Là một nhà nghiên cứu về Việt Nam, Choi Hana, người phụ nữ Hàn Quốc vừa bước sang tuổi 40 thì đã có tới hơn 20 năm sống ở Việt Nam. Cô từng coi đây như quê hương thứ hai của mình. Lấy bằng Thạc sĩ ngành Việt Nam học năm 2010, Hana tiếp tục cùng chồng sang Việt Nam sinh sống, vừa trải nghiệm cuộc sống tại Việt Nam trong thời kinh tế phát triển nhanh chóng mặt, vừa chiêm nghiệm và nghiên cứu sâu về con người Việt. Nhưng cho đến bây giờ, cô thú thật, cô vẫn chưa thực sự hiểu người Việt Nam. Quả vậy, để hiểu người Việt, nghiên cứu cả một đời có lẽ vẫn chưa đủ.
Quá quyến rũ
Ngay trước khi Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, Hana đã lặn lội sang Việt Nam học tiếng Việt. Cô sinh viên Hàn Quốc xinh đẹp ngỡ ngàng trước vẻ lạ lùng của thời bao cấp Hà Nội những năm 1980. Những ngôi nhà rêu phong, những bức tường lên mốc xám đen ẩn sau những tàng cây xanh ngắt, những ngõ nhỏ với quán gánh và biết bao món ngon Hà Nội, những quán cà phê với ghế gỗ đơn sơ... Và đặc biệt là con người Hà Nội mến khách đến mức khó tin.
Đường phố Hà Nội những năm 80 hồi đó thưa người, vắng vẻ thinh lặng và cô thích đi ngắm từng con phố, nhìn từng biển hiệu hàng quán hoặc các khẩu hiệu, biểu ngữ đỏ chói trên cao. Cô cũng thích ngắm những bức tranh cổ động người dân làm theo nếp sống đô thị hoặc lao động sản xuất để xây dựng đất nước. Trong những chuyến dạo chơi ấy, cô thường nhìn vào những ngôi nhà cũ kỹ, tường vôi bên ngoài tróc lở đó đây và tự hỏi, những con người như thế nào đang sống trong ngôi nhà đó, họ vui hay buồn, họ yêu đương ra sao, họ ước vọng những gì...?
Choi Hana trong một chuyến điền dã.
Và rồi cô dũng cảm bước vào những ngôi nhà Hà Nội. Hana đã kết nghĩa với một số người bạn, người chị, người anh, người mẹ, người cha ở Hà Nội. Cô trở thành một thành viên ngoại quốc trong một số gia đình Hà Nội. Họ mở rộng cánh cửa và rộng lòng đón cô vào. Cô ở cùng, ăn chung, sống trong một ngôi nhà với người Hà Nội, trong lòng Hà Nội, cô cảm nhận sự ấm áp, an lành. Và cô nghĩ đơn giản rằng mình đã hiểu về người Việt Nam. Cô tự tin vào con đường mình đi, trở thành một nhà Việt Nam học, nghiên cứu suốt đời về người Việt, đất nước Việt.
Thức ăn Việt Nam cũng quyến rũ vô cùng. Mỗi khi phải trở về Hàn Quốc hơi lâu là Hana nhớ món ăn Việt tới nỗi cô cần mua ngay vé máy bay chỉ để bay sang đất nước mà cô coi như quê hương thứ hai để được sà vào một hàng bún chả, bún đậu, hàng phở, miến trộn, bánh đa cua nào đó ở vỉa hè mà thưởng thức vị ngon Việt Nam. Hana cho rằng, người Việt rất giỏi chế biến món ăn với gia vị đặc trưng, đôi khi là quá cầu kỳ trong việc nêm gia vị, đến mức phụ thuộc vào gia vị, đặc biệt là gia vị tươi. Nhưng có thể cũng chính vì thế mà thức ăn Việt lại quyến luyến cô dai dẳng tới vậy. Dù có đi mọi nơi trên thế giới này, khó nơi nào món ăn lại có sức quyến rũ đến mê hoặc con người như thế. Đặc biệt là hai món phở và bún chả, có thể quyến rũ người khách quốc tế ngay từ lần nếm thử đầu tiên. Có lẽ chính vì thế mà hai món ăn Việt là phở và bún chả đã nhanh chóng được quốc tế hóa.
Đề tài nghiên cứu hiện tại của Hana là về phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn 1954 tới 1975. Nhân thời điểm chồng cô - một chuyên gia tài chính đã đặt được văn phòng đại diện ở Hà Nội, Hana cùng chồng sang sống hẳn tại Việt Nam từ 2013 và nghiên cứu đề tài mới của mình. Cô tranh thủ đi điền dã khắp Việt Nam nghiên cứu, sưu tầm những cuốn sách của thời kỳ đó, gặp gỡ những phụ nữ từng trải qua thời chiến tranh, phỏng vấn họ. Trò chuyện với các nhà sử học, tranh luận với những nhà nghiên cứu văn hóa, cốt để hiểu rõ bản đồ tâm lý đàn bà Việt trong giai đoạn lịch sử ấy. Cô cũng học tiếng Pháp để có thể nghiên cứu những tài liệu về Việt Nam xuất bản ở Pháp.
