Hà Nội

Tử cung nhân tạo - Công nghệ mới đầy hứa hẹn

02-09-2014 14:00 | Dược
google news

SKĐS - Bắt đầu từ hơn 1 thập kỷ trước, các nhà khoa học đã tiến hành những bước đi nhằm cho ra đời công nghệ đầy hứa hẹn mang tên Ectogenesis (tử cung nhân tạo)

Bắt đầu từ hơn 1 thập kỷ trước, các nhà khoa học đã tiến hành những bước đi nhằm cho ra đời công nghệ đầy hứa hẹn mang tên Ectogenesis (tử cung nhân tạo), thế chân cho kỹ thuật IVF (thụ tinh trong ống nghiệm). Ứng viên cứu tinh cho nhóm người vô sinh, thậm chí có thể giúp mọi người sinh con mà không cần tới cơ thể người mẹ.

Mọi người có thể sinh con bằng tử cung nhân tạo?

Theo tờ Daily Mail của Anh số ra trung tuần tháng 8/2014, các nhà khoa học dự báo trong vòng 2 - 3 thập kỷ nữa, công nghệ Ectogenesis sản xuất em bé bằng tử cung nhân tạo sẽ ra đời, giúp mọi người có thể sinh em bé mà không cần tới cơ thể của người mẹ mang thai. Ectogenesis không hề gây sửng sốt, nó giống như công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm (In Vitro Fertilization) ra đời cách đây trên 3 thập kỷ. Lúc đầu, người ta cho là viển vông nhưng nay lại phổ thông, được chấp nhận mà không gây tranh cãi về mặt đạo đức. Ectogenesis  là công nghệ hỗ trợ cho sinh sản, dựa trên những tiến bộ y sinh và những thành tựu trong các lĩnh vực liên quan mà con người đạt được trong thời gian  gần đây, trong đó có việc giải mã thành công hệ gen người ở cuối thế kỷ trước.

Tử cung nhân tạo đầu tiên được dùng để mang thai phôi chuột năm 2001.

Tử cung nhân tạo đầu tiên được dùng để mang thai phôi chuột năm 2001.

Ngay sau khi dự án giải mã gen người kết thúc, năm 2001 các nhà khoa học đã bắt tay vào nghiên cứu, cho ra đời công nghệ Ectogenesis, hiện đang ứng dụng thử nghiệm trên các phôi thai chuột, các phôi thai này được phối lắp vào các “nhau thai” để nhận dưỡng chất và ôxy, giúp chúng phát triển ổn định. Ngoài ra còn có cả khoang nước ối để gom chất thải, kèm theo hệ thống cáp nhỏ dùng cho việc tầm soát quá trình phát triển của phôi thai cũng như kiểm soát trọng lượng và nhịp tim của phôi bào.

Với công nghệ Ectogenesis, bào thai phát triển lơ lửng trong tử cung nhân tạo có chứa dung dịch đặc biệt, dây rốn được liên thông với “các máy nhau thai”. Ngoài ra còn có bộ phận hiệu chỉnh các khuyết tật di truyền, như rủi ro mắc bệnh dị gen, bệnh Hungtington hay hội chứng Down. Do phát triển trong phòng thí nghiệm có kiểm soát nên các đột biến thâm nhập phôi sẽ được hạn chế thấp nhất. Điều này không có nghĩa, mọi thứ là tuyệt đối hay cho ra đời những em bé “đặt hàng”, bởi không hề có gen đơn nào có thể dự báo cho ra đời một đứa trẻ hoàn hảo.

