Tứ chứng Fallot: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

23-09-2024 08:57 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tứ chứng Fallot là một bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp (sinh ra đã mắc bệnh). Tứ chứng Fallot xảy ra khi tim của em bé không hình thành bình thường trong bụng mẹ, đây có thể là kết quả của sự biến đổi gen hoặc nhiễm sắc thể.

1. Tứ chứng Fallot là gì?

Tứ chứng Fallot là bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp

  • Tứ chứng Fallot tên tiếng anh Tetralogy of Fallot là một bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp (sinh ra đã mắc bệnh).
  • Thông thường, ở một trái tim khỏe mạnh, máu đi qua tim đến phổi nơi nó lấy oxy. Sau đó, máu giàu oxy rời khỏi phổi, quay trở lại tim và đi khắp cơ thể.
  • Trẻ sơ sinh bị tứ chứng Fallot gặp khó khăn trong việc nhận đủ máu đến phổi, do đó cơ thể nhận quá nhiều máu nghèo oxy.
Tứ chứng Fallot: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Tứ chứng Fallot là một bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp (trẻ sinh ra đã mắc bệnh).

2. Nguyên nhân, yếu tố mắc tứ chứng Fallot

Tứ chứng Fallot xảy ra khi nào?

  • Tứ chứng Fallot xảy ra khi tim của em bé không hình thành bình thường trong bụng mẹ. Các chuyên gia không chắc chắn chính xác nguyên nhân gây ra bệnh lý này.
  • Tứ chứng Fallot có thể là kết quả của sự biến đổi gen hoặc nhiễm sắc thể.
  • Trẻ mắc một số hội chứng di truyền nhất định, chẳng hạn như hội chứng Down hoặc hội chứng DiGeorge, có nguy cơ mắc tứ chứng Fallot cao hơn.

Nguy cơ dị tật tim bẩm sinh như tứ chứng Fallot có thể tăng lên do:

  • Các yếu tố môi trường, chẳng hạn như hút thuốc hoặc dùng một số loại thuốc khi mang thai.
  • Tiền sử gia đình có người mắc.
  • Có một số tình trạng bệnh lý khi mang thai, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc bệnh sởi Đức (Rubella).

3. Tứ chứng Fallot có lây nhiễm không?

Bệnh tứ chứng Fallot không lây nhiễm.

Tứ chứng Fallot: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Triệu chứng phổ biến nhất của tứ chứng Fallot là da, môi và móng tay có màu hơi xanh.

4. Triệu chứng mắc tứ chứng Fallot

Triệu chứng mắc tứ chứng Fallot:

  • Triệu chứng phổ biến nhất của tứ chứng Fallot là chứng xanh tím (cyanosis), tức là da, môi và móng tay có màu hơi xanh.
  • Chứng xanh tím là kết quả của việc bơm quá nhiều máu nghèo oxy đi khắp cơ thể.
  • Chứng xanh tím có thể xuất hiện đột ngột, được gọi là cơn "Tet spell", khi trẻ khóc hoặc bú, nó xảy ra khi mức oxy trong máu của em bé giảm nhanh chóng.
  • Trong khi bị "Tet spell", trẻ sơ sinh có thể khó thở.
  • Một số trường hợp nặng nhất, trẻ có thể đi lại khó khăn hoặc thậm chí co giật, bất tỉnh.

Các triệu chứng khác của tứ chứng Fallot khi mới sinh có thể bao gồm:

  • Thở khó hoặc thở nhanh.
  • Mệt mỏi.
  • Sự quấy khóc.
  • Tiếng thổi trước tim (khi nghe tim).
  • Khó ăn hoặc tăng cân.

5. Cách điều trị tứ chứng Fallot

Hầu hết trẻ em mắc tứ chứng Fallot đều cần được phẫu thuật và thường được phẫu thuật khi được khoảng 6-12 tháng tuổi. Bác sĩ sẽ xác định loại phẫu thuật và thời điểm phẫu thuật thích hợp nhất.

Phẫu thuật tạo Shunt tạm thời với người bị tứ chứng Fallot

  • Những em bé không đủ điều kiện về sức khỏe để thực hiện các biện pháp sửa chửa toàn bộ hoặc có các vấn đề sức khỏe khác có thể phải thực hiện phẫu thuật tạo shunt tạm thời (Blalock shunt…).
  • Shunt là một ống khâu được đưa vào vị trí giữa mạch chủ và mạch phổi, nó giúp tăng lưu lượng máu đến phổi, nó không phải là vĩnh viễn.
  • Trẻ sơ sinh được phẫu thuật tạo shunt tạm thời vẫn cần được điều trị bằng thuật thuật sửa chữa hoàn toàn sau này khi đủ điều kiện về sức khỏe.

Phẫu thuật sửa chữa hoàn toàn

  • Vá lỗ thông liên thất.
  • Mở rộng đường ra thất phải.
  • Mở rộng van động mạch phổi.
Tứ chứng Fallot: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Trẻ bị tứ chứng Fallot cần được phẫu thuật.

6. Cách phòng bệnh tứ chứng Fallot

Yếu tố quan trọng giảm tỉ lệ mắc tứ chứng Fallot:

  • Đây là một bệnh lý tim bẩm sinh, vì vậy, đối với bản thân trẻ sinh ra bị mắc tứ chứng Fallot không thể phòng tránh được.
  • Tuy nhiên đối với người phụ nữ khi mang thai hoặc có dự định mang thai, việc tiêm chủng vaccine đầy đủ (đặc biệt là Rubella).
  • Phụ nữ mang thai nên tránh nơi có nhiều người hút thuốc lá và luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc, để tránh nguy cơ một số loại thuốc gây bệnh lý về gen cho thai nhi (đặc biệt trong quý đầu).
Những dấu hiệu nhận biết con bạn mắc bệnh tim bẩm sinh tứ chứng FallotNhững dấu hiệu nhận biết con bạn mắc bệnh tim bẩm sinh tứ chứng Fallot

SKĐS - Tứ chứng Fallot là một bệnh tim bẩm sinh thường gặp, chiếm tỉ lệ 75% các bệnh tim bẩm sinh ở trẻ trên 1 tuổi. Có khoảng 3 - 5/10000 trẻ ra đời mắc tứ chứng Fallot còn sống, chiếm 6% các trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Vì vậy việc phát hiện sớm khi trẻ mắc dị tật là điều vô cùng quan trọng.


ThS.BS. Lê Nguyễn Viết Nho
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế
Ý kiến của bạn