Quá nhiều thách thức
Thời kỳ này quá cám dỗ, nhưng cũng quá nhiều thách thức. Mọi thứ thay đổi quá nhanh, kể cả con người. Và cho đến chính lúc này, Hana lại thấy rối bời chưa giải mã nổi tâm hồn, bản chất người Việt. Ngày trước cô tưởng mình đã thấu hiểu, nhưng càng nghiên cứu sâu, cô càng bị lạc trong một vực thẳm khó đoán và sự biến ảo khôn lường của tâm hồn người Việt. Không có gì chắc chắn để đưa ra một bản tổng kết, không thể khép lại được một nghiên cứu khoa học dù dày công tới đâu. Người Việt thật khó hiểu, cô chỉ có thể nói chung chung như vậy. Dù cô biết rõ hơn ai hết, rằng không thể nói một cách dễ dãi như thế.
Cũng chính lúc này thì cô đổ bệnh. Một căn bệnh từ khối u tử cung, khiến cô bị chảy máu nhiều ngày và phải về Hàn Quốc cấp cứu. Bác sĩ kết luận, cô mắc chứng bệnh khá nguy hiểm, chỉ số máu lại bất ổn, nguy cơ nhiễm bệnh cơ hội rất cao nếu phẫu thuật. Vì thế, cô được chỉ định dùng thuốc sau khi chọc hút dịch khối u. Một thời gian sau, được ra viện, cô trở lại Việt Nam ngay. Dù biết rằng, tính mạng của cô có thể bị đe dọa nếu cô ở lại Hà Nội lâu ngày. Nhịp sống quá gấp, nhiều cám dỗ, thực phẩm ngon nhưng thiếu an toàn, quá nhiều chuyến đi hấp dẫn mời gọi cô, biết bao con người vừa thú vị, vừa khó lường, lại vừa tốt bụng mà cô muốn gặp... Biết bao điều đó níu kéo cô ở Hà Nội. Dù cô biết, cơ thể cũng như trí óc cô đang quá tải. Trong hai thập kỷ qua, gắn bó với Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, Hana đã háo hức nạp vào mình quá nhiều thứ, trí tuệ, văn hóa, ẩm thực, những thách thức phát triển, ô nhiễm,...
Những ngày qua, cô nằm bẹp trong phòng. Bỗng dưng, tất cả những gì từng quyến rũ cô tại Hà Nội ngày thường, bỗng nhạt hẳn đi và không chạm vào cô được nữa. Cô chỉ nằm im tĩnh lặng, chỉ ăn đủ để sống, không gặp gỡ, không đi điền dã cũng không nghe nhạc hay đọc sách. Cô quyết định không nạp vào mình thêm bất cứ thứ gì, từ vật thể hay phi vật thể. Cô đã quá đầy và giờ là lúc cô cần từ từ giải thoát mình khỏi cơn ứ đầy đó, có như vậy bệnh cô mới thuyên giảm. Cô cho rằng mình phát bệnh là do quá tải.
Tôi khuyên cô học thiền, cô trả lời rằng cô không nạp thêm bất cứ gì nữa, kể cả thiền. Cô chỉ muốn để bản thân tĩnh lặng, cho mọi thứ trong cô trôi dần đi, còn lại cho số phận quyết định. Cô sẽ đi qua bằng cách đó.
Cuộc sống vô thường. Tôi nhìn cô mà nghĩ, ôi cô gái đầy đam mê, say sưa với từng góc phố nhỏ Hà Nội, yêu từng ly chè ngọt ngào, cái bánh rán nơi quán cóc, giờ đây cần chối bỏ mọi quyến rũ, để tĩnh tâm vượt qua thách thức của số phận. Bỏ qua tất cả cơn cuống cuồng ồn ã ngoài kia, cô thấy mình không còn thuộc về nơi ấy nữa. Cô chọn sự tĩnh lặng, chiêm nghiệm vẻ kỳ lạ của nó.
Và kỳ diệu làm sao, khi sự tĩnh lặng kéo dài trong cả tháng trời ấy, không làm cô u uất, mà đem lại sự thanh thản cho Hana. Cô thấy người nhẹ nhõm hơn và đã có thể đi lại được. Cô dè dặt hy vọng rằng mình sẽ tiếp tục vượt qua, cân bằng trở lại. Và cô sẽ nhìn lại cuộc đời mình bình tĩnh hơn, nhìn lại mục tiêu của mình. Đối tượng người Việt mà cô nghiên cứu thật không dễ hiểu, nhưng nếu cả đời này cô chưa thể hoàn thành công trình khoa học của mình, thì sẽ có người sau nghiên cứu tiếp nối. Mọi việc rồi sẽ đâu vào đấy, kể cả khi ta nhắm mắt, buông tay.