Tự chủ trong các trường Y – Dược:  Vai trò tổ chức công đoàn đứng trước nhiều thách thức

09-04-2021 15:47 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 9/4/2021, CĐYTVN đã tổ chức Hội thảo tự chủ trong các trường Y – Dược vai trò của tổ chức công đoàn. Đến dự hội thảo có GS. TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, lãnh đạo Tổng LĐLĐVN và đại diện các trường Đại học Y Dược trên cả nước.

Tự chủ trong các trường Y – Dược:  Vai trò tổ chức công đoàn đứng trước nhiều thách thứcGS. TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi hội thảo

Phát biểu tại hội thảo GS. TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị từ năm 2006 cho đến nay đã đạt được những thành công lớn về nhiều mặt, huy động tốt mọi nguồn lực xã hội cho phát triển hệ thống y tế. Các cơ sở y tế chủ động mở rộng, phát triển các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh, tổ chức và sắp xếp lại bộ máy, nhân lực để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của nhân dân, tăng cường đầu tư trang thiết bị và cơ sở hạ tầng góp phần tăng nguồn thu cho bệnh viện và cải thiện thu nhập cho người lao động (NLĐ). Cơ chế tự chủ cho phép các đơn vị tự chủ hơn, linh hoạt hơn trong đầu tư, giao dịch tài chính và chi tiêu thường xuyên. Đặc biệt đối với viên chức, NLĐ tại các bệnh viện sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ cơ chế này. Theo đó, đơn vị được chủ động trong việc chi trả tiền lương, phụ cấp và tiền lương tăng thêm cho NLĐ, được chủ động sử dụng quỹ bổ sung thu nhập để thực hiện việc phân chia trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công việc. Việc trích lập quỹ phúc lợi, khen thưởng của các đơn vị thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thay đổi cơ chế là đòi hỏi phải có quá trình, bước đi cụ thể và bước đầu còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thay đổi cơ chế quản lý, quản trị, sắp xếp bộ máy tổ chức, xây dựng hệ thống các văn bản, cơ chế trả lương, thưởng, phụ cấp, thu nhập tăng thêm.

Việc giao quyền tự chủ cho các trường chỉ dựa vào đề án của trường, không có quy định chung về tiêu chí tự chủ. Các trường đang phải cùng lúc thực hiện nhiều luật Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Xây dựng, Luật Viên chức và các luật về Thuế, tài chính, các Nghị định của Chính phủ, Chưa có Nghị định của Bộ Giáo dục cũng như BYT hướng dẫn cụ thể về hoạt động tự chủ trong cơ sở GD. Các văn bản quy phạm liên quan hầu như không có các điều kiện cụ thể hóa được các nội dung tự chủ đại học, đặc biệt là chưa quy định được điều kiện để giao quyền tự chủ. Chưa kịp sửa hệ thống văn bản, quy chế để đáp ứng ngay với điều kiện thực tế. Chưa có phân cấp về Xây dựng cơ bản, sửa chữa lớn cũng như vấn đề xã hội hóa còn nhiều bất cập, dễ dẫn đến sai phạm.

Do bị khống chế về mức trần học phí, thường là thấp, thu không đủ chi. Đây cũng chính là một khó khăn mà nhà trường đang phải đối diện trong tự chủ về tài chính; Tâm lý bao cấp về học phí trong đào tạo vẫn còn rất nặng nề, tác động không nhỏ đến công tác tuyển sinh…

Tự chủ trong các trường Y – Dược:  Vai trò tổ chức công đoàn đứng trước nhiều thách thứcPGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch CĐYTVN phát biểu

