Khi cầm kết quả trên tay, mình lặng người đi rất lâu. Mình chỉ nghĩ đến bệnh viêm loét dạ dày, có hoặc không có vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) mà thôi. Ai ngờ khi nội soi, bác sĩ nội soi đã mô tả, một khối u dạng sùi loét vùng thân vị, xâm lấn bờ cong nhỏ, nghĩ ung thư. Hẹn 1 tuần sau lấy kết quả giải phẫu bệnh.
Mình phải giải thích như thế nào đây để bệnh nhân không hoảng sợ? Tại sao tỷ lệ mắc bệnh ung thư và các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp... ngày càng nhiều? Do người dân quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn? Hay do y học phát triển nên chẩn đoán sớm hơn?
Thật sự thì người dân có quan tâm đến sức khỏe nhưng sự hiểu biết về bệnh tật lại quá ít. Đôi khi tự khám và chữa bệnh cho mình bằng “bác sĩ Google”.
Chia sẻ với người bệnh là trách nhiệm của người thầy thuốc.
- Cô đi khám bệnh với ai? - Tôi hỏi.
- Một mình. Bác sĩ cứ nói đi, không sao đâu.
- À... Cô có một khối u vùng dạ dày. U thì có thể là u lành hoặc u ác. U ác thì cũng còn tùy vào dạng tế bào, biệt hóa thấp, vừa hay cao. Không phải có khối u thì lúc nào cũng đáng sợ.
- Ung thư phải không bác sĩ?
Bệnh nhân bật khóc nức nở. Mình chẳng biết phải làm sao. Buổi sáng thứ hai, bệnh viện ồn ào đông đúc. Mỗi phòng khám bác sĩ phải khám hơn 60 lượt bệnh nhân chỉ trong vòng 4 giờ.
- Cô à, bình tĩnh. Phải đợi kết quả giải phẫu bệnh. Trên thực tế, có người bị ung thư dạ dày, cắt hai phần ba dạ dày vẫn sống gần như bình thường.
- Bác sĩ, tôi thấy trên mạng người ta hay bày những loại cây cỏ có thể điều trị ung thư, tôi kiếm về dùng được không?
- Chưa chắc là bệnh ung thư. Cô phải đợi kết quả sinh thiết đã.
- Chắc hay không, tôi nghĩ cũng nên dùng vì biết đâu nó giúp tôi chữa bệnh.
- Cô không nên tin vào những thứ đó.
- Không tin sao được. Mấy trang web đăng đầy mà. Nếu không chính xác thì mấy cơ quan chủ quản báo chí đâu không xử lý?
- Ơ...
Bệnh nhân đã về, mình còn ngồi thừ rất lâu. “Tại sao mấy trang web đăng tin về cách chữa bệnh này nọ cho bệnh nhân bằng cây cỏ nọ, cây cỏ kia... mà không có sự kiểm duyệt nào cả?”. Tại sao? Lỡ người ta dùng bị ngộ độc? Lỡ người ta dùng làm trì hoãn thời gian vàng điều trị? Lỡ người ta mất tiền, mất mạng?
Nghĩ đến thế thôi, mình rùng mình mấy lần vì sợ. Mà thiệt, chỉ cần nhìn vào bảng tin hàng ngày trên mạng xã hội này, có hàng ngàn bài báo viết về cách chữa bệnh ung thư bằng cây cỏ và hàng triệu lượt chia sẻ giúp phát tán rộng hơn. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm với bệnh tật và sinh mạng người khác?
Kể cũng lạ, khi có bệnh có tật, chúng ta ít chịu đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị. Chúng ta dễ dàng tin cách chữa trị “dân gian” của ông bạn hàng xóm, bà bạn bán cá và cô hàng xóm bán cà phê... hơn là tin bác sĩ.
Cái tục lệ “có bệnh vái tứ phương” làm chúng ta rơi vào mê tín và dùng thuốc không đúng khoa học.
Không phủ nhận, cây cỏ đôi khi giúp chúng ta chữa lành được những tổn thương nhưng phải phù hợp. Mà chúng ta thì chẳng biết cái gì phù hợp với mình.
Có rất nhiều tin như thể loại này: Ông Nam bị ung thư phổi, ăn trái mãng cầu ta mỗi ngày bây giờ hết bệnh. Thật sự thì bệnh ung thư phổi đó còn tùy vào giai đoạn nào của bệnh, mức độ xâm lấn, di căn hay chưa, tùy vào loại ung thư tế bào lớn hay tế bào nhỏ, tùy thuộc vào cơ địa của bệnh nhân, tùy thuộc vào điều trị trước đó như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, tùy thuộc vào bệnh lý đi kèm và tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa… chứ không phải nhờ ăn trái mãng cầu ta mà hết bệnh.
Bạn thấy đấy. Đọc thử đi: “Cây lược vàng giúp chữa khỏi bệnh ung thư vòm họng”, “Lá đu đủ chữa được ung thư gan”... Một lần nữa xin ngừng chia sẻ nếu không biết điều đó là chắc chắn.
Y học ngày nay là y học chứng cứ. Phải có chứng cứ rõ ràng thì mình mới nên áp dụng chứ đừng điều trị theo cảm tính.
Có bệnh thì chữa bệnh.
Chữa bệnh không được nữa thì mỉm cười, thu xếp lại mọi thứ và ra đi. Điều đó mấy ai làm được?
Sống không sợ hãi, chết sẽ bình an.