Dưới đây là suy nghĩ của một bác sĩ luôn đứng ở nơi “đầu sóng ngọn gió” cấp cứu những ca bệnh “thập tử nhất sinh” – Bs. Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hòa Bình về những câu chuyện liên quan nói trên. BS Hoàng Công Tình quan niệm : “ Từ câu chuyện thầy thuốc hiến máu cứu bệnh nhân: Gieo cùng một thứ hạt, nhận được hai loại trái khác nhau. Báo Sức khỏe & Đời sống xin chia sẻ cùng quý độc giả.
Câu chuyện thứ nhất: Mấy ngày gần đây, dự luận trong cả nước đang rất xôn xao về trường hợp một bệnh nhân ở Kim Thành-Hải Dương. Đó là một sản phụ sau sinh nở bị đờ từ cung gây chảy máu ổ ạt dẫn đến sốc mất máu, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được xử trí kịp thời. Các thầy thuốc đã tận tình cứu chữa, đã hiến cả giọt máu của mình để cứu giúp người bệnh. Người bệnh qua cơn nguy kịch, thầy thuốc nhận được những lời “chửi bới hăm doạ” từ phía người thân của bệnh nhân.
Câu chuyện thứ hai: Gần đây tại bệnh viện nơi tôi công tác, một bệnh nhân bị tắc mạch máu mạc treo (tắc mạch máu nuôi dưỡng các quai ruột) gây hoại tử ruột non. Hậu quả là bệnh nhân phải mổ cấp cứu để cắt bỏ rất nhiều ruột non do hoại tử, kéo theo đó là bệnh nhân mất nhiều máu phải truyền máu, bệnh nhân có tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực trước-trong và sau mổ. Do bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm, bệnh viện đã sử dụng hết cơ số máu dự trữ cho bệnh nhân nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị. Trong lúc “ngàn cân treo sợi tóc”, các thầy thuốc trong ca trực có cùng nhóm máu với bệnh nhân đã tự nguyện hiến máu của mình để cứu chữa người bệnh.
Các thầy thuốc khác trong bệnh viện khi biết tin bệnh nhân có cùng nhóm máu đã tự nguyện đăng ký hiến máu khi có nhu cầu truyền cho bệnh nhân, một cử chỉ mang đậm nét nhân văn. Và rồi mọi sự cố gắng của bệnh nhân, cùng với sự tận tình của các thầy thuốc trong bệnh viện đã vượt qua giai đoạn hậu phẫu vô cùng khó khăn khi bệnh nhân phải hồi phục và thích nghi với một cơ thể đã mất đi rất nhiều ruột non.
Ngày sau đi hồi tỉnh, biết được nghĩa cử của thầy thuốc hiến máu để góp phần cứu sống mình, bệnh nhân và gia đình cô cùng cảm động và biết ơn. Rồi bệnh nhân được xuất viện trong niềm vui vô bờ bến của cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc.
Hai câu chuyện nêu trên có những điểm giống nhau và khác nhau. Điểm giống nhau là “đờ tử cung” và “tắc mạch máu mạc treo” là do cơ địa từng bệnh nhân, xảy ra đột ngột, là một bệnh cấp cứu có nguy cơ tử vong cao, đều cần phải truyền máu khối lượng lớn và thầy thuốc đã hiến máu của mình cho bệnh nhân.
Điểm khác nhau trong hai trường hợp này là thái độ của bệnh nhân và người nhà người bệnh đối với thầy thuốc: một trường hợp nhận được trái ngọt, một trường hợp nhận được trái đắng.
Việc cứu chữa người bệnh qua cơn nguy kịch, kéo họ từ cõi chết trở về là công việc gần như thường ngày của thầy thuốc tại các bệnh viện và nhiều không bao giờ kể hết. Đâu đó có thể có một vài trường hợp cá biệt khi chưa biết trân trọng màu áo blouse, nhưng nó chỉ là thiểu số rất ít, chỉ là những hạt sạn.
Đa số các thầy thuốc hiện nay vẫn đang hằng ngày âm thầm cứu chữa người bệnh. Họ không cần xã hội phải tôn vinh nghề nghiệp của họ. Họ chỉ cần được mọi người tôn trọng và cần một môi trường an toàn để làm nghề.
Với những thầy thuốc đã dành cả công sức, trí tuệ và giọt máu của mình để cứu sống người bệnh thì không bao giờ là người xấu được và “trái đắng” xin đừng dành cho họ!