Hà Nội

Từ “Cô dâu 8 tuổi” nghĩ về phim truyền hình Việt Nam

08-07-2015 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nếu có cuộc khảo sát về bộ phim truyền hình gây được tiếng vang nhất trong hai năm trở lại đây, có lẽ ngôi vị này sẽ thuộc về Cô dâu 8 tuổi đang được phát sóng trên truyền hình.

Nếu có cuộc khảo sát về bộ phim truyền hình gây được tiếng vang nhất trong hai năm trở lại đây, có lẽ ngôi vị này sẽ thuộc về Cô dâu 8 tuổi đang được phát sóng trên truyền hình. Thông tin bộ phim sẽ kéo dài đến gần 2.000 tập gây nên những luồng tranh luận trái chiều trên khắp các diễn đàn. Người kêu gọi “tẩy chay” bộ phim không ít nhưng “fan cuồng” của siêu phẩm truyền hình này cũng không phải nhỏ. Nhiều người tự hỏi, bao giờ Việt Nam có được những bộ phim truyền hình đủ sức gây tranh cãi rộng rãi như thế?

Bộ phim Cô dâu 8 tuổi là một “hiện tượng phim truyền hình” trong vài năm trở lại đây.

Sức lan tỏa từ những sản phẩm mang đậm nét văn hóa

Theo dõi bộ phim từ những tập đầu tiên, dễ dàng thấy rằng, Cô dâu 8 tuổi đã mang đến cho người xem một món ăn hấp dẫn, thú vị từ chính nền văn hóa đặc sắc Ấn Độ. Đề cập đến nạn tảo hôn ở một làng quê xa cùng những câu chuyện về sự bảo thủ, lạc hậu trong quan niệm của người lớn tuổi, những mối quan hệ giằng xé, đan xen trong gia đình...  Nổi bật trong Cô dâu 8 tuổi là kịch bản phim chặt chẽ, nhiều tình tiết hấp dẫn. Phim có nhiều tình huống, “thắt - gỡ nút” liên tục gây hứng thú cho người xem. Câu chuyện được kể liền mạch, logic, được tiếp nối phát triển liên tục. Bên cạnh đó, Cô dâu 8 tuổi còn thu hút người xem nhờ đậm nét văn hóa Ấn Độ. Những bộ trang phục lộng lẫy, lễ cưới, món ăn truyền thống được đưa vào phim rất khéo léo, tinh tế. Qua mỗi tập phim, khán giả Việt được biết thêm về văn hóa, phong tục, tập quán đặc sắc của đất nước này. Điểm trừ của Cô dâu 8 tuổi là mạch phim dài, lê thê, cách kể chuyện, tiết tấu phim chậm nên khiến người xem cảm thấy nản.

Cùng với phim Thái Lan, Philippines, dòng phim Ấn Độ đang dần khẳng định được sức hút và chỗ đứng riêng của mình tại Việt Nam. Mặc dù không có quá nhiều phim từ kinh đô điện ảnh Bollywood được trình chiếu tại Việt Nam nhưng bộ phim nào cũng “chất”. Có thể kể tên một số bộ phim Ấn Độ đã và đang được trình chiếu như: Mưu đồ ẩn giấu, Tình yêu và thù hận, Ngôi sao may mắn, Mối tình kỳ lạ, Con gái của cha, Âm mưu và tình yêu. Có thể thấy rằng, loạt phim Ấn Độ tạo được dấu ấn mạnh mẽ, thu hút đông đảo khán giả ở nhiều lứa tuổi, trên khắp mọi miền đất nước là do khai thác tốt mảng đề tài về gia đình, phù hợp với văn hóa Á Đông. Sự lồng ghép tinh tế văn hóa Ấn Độ trong phim cũng gây sự tò mò cho khán giả.

Phim truyền hình Việt thất bại trên sân nhà?

Theo đánh giá chung của nhiều khán giả, phim truyền hình Việt có chất lượng khá đồng đều nhưng thiếu phim hay có tính đột phá mới mẻ. Trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, chỉ có hai bộ phim truyền hình là Vừa đi vừa khóc (Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng) và Tuổi thanh xuân (Bộ phim hợp tác giữa VTV và Tập đoàn giải trí và truyền thông CJ E&M - Hàn Quốc) là nổi bật nhất. Trong khoảng thời gian hơn một năm, với hàng trăm phim được phát sóng mà chỉ có hai phim gây được tiếng vang quả là điều đáng bàn. Được biết, bắt đầu từ 6/7, bộ phim Tuổi thanh xuân sẽ được chính thức phát sóng trên Channel M - một kênh truyền hình trả tiền của Hàn Quốc đang phủ sóng tại nhiều quốc gia ở khu vực Đông Á. Đồng thời, phần 2 của bộ phim cũng đang bắt đầu được khởi động. Tín hiệu vui như của Tuổi thanh xuân là hàng “hiếm” trong bối cảnh bão hòa phim truyền hình Việt Nam hiện nay.

Mặc dù vẫn được ưu tiên phát sóng trên khung giờ vàng của nhiều đài truyền hình từ trung ương đến địa phương nhưng trong cuộc chạy đua với phim ngoại thì phim Việt vẫn đang lép vế. Sự đầu tư kỹ lưỡng về kịch bản, hình ảnh, chất lượng phim khiến những bộ phim ngoại dù được chiếu ở khung giờ “bạc” hay “đồng” vẫn hút khán giả. Phim truyền hình Việt thời gian gần đây đã mở rộng ra nhiều đề tài đương đại, tiêu biểu trong hướng đi này là loạt phim về đề tài gia đình. Tuy nhiên, nếu so sánh với phim Ấn Độ hay Hàn Quốc về cùng đề tài thì phim Việt rơi vào tình trạng... hụt hơi. Mưa bóng mây (Đạo diễn Trọng Trinh), Hôn nhân trong ngõ hẹp (Đạo diễn Vũ Trường Khoa), Máy bay ký sự (Đạo diễn Trịnh Lê Phong)... lên sóng thời gian gần đây là những minh chứng cụ thể. Mặc dù được đánh giá tích cực vì mang đến góc nhìn mới về gia đình Việt nhưng do lạm dụng nhiều cảnh nóng và đề cập trực diện đến vấn đề ngoại tình khiến người xem cảm thấy đề tài gia đình bị bó hẹp và nhàm chán.

Nhiều người cho rằng, muốn có phim hay, cần có sự đầu tư chiến lược cho phim truyền hình mà quan trọng nhất là con người. Đẩy mạnh hợp tác làm phim với nước ngoài để học hỏi là việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, muốn khẳng định được bản sắc Việt, tạo nên sự khác biệt của phim Việt giữa dòng chảy văn hóa nhân loại thì phim Việt cần khai thác mạnh mẽ hơn nữa yếu tố văn hóa Việt. Chỉ có văn hóa mới là cầu nối đưa phim Việt tiếp cận nhanh nhất với thời đại.

Thiên Giang

 

 

 


Ý kiến của bạn