Một trong những điều đáng lo ngại khi dùng thuốc là có thể gặp các tác dụng phụ. Tác dụng phụ là triệu chứng không mong muốn có thể xảy ra sau khi dùng một số loại thuốc nhất định. Tất cả các loại thuốc kê đơn hay thuốc không kê đơn đều có khả năng gây ra tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Bên cạnh đó là các trường hợp chống chỉ định (không được dùng) mà người sử dụng cần nắm được.
Trên nhãn (hay bao bì) sản phẩm hoặc trong hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm sản phẩm luôn đề cập tới các thông tin này. Do đó, trước khi dùng bất kỳ một loại thuốc nào, cho dù là thuốc không kê đơn, người bệnh cũng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, để biết về tác dụng của loại thuốc mà mình đang dùng, các tác dụng phụ có thể xảy ra và cách ứng phó thích hợp (nếu có) và các trường hợp không được dùng hoặc cần phải thận trọng trong quá trình sử dụng…
Hầu hết các loại thuốc, đặc biệt là thuốc không kê đơn tác dụng phụ nếu xảy ra thường nhẹ, có thể tự hết hoặc xử lý tại nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi, xảy ra các vấn đề nghiêm trọng, nhất là đối với người bị dị ứng với một hoặc một số thành phần nhất định của thuốc hoặc nếu uống thuốc với rượu và dùng cùng với các loại thuốc khác.
Sau đây là một số thuốc không kê đơn phổ biến cần lưu ý:
1. Thuốc paracetamol - một thuốc hạ nhiệt giảm đau không kê đơn phổ biến
Paracetamol giảm đau, hạ sốt là thuốc không kê đơn phổ biến.
Paracetamol (acetaminophen) là thuốc giảm đau, hạ sốt được dùng phổ biến nhất mà không cần đơn của bác sĩ. Hoạt chất này có trong rất nhiều sản phẩm trên thị trường để trị các tình trạng liên quan đến đau và sốt từ nhẹ đến vừa; với nhiều dạng dùng như: Viên nén, nang, sủi, dung dịch, viên đạn… phù hợp với mọi lứa tuổi.
Quá liều paracetamol hay dùng thường xuyên hoặc/và trong thời gian dài, thuốc có thể ảnh hưởng tới gan. Do đó, liều dùng paracetamol từ 500mg - 650mg/lần ở người lớn (trẻ em dùng theo cân nặng 10-15mg/kg cân nặng) và không quá 4 lần/ngày, để ngăn ngừa tổn thương gan. Uống rượu khi dùng paracetamol làm tăng nguy cơ gây độc cho gan. Một số tác dụng phụ ít gặp hơn bao gồm: Ban da, buồn nôn, nôn... Nếu xảy ra những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng cần ngừng dùng thuốc và đi khám kịp thời.
2. Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
- Thuốc aspirin: Theo Dược thư Quốc gia, aspirin là thuốc giảm đau, hạ sốt và chống viêm không steroid, để giảm các cơn đau nhẹ và vừa, đồng thời giảm sốt, thường được sử dụng để điều trị cảm lạnh nhẹ, sốt, đau đầu và viêm… Aspirin cũng được sử dụng trong chứng viêm cấp và mạn như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp dạng thấp thiếu niên, viêm (thoái hóa) xương khớp và viêm đốt sống dạng thấp…
Tác dụng phụ: Tác dụng không mong muốn phổ biến nhất liên quan đến hệ tiêu hóa, thần kinh và cầm máu, thường phụ thuộc vào liều dùng như: Buồn nôn, nôn, khó tiêu, khó chịu ở thượng vị, ợ nóng, đau dạ dày, loét dạ dày - ruột; mệt mỏi; yếu cơ; khó thở; sốc phản vệ…
Chống chỉ định: Không dùng aspirin cho người đã có triệu chứng hen, viêm mũi hoặc mày đay khi dùng aspirin hoặc những thuốc chống viêm không steroid khác trước đây. Người có tiền sử bệnh hen không được dùng aspirin. Ngoài ra, những người không được dùng aspirin còn gồm người có bệnh ưa chảy máu, giảm tiểu cầu, loét dạ dày hoặc tá tràng đang hoạt động, suy tim vừa và nặng, suy gan, suy thận…
- Diclofenac: Diclofenac là thuốc không kê đơn (không cần đơn kê của bác sĩ), có tác dụng chống viêm, giảm đau và giảm sốt mạnh; được chỉ định dùng trong các trường hợp: Điều trị dài ngày viêm khớp mạn, thoái hóa khớp; thống kinh nguyên phát; đau cấp (viêm sau chấn thương, sưng nề) và đau mạn; viêm đa khớp dạng thấp thiếu niên…
Chống chỉ định: Không dùng thuốc này cho những trường hợp quá mẫn với diclofenac, aspirin hay thuốc chống viêm không steroid khác (hen, viêm mũi, mày đay sau khi dùng aspirin); loét dạ dày tiến triển; người bị hen hay co thắt phế quản, chảy máu, bệnh tim mạch, suy thận nặng hoặc suy gan nặng; người đang dùng thuốc chống đông coumarin.
Tác dụng phụ: Tác dụng phụ thường gặp của thuốc như nhức đầu, bồn chồn; đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, trướng bụng, chán ăn, khó tiêu; tăng men gan; ù tai…
- Ibuprofen: Giống như các thuốc chống viêm không steroid khác, ibuprofen có tác dụng giảm đau, hạ sốt và chống viêm. Ibuprofen cũng nằm trong danh mục thuốc không kê đơn, được dùng chống đau và viêm từ nhẹ đến vừa như nhức đầu, thủ thuật về răng; viêm khớp dạng thấp, viêm khớp dạng thấp thiếu niên và hạ sốt ở trẻ em.
Chống chỉ định: Không dùng thuốc này cho những người mẫn cảm với ibuprofen, loét dạ dày tá tràng tiến triển, quá mẫn với aspirin hay với các thuốc chống viêm không steroid khác (hen, viêm mũi, nổi mày đay sau khi dùng aspirin).
Tác dụng phụ: Tác dụng phụ thường gặp là mệt mỏi; chướng bụng, buồn nôn, nôn; nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, bồn chồn; mẩn ngứa, ngoại ban…
Trước khi dùng bất kỳ một loại thuốc nào, cho dù là thuốc không kê đơn, người bệnh cũng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.
3. Thuốc chống dị ứng không kê đơn clorpheniramin
Clorpheniramin là thuốc chống dị ứng không kê đơn dùng trong các trường hợp viêm mũi dị ứng mùa và quanh năm; các triệu chứng dị ứng khác như mày đay, viêm mũi vận mạch do histamin, viêm kết mạc dị ứng, viêm da tiếp xúc, phù mạch, phù Quincke, dị ứng thức ăn, phản ứng huyết thanh; côn trùng đốt; ngứa ở người bệnh bị sởi hoặc thủy đậu.
Clorpheniramin thường được phối hợp trong một số chế phẩm bán trên thị trường để điều trị triệu chứng ho và cảm lạnh. Tuy nhiên, thuốc không có tác dụng trong điều trị triệu chứng nhiễm virus.
Chống chỉ định: Các trường hợp quá mẫn với clorpheniramin hoặc bất cứ thành phần nào của chế phẩm; người bệnh đang cơn hen cấp; người bệnh có triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt; glocom góc hẹp; loét dạ dày chít, tắc môn vị - tá tràng; người cho con bú, trẻ sơ sinh và trẻ đẻ thiếu tháng… không được dùng thuốc clorpheniramin.
Tác dụng phụ: Clorpheniramin có thể gây buồn ngủ (từ ngủ gà nhẹ đến ngủ sâu), khô miệng, chóng mặt và gây kích thích xảy ra khi điều trị ngắt quãng. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh chịu đựng được các phản ứng phụ khi điều trị liên tục, đặc biệt nếu tăng liều từ từ.
4. Thuốc điều trị trào người dạ dày omeprazole
Omeprazole là thuốc không kê đơn phổ biến được dùng điều trị trào ngược dịch dạ dày - thực quản, loét dạ dày - tá tràng... Tuy nhiên thuốc có thể gây: Nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt; buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón, chướng bụng… Trước khi dùng cho người bị loét dạ dày dùng omeprazole, phải loại trừ khả năng bị u ác tính, vì thuốc có thể che lấp các triệu chứng, do đó làm muộn chẩn đoán.
Để dùng thuốc an toàn, hiệu quả, điều quan trọng người dùng phải nhận thức được các tác dụng phụ tiềm ẩn của thuốc và tuân thủ liều lượng tối đa được khuyến cáo. Do đó, dù là thuốc không kê đơn, nhưng tốt nhất vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ/dược sĩ và luôn đọc kỹ thông tin trên nhãn để đảm bảo sử dụng thuốc đúng cách. Nếu có bất kỳ vấn đề nào phát sinh, hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất, để được ứng phó kịp thời.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Cảm lạnh: Chọn thuốc như thế nào cho đúng?