Hà Nội

Tự chữa, tự rước thêm bệnh!

06-04-2013 09:13 | Phòng mạch online
google news

Viêm da tiếp xúc do côn trùng là một bệnh da thường gặp, cấp tính có thể gây thành dịch, đặc biệt vào mùa mà loài côn trùng đó phát triển mạnh. Hay gặp nhất vào mùa mưa, những cơn mưa lớn đổ xuống các ruộng lúa ở vùng nông thôn làm cho côn trùng,

Viêm da tiếp xúc do côn trùng là một bệnh da thường gặp, cấp tính có thể gây thành dịch, đặc biệt vào mùa mà loài côn trùng đó phát triển mạnh. Hay gặp nhất vào mùa mưa, những cơn mưa lớn đổ xuống các ruộng lúa ở vùng nông thôn làm cho côn trùng, đặc biệt các loại bướm, kiến, sâu phát triển mạnh và bay ra môi trường. Khi da chúng ta tiếp xúc với các côn trùng này sẽ gây phản ứng dị ứng hoặc kích ứng làm da phồng rộp, nổi mụn nóng rát, đau nhức...

Thủ phạm gây bệnh

Nguyên nhân do phản ứng dị ứng của da với các thành phần của côn trùng như phấn, chất bài tiết, dịch, hóa chất... Các loại côn trùng thường gây bệnh là: côn trùng cánh cứng, một số loài kiến đặc biệt là kiến khoang, một số loài bướm (bướm bụi, bướm đuôi nâu, bướm đuôi vàng...). Một số loại sâu: sâu ban miêu, sâu róm... Có loài côn trùng khi di chuyển còn tiết ra các chất trong thành phần có chứa phospho làm da bị bỏng như con giời.

Tự chữa, tự rước thêm bệnh! 1
Viêm da tiếp xúc do côn trùng thường thành vệt dài tại những vùng da hở.

Tự chữa, tự rước thêm bệnh! 2
Tổn thương zona - chùm bóng nước xuất hiện ở một bên cơ thể.


Nhận diện tổn thương viêm da tiếp xúc do côn trùng

Trên lâm sàng, tổn thương trên da khá giống nhau với đặc điểm thành dải đỏ, phù nề, có trường hợp nổi mụn nước, mụn mủ. Vị trí hay gặp ở vùng da hở là: mặt, cổ, cánh - cẳng tay, cẳng chân, đôi khi cũng thấy ở thân mình vùng kín do côn trùng bám vào quần áo, khi mặc, chúng tiếp xúc trực tiếp vào da. Tùy vào vị trí tiếp xúc mà có thể bị một hay nhiều tổn thương cùng lúc, bị đối xứng, bị nhiều nơi trên cơ thể. Đây là dấu hiệu quan trọng để phân biệt với bệnh zona. Bệnh được chẩn đoán nhầm là herpes, zona, giời leo. Bệnh xảy ra ngay sau khi tiếp xúc vài phút đến vài giờ tùy thuộc vào nguyên nhân. Ban đầu bệnh nhân cảm thấy ngứa, nóng rát, nổi ban đỏ, sau đó có thể xuất hiện các mụn nước, bọng nước và nóng, đau rát. Nếu nhiễm khuẩn sẽ có các mụn mủ nhỏ trên nền da đỏ, phù nề. Nếu không điều trị đúng có thể nhiễm khuẩn lan rộng, loét da... Tổn thương thường tạo thành đám tại chỗ tiếp xúc hoặc thành dải, thành vệt do bệnh nhân ngứa, gãi.

Xử trí khi bị viêm da tiếp xúc do côn trùng

Việc điều trị viêm da tiếp xúc do côn trùng không khó nhưng nếu không đúng có thể gây viêm nặng hơn, nhiễm khuẩn thứ phát, loét... Phương pháp điều trị tùy theo tổn thương và chủ yếu dùng thuốc bôi tại chỗ kèm thuốc kháng histamin đường uống.

Tại chỗ: Khi mới tiếp xúc, chỉ có đỏ da và ngứa, nên dùng nước muối sinh lý rửa nhẹ nhàng để làm sạch các chất bám lên da, sau đó dùng hồ nước bôi lên để làm mát da, dịu da. Hồ nước là một loại thuốc bôi dùng phổ biến trong da liễu với thành phần chủ yếu bao gồm: bột tal, oxyt kẽm, glycerin và hầu như không có tác dụng phụ đáng kể nào nên sử dụng rất an toàn.