Theo nhà khoa học người Hungary, Zoltan Istvan, công nghệ Ectogenesis sẽ đạt được thương phẩm vào năm 2034 mặc dù hiện đang còn có nhiều ý kiến trái ngược. Thậm chí, có cả những quan điểm chống đối nhưng sớm muộn nó sẽ trở thành hiện thực, thay dần cho công nghệ IVF. Lợi thế của tử cung nhân tạo là giảm các biến chứng khi sinh, nhất là hiện tượng sẩy thai, thai chết lưu vì quá trình phát triển của bào thai được giám sát chặt chẽ, quan sát được dễ dàng bằng mắt thường hoặc loại bỏ những biến chứng do người mẹ nghiện các loại chất kích thích trong khi mang thai truyền sang cho thai nhi. Nó rất hữu ích với nhóm phụ nữ vô sinh muốn có con, thậm chí có thể dùng cho các cặp đồng tính muốn có con hợp pháp và hạn chế tình trạng đẻ thuê hay mang thai hộ. Ngoài ra, nó còn làm giảm gánh nặng tử vong do mang thai, sinh con ở phụ nữ, kéo dài tuổi sinh đẻ sinh học cho con người, kể cả những phụ nữ mắc bệnh nan y phải dùng tới thuốc... Đặc biệt, nó còn áp dụng cả cho động vật, nhất là những loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, hoặc dùng để nuôi trồng khuẩn phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, mặt trái của công nghệ Ectogenesis lại là điều đáng bàn - Đó là làm giảm mối liên kết mẫu tử hoặc tạo ra em bé “thiết kế sẵn” tác động tới khía cạnh đạo đức và cả những vấn đề an ninh, nhất là khi bị lợi dụng.

Lịch sử ra đời của công nghệ Ectogenesis

Công nghệ Ectogenesis được nhắc đến lần đầu vào năm 1924 bởi nhà khoa học người Anh, JBS Haldane. Năm 2001, GS. Hun-Chin Liu ở ĐH Cornell University, Mỹ đã nuôi trồng thành công các tấm mô nội mạc tử cung và dùng nó để tạo ra tử cung. Hai năm sau, tử cung này đã được dùng để ấp phôi bào chuột, tuy không phát triển đủ thời gian, bị biến dạng nhưng mở ra một triển vọng mới, ra đời tử cung nhân tạo. Năm 2009, nhóm chuyên gia ở ĐH Newcastle University, Anh đã tạo ra các tế bào tinh trùng người từ mô phôi thai. Thành tựu trên giúp cho việc ra đời tử cung nhân tạo dễ dàng hơn, giúp mang thai mà không cần đến cơ thể phụ nữ, khắc phục nạn “phá thai” bởi có người nhận nuôi khi thai nhi còn đang nằm trong tử cung nhân tạo.

Tử cung hay dạ con nhân tạo thực chất là một thiết bị hỗ trợ mang thai ngoài cơ thể con người hay còn gọi là lồng ấp nhân tạo, chuyển đổi từ một tử cung sinh học sang tử cung nhân tạo. Ngoài việc cung cấp dưỡng chất và xử lý chất thải, tử cung nhân tạo còn có hệ thống cung cấp khả năng miễn dịch, chống lại các loại bệnh bằng cách truyền kháng thể IgG vào cho phôi bào hay thai nhi. Việc cung ứng dưỡng chất đầu vào tương đối đơn giản, còn việc xử lý vật thải được thực hiện qua kỹ thuật lọc máu. Cung ứng dưỡng khí cho thai nhi được khử bỏ tạp chất như CO2 và áp dụng kỹ thuật ECMO (phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi chất bên ngoài cơ thể để hỗ trợ chức năng thai nhi). Ngoài ra, việc mang thai bằng tử cung nhân tạo còn được giải quyết đồng bộ một số vấn đề phát sinh như vách tử cung, nó có cấu trúc, chức năng giống hệt một tử cung sinh học, hay vấn đề giao diện giữa thai nhi và nhau thai (nhau thai nhân tạo)... tất cả đều nhân tạo, dùng màng bán thấm như trong thủ thuật ECMO hay khoang  nước ối và dây rốn. Tất cả những thiết bị này đều có cơ chế làm việc giống như tử cung con người và hoạt động đồng bộ nên hạn chế quá trình ùn tắc sinh lý, chống đông máu và giúp cho bào thai phát triển ổn định giống như chu kỳ mang thai 9 tháng 10 ngày.

(Theo DM, 8/2014)

Khắc Nam

 


Ý kiến của bạn