Tại hội nghị trực tuyến phòng chống dịch bệnh vừa diễn ra tại Bộ Y tế cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thống kê trong 5 năm qua, mỗi năm nước ta có 240-300 trường hợp tử vong do bệnh truyền nhiễm thì đến một phần ba là do bệnh dại. Bệnh dại tưởng chừng đơn giản, có vắc xin phòng bệnh trên cả động vật và người, nhưng đến nay cả nước đã ghi nhận 56 ca tử vong.
“Những cái chết vì bị bệnh dại rất thương tâm, trong khi nếu chủ động bằng dự phòng bằng tiêm vắc xin thì có thể cứu sống được cả 56 trường hợp”, thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi- nơi trọng điểm của bệnh dại tăng cường truyền thông giáo dục, dự phòng dại từ đàn chó, mèo. Nếu không có bệnh dại trên đàn chó, mèo thì sẽ không có bệnh dại trên người.
Theo các chuyên gia, bệnh dại chỉ có thể phòng, không thể cứu được; một khi đã lên cơn dại thì 100% tử vong. Nhiều người bị chó cắn nhưng cứ nghĩ chó nhà nên không tiêm phòng, đến khi lên cơn dại thì quá muộn
Chuyên gia Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế cho hay, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).
Cần tiêm vắc xin để phòng chống bệnh dại khi không may bị chó mèo cắn
Bệnh này lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Thời gian ủ bệnh thường 1-3 tháng sau khi bị cắn, hiếm khi dưới 10 ngày hoặc dài tới vài năm. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Bệnh nguy hiểm nhưng đã có văcxin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh.
Theo đó, để phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp:
-Các gia đình cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
-Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
- Nếu không may bị chó cắn, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
- Sau đó cần rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn iốt hoặc povidone-iodine (nếu có); Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
- Người bị chó cắn tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa và cần đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
Trong thời gian tiêm phòng vẫn tiếp tục theo dõi con chó đã cắn mình. Nếu sau 10 ngày con chó vẫn bình thường, không phải chó dại thì có thể dừng tiêm. Không nên chờ đợi theo dõi chó ốm như nhiều người quan niệm, bởi nhiều con chó 2 - 3 tuần sau mới phát bệnh, lúc này người bị chó cắn mới vội đi tiêm thì đã muộn.
Vắc xin phòng bệnh dại hiện nay rất tốt, không còn những tác dụng phụ gây di chứng thần kinh như trước đây.
Số ca bệnh dại nhập viện ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó thường gặp trong những năm gần đây là ở Thái Nguyên, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình…
“Ở Thái Bình, một gia đình có 2 chú cháu bị chó dại cắn, người chú thì tiêm phòng, còn cháu gia đình đưa đi khám thầy lang gần nhà. Nghe gia đình kể, thầy lang thử vết chó cắn và bảo không phải chó dại, nên gia đình không đưa cháu đi tiêm. Chỉ hôm sau, cháu lên cơn dại và tử vong”, BS Cấp kể lại.