Từ đảo Hawai Mỹ, kể chuyện lịch sử Việt Nam

17-03-2012 17:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Một buổi sáng mùa hè, tan tầm, tôi vừa ở cơ quan ra thì “chạm trán” một người vừa tới đã nắm vai tôi hỏi thăm ríu rít.

Một buổi sáng mùa hè, tan tầm, tôi vừa ở cơ quan ra thì “chạm trán” một người vừa tới đã nắm vai tôi hỏi thăm ríu rít. Té ra đó là anh Trương Bửu Lâm, người đã đón tôi về nhà ở bên bãi biển Hawai, dự một bữa khoản đãi thân mật có nhiều bạn Việt kiều và Mỹ. Mười lăm năm, nay lại gặp nhau, anh có già đi tí chút, nhưng vẫn ánh mắt và nụ cười thân thiện như xưa. Gặp nhau một thoáng rồi hai bên lại phải đi gấp.

Ít lâu sau, tôi nhận được quà tặng là cuốn sách A story of Vietnam (Câu chuyện về Việt Nam) do anh viết, xuất bản năm 2010.

Anh Lâm là giáo sư đại học, tác giả một số công trình nghiên cứu về Việt Nam đương đại, đặc biệt về lịch sử chống thực dân và quan hệ Mỹ Việt. Anh cho biết vì sao anh viết cuốn sách này: “Do tôi là chuyên gia về Đông Nam Á, người ta thường bảo tôi nên viết một cuốn sách nhập môn về lịch sử Việt Nam từ xưa đến nay… gồm cả văn hóa, nghệ thuật, chính trị, quân sự… vì chưa có cuốn nào như vậy bằng tiếng Anh”. Đó là lý do anh chấp bút viết cuốn sách Câu chuyện về Việt Nam! Sở dĩ đặt tên như vậy vì anh không muốn viết sử kiểu hàn lâm mà muốn viết một cuốn sử nhẹ nhàng, ít kể sự kiện mà viết như kể chuyện.
 
Một bản tổng hợp những sử liệu anh đã học được, nghiên cứu và giảng dạy trong hơn nửa thế kỷ 20, kể cả những trải nghiệm bản thân khi anh sống ở Việt Nam hay nước ngoài. Anh sinh ra và lớn lên ở trong Nam, đi học thời Pháp thuộc và thời chính thể Sài Gòn, trước khi đi du học ở Bỉ, Pháp, Mỹ, rồi nhập cư và dạy ở miền Nam Hoa Kỳ. Năm 1991-1993, anh có dịp hướng dẫn sinh viên Mỹ thực tập ở Hà Nội.

Với con mắt và đầu óc của một nhân chứng, anh kể chuyện lịch sử một cách sinh động. Nhà sử học kể sự kiện chính xác, cố gắng khách quan nhưng không thể không bộc lộ tình cảm người trong cuộc.

Dưới đây, xin trích dịch (hoặc tóm tắt) một số nhận định của Trương Bửu Lâm về nhân vật và sự kiện:

* Hồ Chí Minh - Bảo Đại (1949): Tại sao Chính phủ Hồ Chí Minh cầm cự được trường kỳ đối với Bảo Đại được Pháp, Mỹ ủng hộ dồi dào về quân sự, tài chính? Bộ Ngoại giao Mỹ được tin mật của Tổng tham mưu quân  đội viễn chinh Pháp như sau: “Lý do là nhà lãnh đạo Việt Minh đã tụ hợp được một nhóm phụ tá vô cùng sáng giá… Còn Bảo Đại trái lại, chỉ có một chính phủ gồm hai chục đại diện của các đảng phái ma”.

* Leclerc – Danh tướng Leclerc được De Gaulle phái đi chiếm lại Đông Dương (1945) là người thức thời nên đã giảng hòa với Chủ tịch Hồ Chí Minh, do đó bị phe chủ chiến gọi về Pháp. Ngày 18/3/1946, ông vào Hà Nội với 1.000 binh sĩ. Ông được Chính phủ Việt Nam tiếp đón nồng nhiệt. Quả là Leclerc có thái độ rất lịch thiệp…Trên đoàn xe tùy tùng, ông cho kéo cờ Pháp và Việt Nam. Ông không đòi Việt Nam trả lại Phủ toàn quyền. Về đội bảo vệ cá nhân, ông cho số lính Pháp và Việt ngang nhau…
 
* Ngô Đình Diệm: Năm 1954, được Mỹ ủng hộ, Ngô Đình Diệm trước khi về nước nắm chính quyền đã đi một số nước để vận động Việt kiều. Ông đến Bỉ là nơi anh Lâm đang học. “Ông quyết định đến thăm chúng tôi ở Louvain, vẻn vẹn có 12 người Việt Nam đi học hoặc đi làm ở đó. Ông ăn tối với chúng tôi, sau đó bỏ ra 3 giờ để trình bày về những điều ông sẽ làm ở Việt Nam. Những người nghe tối đó đều nhận định là ông nói quá nhiều. Một cuộc độc thoại dài 3 giờ đồng hồ! Quả là về sau, khi ông làm Tổng thống, người ta cũng chê trách là ông ít chịu lắng nghe người khác nói…”.

* Hiệp định Giơ-ne-vơ: (1954) Chia cắt Việt Nam làm hai, thiệt cho miền Bắc về đất đai. “Nếu nhìn vào bản đồ Việt Nam hồi tháng 7/1954 thì thấy 3/4 lãnh thổ do Việt Nam Dân chủ cộng hòa kiểm soát. Vậy mà do sức ép của Liên Xô, Trung Quốc, đành phải chia một nửa nước cho lực lượng khối Liên hiệp Pháp”.

* Tại sao người Việt Nam không thù ghét người Mỹ? Đó là câu hỏi nhà sử học Trương Bửu Lâm thắc mắc sau khi làm việc và sống ở Hà Nội 2 năm từ 1991-1993. Người Việt Nam có đủ lý do để nguyền rủa sự có mặt của người Mỹ ở Việt Nam, họ tẩy chay người Mỹ là phải… Có người bỗ bã cho là người Việt tử tế với người Mỹ do Mỹ có sức mạnh đô-la. Có thể là đúng trong một số trường hợp, nhưng không đúng trong đa số trường hợp (tác giả dẫn một số thí dụ).
 
Tôi giải thích thái độ tốt của người Việt đối với người Mỹ bằng chính khẩu hiệu của họ đưa ra mà tôi cho là chỉ để tuyên truyền “Chính phủ Mỹ xấu, nhưng dân Mỹ tốt” Lý do này tôi thắc mắc cho đến khi xem tivi, tôi lại thấy quan chức Mỹ được đón tiếp nồng nhiệt bởi thường dân Hà Nội. Sau vài ngày suy nghĩ, tôi có kết luận là người Việt, do vô tình hay ý thức được tình hình trước mắt… đã áp dụng nguyên  tắc rất phổ biến “Không bao giờ quên, nhưng tha thứ!”.         

  Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn