SKĐS - Lần đầu tiên trong lịch sử, trò chơi do một người Việt Nam sáng tạo được cả thế giới biết đến và yêu thích. Có lẽ Flappy Bird chẳng liên quan gì đến gameshow thuần Việt nhưng trộm nghĩ, bao giờ mới có một gameshow thuần Việt được cả thế giới biết đến, dù là ngắn ngủi kiểu Flappy Bird?
“Giai điệu tự hào” một chương trình được mua bản quyền từ Nga nhận được phản hồi tích cực của khán giả thời gian gần đây
Nếu đã từng một lần thử chơi Flappy Bird thì phải thừa nhận rằng, trò chơi này rất có khả năng gây “nghiện”. Dễ chơi, dễ “gameover” khiến người chơi đôi khi “phát điên” nhưng vẫn muốn chinh phục là “thành công” của Flappy Bird. Nói như vậy để thấy rằng, thành công của một trò chơi trước hết xuất phát từ ý tưởng và hiện tượng chàng trai Việt 29 tuổi Nguyễn Hà Đông đã khẳng định rằng, trí tuệ và sức sáng tạo Việt hoàn toàn có thể cho ra đời những sản phẩm giá trị và được yêu thích trên toàn thế giới.
Từ Flappy Bird chợt nghĩ về gameshow giải trí trên sóng truyền hình hiện nay. Chưa bao giờ khán giả truyền hình Việt Nam được thưởng thức những món ăn giải trí đa dạng và sắc màu như thế. Những chương trình giải trí “đình đám” nhất thế giới đã có mặt tại Việt Nam, từ Ai là triệu phú, Đấu trường 100, Việt Nam Idol, Việt Nam got talent, The Voice, The Voice kid, Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ đến Việt Nam Next top model, Project Runway, So you think you can dance, Vũ điệu đam mê, Don’t forget the lyric, Cuộc đua kỳ thú, Chinh phục đỉnh cao... Chương trình truyền hình thực tế có “lịch sử” lâu đời hàng đầu trên thế giới là Big Brother cũng vừa trải qua mùa đầu tiên với tên gọi Người giấu mặt. Mới đây nhất, Giai điệu tự hào - chương trình nhằm tôn vinh những ca khúc cách mạng được mua bản quyền từ Nga (tên gốc là Báu vật quốc gia) cũng đã có mặt ở Việt Nam. Theo thông tin thì chương trình X Factor – Nhân tố bí ẩn cũng đang “tuyển quân” để “rục rịch” lên sóng vào tháng 3 tới. Các chương trình truyền hình được mua bản quyền từ nước ngoài khi vào Việt Nam ngay lập tức “gây sốt” trong cộng đồng. Lý do thật đơn giản, đó là những chương trình hay, kịch tính, ý tưởng độc đáo, mới lạ.
Chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc nhí “Đồ rê mí” năm 2013 không tạo được tiếng vang khi phải “cạnh tranh” với “The Voice Kid”
Chương trình The Voice mùa đầu tiên lên sóng truyền hình quốc gia năm 2012 với vòng thi Giấu mặt thật sự đã gây “sốc” với khán giả xem truyền hình. Có lẽ chưa bao giờ khán giả Việt nghĩ rằng một cuộc thi hát lại có thể được xây dựng sáng tạo, hấp dẫn và có khả năng tương tác cao như thế, ngay cả tên gọi của từng vòng thi như Giấu mặt rồi Đối đầu cũng đã có sức khơi gợi trí tò mò của người xem. Trải qua hai mùa thi, Thử thách cùng bước nhảy - So you think you can dance nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả. Nghệ thuật múa vốn khá xa lạ với công chúng đã trở nên gần gũi và lôi cuốn. Cuộc sống của những vũ công, đam mê cháy bỏng để được múa và tỏa sáng, sự nỗ lực để tập luyện, vượt qua chấn thương... khiến biết bao người xúc động... Với mục đích tìm ra giai điệu tự hào từ những ca khúc cách mạng gắn liền với năm tháng hào hùng của dân tộc, “đo” cảm xúc của khán giả hôm nay với những bài hát cũ... Giai điệu tự hào có sự sáng tạo rất đáng ghi nhận. Ngoài việc chọn ra hai hội đồng bình luận tại trường quay gồm thế hệ những người “lão thành” và những người trẻ, Giai điệu tự hào còn có phần trình diễn làm mới ca khúc cách mạng thông qua hòa âm, phối khí, sử dụng âm nhạc điện tử với sự góp mặt của nhiều ca sĩ trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X... Cảm nhận, bình luận đôi khi trái chiều giữa người đã từng sống trong năm tháng chiến tranh và người trẻ được đẩy lên kịch tính thực sự rất cuốn hút... Phân tích lan man như vậy để khẳng định một điều rằng, gameshow xuất xứ từ nước ngoài được Việt hóa đã góp phần làm phong phú thêm thực đơn giải trí của người Việt và cũng có đóng góp không nhỏ trong việc tìm kiếm tài năng, quảng bá nghệ thuật nước nhà.
Sự “đổ bộ” của gameshow “ngoại” đôi khi khiến khán giả chạnh lòng vì “hàng nội” dường như không còn chỗ đứng. Tìm đỏ mắt cũng không có gameshow “made in Việt Nam” đủ sức “cạnh tranh” trong thời kỳ hiện nay. Hồi những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, Trò chơi thi đấu liên tỉnh, SV 96 là hai chương trình giải trí đình đám của Đài Truyền hình Việt Nam nhưng gần 20 năm trôi qua, điểm danh lại chẳng còn chương trình nào có sức hấp dẫn như thế. Đồ rê mí – cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc nhí diễn ra vào mỗi dịp hè từng rất được yêu thích cũng “bó tay” khi The Voice Kid ra đời. Sao Mai điểm hẹn, sản phẩm “made in VTV” từng chắp cánh cho nhiều ca sĩ trẻ cũng “ngậm ngùi” chuyển kênh phát sóng khi diễn ra cùng thời điểm với Việt Nam Idol và The Voice. Đường lên đỉnh Olympia cũng không còn giữ được chân khán giả xem đài như những năm đầu lên sóng. Điểm yếu của gameshow Việt là thiếu ý tưởng, sự đột phá và sáng tạo. Làm thử một phép so sánh, để tìm kiếm ca sĩ trẻ, cách làm của Sao Mai Điểm hẹn không lôi cuốn bằng cách làm của Việt Nam Idol, The Voice và tới đây là X Factor – Nhân tố bí ẩn. Rõ ràng là cùng một nội dung, mục đích như nhau nhưng gameshow Việt chưa có hình thức thể hiện hấp dẫn.
Thiết nghĩ, đã đến lúc phải đầu tư, khuyến khích sản xuất, phát sóng những sân chơi “made in Việt Nam” dẫu biết rằng việc làm này khó hơn gấp nhiều lần việc mua bản quyền và “Việt hóa” một chương trình nổi tiếng nước ngoài...
Tường Phạm