Theo PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch CĐYTVN: Đổi mới hoạt động công đoàn và nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn là nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Trong quá trình các trường ĐH chuyển đổi cơ chế quản lý, điều hành và vận động theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, các cấp công đoàn sẽ có tác động và ảnh hưởng rất lớn tới đội ngũ CBCCVCLĐ trên nhiều phương diện. Đồng thời, hoạt động của tổ chức công đoàn trong các nhà trường cũng có mặt trong các khâu quan trọng như: thành lập, kiện toàn hội đồng trường; nâng cao năng lực quản trị và tổ chức truyền thông. Vì thế, hoạt động công đoàn đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức rất lớn. Đặc biệt, trước tác động của những điều khoản lao động trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực, theo đó cơ hội việc làm của NLĐ cũng có những biến chuyển khó lường. Tất cả đã đặt ra thách thức cho tổ chức công đoàn nói chung, tổ chức công đoàn trong các nhà trường nói riêng. Những cách tiếp cận cũ về quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ chắc chắn sẽ phải thay bằng những cách tiếp cận mới. Những cách làm cũ sẽ phải thay thế bởi cách tư duy mới với sự sáng tạo không ngừng để tổ chức công đoàn trong các nhà trường thật sự là chỗ dựa, nơi gửi gắm, chia sẻ và hỗ trợ đoàn viên, người lao động

Tại buổi hội thảo đại diện công đoàn các trường đại học Y – Dược trong và ngoài công lập cũng đã trình bày những khó khăn, thuận lợi trong công tác tự chủ, vai trò của tổ chức công đoàn trong hoạt động của nhà trường.

Tự chủ trong các trường Y – Dược:  Vai trò tổ chức công đoàn đứng trước nhiều thách thứcĐại diện Trường đại học Y – Dược Cần Thơ trình bày tham luận vai trò tổ chức công đoàn trong tự chủ tài chính 

Theo đại diện Trường đại học Y – Dược Cần Thơ thì việc tự chủ còn gặp nhiều khó khăn như khi áp dụng các luật như: Luật cán bộ, công chức, luật viên chức, luật đầu tư công, luật ngân sách, luật quản lý, sử dụng tài sản công….; chưa có nghị định của Bộ Giáo dục cũng như Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về hoạt động tự chủ trong cơ sở giáo dục; chưa có phân cấp về xây dựng cơ bản, sửa chữa lớn. Tuy nhiên vai trò nhiệm vụ của Công đoàn còn mang nặng tính hình thức, phụ thuộc chưa thực sự là tổ chức phối hợp. Mặc dù vai trò công đoàn đã được luật định nhưng chưa cụ thể rõ ràng đặc biệt là vai trò của công đoàn trong cơ sở giáo dục hoạt động theo mô hình tự chủ.

Đại diện cho Trường Đại học Phenikaa – Trường đại học ngoài công lập cho rằng: hoạt động của tổ chức công đoàn trong trường đại học ngoài công lập chịu sự tác động rất lớn bởi chính sách của  nhà đầu tư trong mỗi thời kỳ. Khi nhà đầu tư lớn không ủng hộ, hoạt động công đoàn không những không phát triển được mà thậm chí người lao động, thành viên BCH công đoàn chịu áp lực lớn, phải xin rút không tiếp tục tham gia công đoàn. Khi nhà đầu tư lớn ủng hộ, hoạt động công đoàn phát triển, NLĐ tích cực tham gia công đoàn.

Mặc dù đã có khung pháp luật tạo điện kiện cho hoạt động của công đoàn trong các trường đại học ngoài công lập nhưng vẫn còn tồn tại ảnh hưởng đến vai trò của công đoàn: Luật giáo dục đại học có quy định Chủ tịch CĐ là thành viên đương nhiên của Hội đồng trường. Tuy nhiên, chưa có chế tài nào đối với trường hợp nhà đầu tư lớn không công nhận Chủ tịch công đoàn mà tổ chức bầu một công đoàn viên khác đại diện công đoàn tham gia Hội  đồng trường; Thực tế tại các trường ngoài công lập BCH Công đoàn được tham gia góp ý kiến về dự thảo Quy chế lương, dự thảo Quy chế làm việc, dự thảo nội quy lao động của trường  nhưng hợp đồng và thu nhập của người lao động được thương lượng và giao kết kín với người sử dụng lao động chứ không phải thông qua Hội đồng tuyển dụng, hội đồng lương có đại diện của tổ chức công đoàn. Do đó, có những bất bình đẳng trong lao động của đơn vị mà tổ chức công đoàn cơ sở không thể kịp thời nắm bắt hỗ trợ.

 


Khánh Nguyễn
Ý kiến của bạn