Tự chữa nghẹt mũi mãi không khỏi, người bệnh phát hiện u mặt

31-08-2023 10:50 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm mũi xoang là bệnh tai mũi họng phổ biến tại nước ta. Tuy nhiên, đa phần người bệnh có thói quen tự điều trị tại nhà, điều này tiềm ẩn nguy cơ điều trị không đúng cách, dẫn đến biến chứng khó lường...

1. Phát hiện khối u vùng xoang hàm mặt sau một thời gian tự điều trị nghẹt mũi không đỡ

Mới đây, một bệnh nhân nam, 35 tuổi, trú tại Đông Anh, Hà Nội nhập viện trong tình trạng tắc mũi hoàn toàn, mắt nhìn mờ, sưng to một bên mặt. Sau khi được thăm khám tại Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện 19-8, bệnh nhân được chẩn đoán viêm xoang, có u nhầy vùng xoang hàm mặt.

Khối u lan rộng, đè ép vào ổ mắt, ảnh hưởng đến sự vận nhãn, gây nên tình trạng song thị (nhìn đôi). Không những thế, khối u phát triển phá hủy xoang hàm, dẫn đến ngạt mũi bên phải hoàn toàn, sưng má bên phải lệch mặt.

Khai thác tiền sử bệnh, được biết bệnh nhân bị ngạt mũi trong thời gian dài. Tuy nhiên do chủ quan, người bệnh không đi khám tự điều trị tại nhà bằng rất nhiều loại thuốc khác nhau, trong đó có cả thuốc đông y và tây y. Thời gian đầu dùng thuốc, triệu chứng bệnh có đỡ. Tuy nhiên, sau đó tình trạng ngạt mũi trở nên nghiêm trọng hơn, bệnh nhân mới đến bệnh viện để khám.

ThS. BSCKII Nguyễn Đình Trường, Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện 19-8 cho biết, đây là ca bệnh phức tạp, bệnh nhân đã được chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Rất may mắn, bệnh nhân đã hồi phục và ra viện.

Khi có dấu hiệu về tai mũi họng, như ngạt mũi, chảy nước mũi, đau tai... người dân nên thăm khám tại bệnh viện, cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được  loại trừ các bệnh mạn tính, ngăn ngừa tình trạng biến chứng do điều trị không đúng cách, ThS. BSCKII Nguyễn Đình Trường khuyến cáo.

Như trường hợp nêu trên, bệnh nhân có khối u nhưng không biết, cứ tự điều trị tại nhà bằng các loại thuốc xịt, thuốc uống... khiến khối u phát triển nhanh, dẫn đến biến chứng xấu.

ThS. BSCKII Nguyễn Đình Trường, Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện 19-8 thông tin về ca bệnh tự ý điều trị nghẹt mũi tại nhà.

2. Một số lưu ý trong điều trị viêm mũi xoang

Khí hậu nhiệt đới tại nước ta đặc trưng bởi gió ẩm, mưa nhiều, kết hợp với tốc độ phát triển đô thị hiện nay, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, tỉ lệ bụi mịn cao... Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mũi xoang, trong đó điển hình là viêm mũi xoang.

Viêm mũi xoang là tình trạng dịch nhầy và chất lỏng tích tụ, làm tắc nghẽn các xoang (hốc rỗng phía sau xương gò má và trán), gây ra các triệu chứng như chảy nước mũi, nghẹt mũi, giảm khứu giác, đau nhức vùng mặt...

Khi gặp các triệu chứng này, đa phần người bệnh thường tự đến hiệu thuốc để mua thuốc về sử dụng. Đây là sai lầm phổ biến khiến tình trạng viêm mũi xoang trở nặng do không được điều trị đúng.

Bên cạnh đó, sau khi thăm khám tại cơ sở y tế, nhiều bệnh nhân không tuân thủ điều trị, tự ý bỏ thuốc giữa chừng. Trong khi đó, bản chất của viêm mũi xoang là tình trạng viêm niêm mạc, viêm xương - tốc độ hấp thu kháng sinh chậm, do đó bệnh nhân cần kiên trì, tuân thủ phác đồ của bác sĩ.

Tự chữa nghẹt mũi do viêm mũi xoang không khỏi, người bệnh phát hiện u gây biến chứng - Ảnh 2.

Viêm mũi xoang là tình trạng dịch nhầy và chất lỏng tích tụ, làm tắc nghẽn các xoang.

Các loại thuốc thường dùng trong điều trị viêm mũi xoang:

- Thuốc kháng histamin H1: Có tác dụng làm giảm các triệu chứng dị ứng đi kèm với viêm xoang như ngứa mắt, ngứa mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi. Thuốc có loại thế hệ 1 và thế hệ 2, tuy nhiên thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2 được ưa chuộng hơn do ít tác dụng phụ gây buồn ngủ. Một số ví dụ thuốc thuộc nhóm này như loratadin, cetirizine, clorpheniramin, promethazin...

- Thuốc kháng sinh: Được chỉ định trong những trường hợp viêm xoang nặng và do vi khuẩn gây ra. Các nhóm kháng sinh thường dùng gồm amoxicillin, ampicilin... Trường hợp dị ứng thuốc kháng sinh nhóm penicillin, có thể dùng nhóm cephalosporin (cefazolin, cephalexin, cefoxitin...)

- Thuốc giảm đau, chống viêm: Paracetamol, ibuprofen... để giảm đau nhức tại vùng xoang mắc bệnh. Những cơn đau có thể lan ra toàn bộ vùng mặt, hàm hay lan lên đỉnh đầu khiến người bệnh sốt cao.

- Thuốc co mạch: Đây là loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm mũi xoang, có tác dụng chống phù nề, tiêu sưng, kháng viêm, giúp dịch lưu thông dễ hơn trong các hốc xoang, giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn, nghẹt mũi, khó thở... 

Các thuốc thường dùng chlorzoxazone, naphazoline, phenylephrine…

- Thuốc chứa corticoid: Thuốc làm giảm các triệu chứng như ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, phù niêm mạc mũi. Các thuốc corticoid thường dùng là beclomethason, vancenase, triamcinolone...

Khi có dấu hiệu viêm mũi xoang, người bệnh nên đi khám tại các bệnh viện, cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được kiểm tra chính xác tình trạng bệnh. Từ đó có phác đồ điều trị phù hợp. Không nên tự ý sử dụng thuốc tại nhà khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ, tránh trường hợp xảy ra biến chứng khó lường, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

5  loại thực phẩm người bị viêm xoang cần tránh xa | SKĐS

Minh Tâm
Ý kiến của bạn