Xã hội phát triển, cuộc sống của mỗi gia đình trở nên sung túc hơn, con cái chúng ta được thụ hưởng nhiều hơn. Giới trẻ được sống trong đời sống sung sướng, đủ đầy, muốn gì được đấy, có nhiều điều kiện học hỏi, trau dồi và tiếp cận với các phương tiện hiện đại. Nhưng cũng chính từ đời sống hiện đại ấy mà nhiều giá trị đạo đức lại bị xói mòn bởi cá nhân chủ nghĩa và tính thực dụng dẫn đến “bệnh” vô cảm. Nó thể hiện ở chỗ: Con không biết chia sẻ khi cha mẹ và người thân ốm đau, hàng xóm gặp hoạn nạn. Mặc kệ cha mẹ gia đình khuyên can, chúng làm cái gì bao giờ cũng vì lợi ích cá nhân, vì mục đích hưởng thụ trước. Ở trường, con không lay động hay thương cảm với các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Trên đường đi, gặp người bị nạn, con bỏ đi chẳng cần biết hoặc có ghé lại thì cũng chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ, không có hành động giúp đỡ nạn nhân vì sợ phải gánh trách nhiệm. Gặp người bất hạnh, tàn tật, người làm công việc phải phơi nắng phơi sương, con chẳng những không thương xót mà còn khinh bỉ. Quả thật, đó là những hành động đáng lên án. Sự vô cảm bắt nguồn từ lối sống ích kỷ, thực dụng, hưởng thụ là nguyên nhân khiến con trẻ cảm thấy cuộc sống nhàm chán, đơn điệu, vô nghĩa. Hậu quả là những xúc cảm đạo đức bị hạn chế, thậm chí bị triệt tiêu. Con người trở nên vô tình trước cuộc sống, lãng quên trách nhiệm cộng đồng.
Đi tìm nguyên nhân của việc này, người ta thường đổ lỗi cho xu hướng phát triển của xã hội hiện đại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm của giới trẻ, nhưng tựu trung, cái gốc chính là cách giáo dục nhân cách từ trong gia đình cho đến nhà trường và ngoài xã hội còn quá thờ ơ, hời hợt. Hay nói cách khác, chính người lớn đã tiếp sức cho thói vô cảm của con trẻ thời nay.
“Gia đình chính là tế bào của xã hội”, gia đình tốt đẹp thì xã hội mới tốt đẹp. Cha mẹ có gương mẫu, sống mực thước mới dạy bảo được những đứa con giàu lòng nhân ái. Thế mà ngày nay, trong nhiều gia đình, cha mẹ dường như quá mải mê với công việc, với việc “bôi trơn” để thăng tiến, với các mánh lới để kiếm được thật nhiều tiền và đem đồng tiền và giá trị vật chất làm thước đo cho tất cả. Thử hỏi một đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy có biết đồng cảm với người khác, có lòng bao dung, độ lượng, đức hy sinh... hay từ nhỏ đã biết đến chữ “tiền” như bố mẹ. “Căn bệnh” vô cảm là kết quả của lối sống thực dụng ngày càng ăn sâu vào văn hóa xã hội khi mà các giá trị đạo đức, tinh thần, sự hy sinh... đang dần bị thế chỗ cho chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vật chất. Hơn nữa, vì cưng chiều con nên cha mẹ đáp ứng tất cả những yêu cầu vô lối của con. Treo thưởng cho con bằng những món tiền kếch xù ngay từ nhỏ. Thế nhưng họ lại không dạy con phải biết chia sẻ, quan tâm và có trách nhiệm với người thân, với bạn bè. Một đứa trẻ chỉ biết “nhận” chứ không biết “cho” sẽ nghèo nàn về cảm xúc, vô tâm và bàng quan trước nỗi đau của người khác.
Trên trang facebook của giới trẻ bàn về thói vô cảm có một mệnh đề: “Vô cảm là sự ngụy biện cho một trái tim đã quá nhiều nỗi đau dồn nén”. Điều này có vẻ mâu thuẫn với những gì mà giới trẻ đang được hưởng thụ, nhưng lại có lý khi thấy rằng: Dường như đang có một cuộc khủng hoảng niềm tin trong xã hội hiện đại dẫn đến các bạn trẻ sống vô cảm. Chúng ta đừng đổ lỗi cho thói vô cảm của giới trẻ xuất phát từ chính lối sống của họ khi mà hàng ngày, con được tiếp cận với bao thông tin về người này người kia lợi dụng chức quyền để quan liêu, tham nhũng, trục lợi cá nhân; hay ông này bà nọ có những phát ngôn thờ ơ, gây sốc về hoạn nạn của đồng loại; về lối sống “phong bì”; xà xẻo tiền trợ cấp cho người nghèo... Người lớn không còn là tấm gương cho giới trẻ khiến đạo đức bị suy giảm. Con không còn lòng tin vào điều tốt nên con vô cảm trước mọi diễn biến trong cuộc sống. Giới trẻ đang sống bằng thứ lý trí sắt đá, tình cảm khô cằn của mình.
Tuổi trẻ là tương lai của đất nước, cứ đà phát triển nhân cách thế này thì xã hội sẽ sao nhỉ?
HOÀNG KIM
Mọi bài vở tham gia diễn đàn xin gửi về báo Sức khỏe&Đời sống, email: bandientuskds@gmail.com. Các bài viết thể hiện quan điểm của độc giả, không phải quan điểm của tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!