Trong năm 2013, bức tranh đời sống văn chương - nghệ thuật nước nhà có nhiều gam màu sáng tối đan xen. Trong sự đan xen ấy, có 2 hiện tượng nổi lên khiến không ít người phải quan tâm suy nghĩ, một ý thức tự phản tư với cả hai tư cách công dân và nghệ sĩ, ngõ hầu tiệm cận nhu cầu thưởng thức chính đáng của công chúng trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay.
Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ
Có không ít tác giả, tác phẩm một thời ầm ĩ, gây chấn động dư luận, báo giới, truyền thông... tạo nên những cơn dư chấn. Nhiều tên tuổi được đánh bóng, tung hô; nhiều hiện tượng trắng đen lẫn lộn và tất nhiên là nhiều giá trị ảo đã được tôn vinh. Nhiều người lấy số lượng sách bán ra, số vở diễn được dàn dựng, số lượng các bộ phim được sản xuất và công chiếu, số lượng các bản nhạc được trình diễn hoặc tung lên mạng...để đo chất lượng và giá trị cho tác phẩm văn chương, nghệ thuật.

Một cảnh trong vở Mùa hạ cuối cùng, kịch bản của Lưu Quang Vũ.
Cũng từ đấy mà không ít giải thưởng được vinh danh ngỡ là có giá trị thực. Nào có ai hay đấy chỉ là những chiêu trò tự sướng theo kiểu một vài tổ chức hay một cá nhân nào đấy có tiền tự bỏ ra tổ chức những cuộc thi theo một kịch bản đã có sẵn và kết cục cũng có một số giải thưởng được trao, mặc dù các tổ chức và cá nhân ấy không hoạt động trong lĩnh vực VHNT. Ngay cả những giải thưởng VHNT quốc tế nhưng lại do chính người của mình bầu chọn rồi gửi tác phẩm đi tham dự và chắc chắn là sẽ nhận được giải và một khoản tiền nhất định tùy thuộc vào từng loại giải thưởng. Những giải thưởng loại ấy đã nhanh chóng rơi vào quên lãng, mặc cho công chúng vừa là đối tượng, vừa là mục tiêu hướng tới của mọi sáng tạo VHNT và là người có tiếng nói quyết định cuối cùng vẫn chưa hề biết đến các tác phẩm được giải.
Đặt trong bối cảnh ấy mới thấy các vở diễn kịch Lưu Quang Vũ trong dịp kỷ niệm 25 năm ngày mất của ông được vinh danh là một hiện tượng đích thực, khiến người ta nhớ đến những năm của thập niên 80, kịch Lưu Quang Vũ là một thương hiệu mạnh, các suất diễn dù trong Nam hay ngoài Bắc, ban ngày hay ban đêm bao giờ cũng chật kín người và chẳng ai muốn bỏ về, kể cả những người không cùng thời và không đồng chí hướng, quan điểm với ông.
Nhiều người xem đây là một hiện tượng hy hữu, bởi lẽ sau 25 năm nhà thơ, nhà biên kịch tài hoa và xuất sắc đã đi xa và sau hơn 30 năm tồn tại, các vở diễn của ông vẫn như mới được viết gần đây. Những vấn đề thời sự của đất nước, dân tộc, những suy nghĩ đầy tính nhân văn, những câu chuyện dường như là muôn thuở của người Việt vẫn cứ đầy ắp, sống động trong các vở kịch của Lưu Quang Vũ.
Công chúng bao giờ cũng là người có thẩm quyền tối cao và quyết định cuối cùng về giá trị nghệ thuật và sức sống bền lâu cho tác phẩm VHNT. Và một logic tất yếu là tác giả, tác phẩm nào hướng đến, tôn trọng nhu cầu thưởng thức lành mạnh của công chúng chắc chắn sẽ được họ đánh giá cao, trọng thị và có trách nhiệm gìn giữ chúng theo năm tháng.
Hiện tượng thơ Nguyễn Phong Việt
Ngay từ những ngày đầu năm 2013, tập thơ Đi qua thương nhớ của nhà báo, nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt nổi lên như một hiện tượng với 15.000 bản bán hết trong 2 tháng. Điều ấy đã khiến cho giới trẻ, nhất là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM được một phen lao đao trong cuộc chạy tiếp sức để giành chữ ký của tác giả. Không những thế, anh còn khiến cho Công ty sách Phương Đông nối bản không kịp ấn phẩm để ký. Có người nói rằng đấy chỉ là thị hiếu đám đông nhất thời.
Trước đấy, nhà thơ Phan Hoàng dự cảm: Khi giới thiệu chùm thơ của Việt trên báo Tuổi Trẻ nhiều năm trước, tôi đã từng nói thơ Việt có thể sẽ là một hiện tượng. Người trong giới có nhận xét vui rằng thơ Việt hơi sến nhưng thơ anh có sức lan tỏa lớn như vậy là vì anh đã nói lên được tiếng nói của cả một thế hệ trẻ, những cảm xúc rất thật, rất gần gũi với số đông. Nhiều độc giả bày tỏ, đọc thơ của Việt trên mạng cứ thấy thấp thoáng bóng dáng họ trong đó. Vì có bao nhiêu người đã đi qua thương nhớ mà quên được nhau, thế mới có chuyện xếp hàng dài chờ xin chữ ký khi tập thơ được in ra trên giấy. Điều này gợi mở cho các nhà thơ, nhất là các cây bút thơ trẻ về khuynh hướng sáng tác, về công chúng yêu thích thơ ca.
Tuy nhiên, tập thơ đầu tay Đi qua thương nhớ của Nguyễn Phong Việt trước khi được Công ty sách Phương Đông nhận in đã bị 4 nhà xuất bản từ chối. Khi được hỏi, trong vòng 50 ngày tập thơ đã bán hết 10.000 bản, bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Công ty sách Phương Đông, khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng đấy là sự thật 100%, không phải là chiêu trò PR. Trong thời buổi thơ ế như rau muống cuối vụ, mà Đi qua thương nhớ bán được số lượng lớn như vậy thì ngay chính cả tác giả, Công ty sách cũng không thể nào ngờ tới.d
Hai hiện tượng thuộc hai lĩnh vực khác nhau: sân khấu và thơ; hai tác giả thuộc hai thế hệ: cha và con; hai phong cách nghệ thuật khác nhau: một Lưu Quang Vũ sắc sảo, tài hoa và trí tuệ, một Nguyễn Phong Việt hồn nhiên, thật thà và nặng lòng sẻ chia, tha thứ. Nhưng cả hai hiện tượng trên phát lộ một thông điệp mang tính khuynh hướng rất rõ là văn chương nghệ thuật nếu muốn sâu rễ, bền gốc và lan tỏa với nhân quần thì trước hết và trên hết hãy viết bằng một trái tim tràn đầy yêu thương của con người và vì con người, cộng đồng, sẵn sàng sẻ chia và sẵn sàng kết nối mọi số phận. Chỉ tiếc rằng VHNT Việt thời gian qua còn quá hiếm những hiện tượng như Lưu Quang Vũ và Nguyễn Phong Việt.
Viên An