Khi đã nổi mụn nước, phỏng nước có thể bôi hồ nước, đắp dung dịch yaris giúp mát da, dịu da và làm khô, sạch tổn thương.

Nếu có xuất hiện mụn mủ, dùng các dung dịch màu như xanh methylen, milian, castellani bôi lên tổn thương giúp sát khuẩn, khô sạch tổn thương. Chú ý không nên dùng castellani bôi cho trẻ em vì thuốc này có thể làm trẻ đau rát khi bôi. Khi tổn thương không còn chảy dịch, khô lại có thể sử dụng mỡ kháng sinh, diệt khuẩn kèm corticoid loại nhẹ và vừa (ví dụ fucidin-H, fucicort) để bôi, giúp tổn thương mau lành.

Thuốc uống: Có thể dùng các thuốc có tác dụng chống ngứa, chống dị ứng như: chlopheniramin, hydroxyzin, promethazin... hoặc cetirizin, astemizol, loratadin, desloratadin, fexofenadin. Tuy nhiên, cần thận trọng với những người có vấn đề về tim mạch hoặc tiền sử bệnh tim mạch, không được dùng một số thuốc trong nhóm astemizol vì nhóm này có thể làm loạn nhịp tim.

Trường hợp bệnh nặng, kèm thêm phản ứng dị ứng toàn thân, cần điều trị đặc biệt. Có thể phải dùng corticosteroid toàn thân. Nếu bội nhiễm nặng phải dùng kháng sinh toàn thân.

Chú ý: Bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng thường khỏi nhanh trong 3 - 7 ngày nếu điều trị đúng cách. Khi vừa tiếp xúc, cần rửa nhẹ nhàng bằng nước muối sinh lý (9‰) để trung hòa hoặc giảm bớt các yếu tố dị ứng, kích ứng da, sau đó đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời, không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.

Phòng tránh cách nào?

Để phòng tránh bệnh vào mùa mưa, nên đóng kín cửa, buông rèm, làm lưới ngăn côn trùng, buổi tối không nên ngồi gần các nguồn sáng như bóng đèn. Mặc quần áo dài, quan sát kỹ đồ vật trước khi sử dụng, giũ sạch khăn mặt, khăn lau, quan sát kỹ trước khi lau.

BS. Đinh Thị Thanh

Phân biệt bệnh zona và viêm da do côn trùng

Zona có vị trí sang thương là mảng hồng ban - chùm bóng nước xuất hiện ở một bên cơ thể, kèm theo cảm giác rát nhiều giống như bị phỏng. Sau những triệu chứng cảnh báo như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau cơ, hạch bạch huyết vùng lân cận có thể bị sưng to. Khoảng 1 - 2 tuần sau khi xuất hiện các bóng nước zona sẽ vỡ ra, khô lại, đóng vảy. Zona xuất hiện có tính cách riêng lẻ, không thành dịch và đa số bệnh nhân chỉ bị zona một lần trong đời.

Viêm da tiếp xúc do côn trùng xảy ra ở vị trí da tiếp xúc với côn trùng, sang thương da có thể xuất hiện cùng lúc ở nhiều nơi trên cơ thể và không có triệu chứng báo trước. Lúc đầu, bệnh nhân có cảm giác ngứa rát, nổi hồng ban nơi tiếp xúc với côn trùng (thường là vùng da hở). Sau 6 - 12 giờ, sang thương sẽ sưng phù và thường kéo thành vệt dài giống như vệt cào gãi trên có nhiều mụn nước kích thước 1 - 5cm, không đều và 2 - 3 ngày sau biến thành mụn mủ. Cảm giác ngứa rát tăng dần nhưng không đau nhức, có thể kèm theo sốt nhẹ, nổi hạch vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với vị trí tổn thương. Các mụn mủ tiến triển khoảng 3 - 5 ngày thì đóng vảy khô dần, để lại vết sẫm màu khi bong vảy. Bệnh nhân có thể bị viêm da tiếp xúc 2 - 3 lần trong một mùa và bệnh có thể trở thành dịch với nhiều người cùng bị.

Với cả hai loại bệnh này, bệnh nhân không nên tự mua thuốc sử dụng vì nguyên nhân gây bệnh hoàn toàn khác nhau, việc dùng thuốc phải do bác sĩ chuyên khoa khám và chỉ định.  



Ý kiến của bạn