng giọt tan vào anh mặn chát
Em đã khóc
Nhưng làm sao tới được
Bến bờ anh tim dội sóng khôn cùng.
Đến bây giờ trăng vẫn cứ còn xanh
Cứ một nửa như đời anh, một nửa
Nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ...
Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ
Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau!
8/1981
Bài thơ được giải Nhì cuộc thi thơ của tuần báo Văn Nghệ ngay cả khi chưa có sự đổi mới trong văn học.Không được giải Nhất, có lẽ vì buồn. Nhưng nhà thơ Xuân Diệu trong ban giám khảo đã tiên đoán: “Những bài giải cao khác người ta sẽ quên, nhưng bài này thì còn lại...”.
Hoàng Hữu tên thật là Nguyễn Hữu Dũng. Anh mất quá sớm: 36 tuổi. Anh tự suy ra từ chữ đầu tên mình:
Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa
Tên anh như nửa trăng mờ tỏ
Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời.
Anh là hoạ sĩ của Hội Văn nghệ Vĩnh Phú. Một thời anh nổi tiếng về vẽ bìa sách, đặc biệt là những bìa mang chất thơ. Công tác xa Hà Nội (bị bỏ quên lặng lẽ) nhưng vì có tài, anh được các nhà xuất bản trung ương tìm về đặt vẽ bìa sách (vậy là anh vẫn sáng một bên trời).
Nhiều thi sĩ đã viết về trăng, nhưng trăng của Hoàng Hữu thì ...“một lời là một vận vào”:
Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết
Anh cứ nhấn đi nhấn lại:
Một nửa vầng trăng thôi, một nửa
..............
cứ một nửa như đời anh, một nửa
Ngay khi nói về hy vọng, anh cũng nghẹn lại, không nói hết câu:
Nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ...
Là người đau bệnh tim khá nặng, linh cảm của anh là có cơ sở, nhưng sao lại cứ đoan quyết đến vậy! Trăng đầu tháng thì... như đời anh chẳng thể nào khác được.
Cả bài thơ nhất khí một nỗi đau, tiếng nức nở nghẹn ngào của số phận. Đôi câu cuối cùng, lần đầu tiên mới thấy anh nói đến trăng viên mãn thì lại là một lời trối trăng, nhắc nhở người vợ ở lại cõi đời:
Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ
Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau
Bài thơ hết mà vẫn dư vang...Nếu bạn thuộc, trong cuộc đời, đôi lúc tiếng thơ ấy cứ vang lên như một bản nhạc buồn, cái buồn mang mang nhân thế, ẩn chứa lòng yêu đời tha thiết, ẩn chứa nét đẹp tình người ra đi gửi người ở lại... Có cái gì cao hơn, lớn hơn một số phận. Tôi thử so sánh: Đó là một nỗi đau trong hơn nước mắt!