Tự chủ tài chính trong cơ sở y tế: Ðể nâng cao chất lượng điều trị

01-05-2017 14:06 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thực hiện tự chủ chi thường xuyên hoặc toàn bộ chi thường xuyên và đầu tư ở bệnh viện công lập đã và đang là yêu cầu và xu thế tất yếu hiện nay.

Thực hiện tự chủ chi thường xuyên hoặc toàn bộ chi thường xuyên và đầu tư ở bệnh viện công lập đã và đang là yêu cầu và xu thế tất yếu hiện nay. Bởi có như vậy, bệnh viện mới được “cởi trói” để phát triển và bệnh nhân mới được hưởng những dịch vụ khám, chữa bệnh tốt nhất ở cơ sở... Sau một thời gian thực hiện tự chủ, có những bệnh viện đã phát triển vượt bậc, tạo niềm tin trong nhân dân.

Bệnh viện được trao quyền

Trong xu hướng chung của thế giới và các nước trong khu vực là đẩy mạnh công tác quản lý bệnh viện (BV), quản lý chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh thì tự chủ tài chính đang là động lực thúc đẩy các BV phải sáng tạo, cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Đây là những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để BV thực hiện tự chủ trong công tác quản lý và điều hành BV.

BV Phục hồi chức năng Nghệ An là một trong những đơn vị được giao quyền tự chủ và phê duyệt phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Theo BS. Thái Thị Xuân - Giám đốc BV Phục hồi chức năng Nghệ An: “Với cơ chế tự chủ, BV chuyển sang hoạt động theo cơ chế “lời ăn, lỗ chịu”. Như vậy, BV muốn tồn tại và đi lên bắt buộc phải phát triển mọi mặt từ nhân, vật lực đến cơ sở hạ tầng, dịch vụ và đáp ứng được các yêu cầu của các bệnh nhân. Độc lập về tài chính, nguồn thu của BV chính là từ BHYT và các dịch vụ công chính đáng, hợp pháp. Làm tốt, bệnh nhân đông, thu nhập tăng cao và ngược lại. Để “sống khỏe”, BV phải tiết kiệm chi tiêu, phát huy sự sáng tạo và phải biết rõ bệnh nhân “cần gì” để ưu tiên phục vụ. Cũng từ đó, người bệnh sẽ được hưởng các dịch vụ khám, chữa bệnh tốt nhất ngay tại tuyến cơ sở”.Nhiều máy móc hiện đại được trang bị khi BV thực hiện quyền tự chủ.

Nhiều máy móc hiện đại được trang bị khi BV thực hiện quyền tự chủ.

Có lẽ, thực hiện tự chủ tài chính trong các BV thì ở TP. Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu của cả nước thực hiện khá tốt hình thức này. Trong đó, BV quận Thủ Đức là lá cờ đầu trong việc thực hiện tự chủ tài chính. BV quận Thủ Đức là BV tuyến quận đầu tiên của cả nước được trở thành BV hạng I và đã thực hiện tự chủ hoàn toàn chi phí. Điều đáng nói là đây cũng là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện thí điểm mô hình BV vận hành theo hướng một doanh nghiệp. Tương tự như BV quận Thủ Đức, BV quận Bình Thạnh TP.HCM thực hiện tự chủ hoàn toàn về tài chính từ đầu năm 2015. BS. Lê Hoàng Quí, Phó Giám đốc BV cho biết, BV muốn tồn tại và phát triển thì phải nâng cao chất lượng thu hút và làm hài lòng người bệnh. BV đã áp dụng quy trình khám chữa bệnh một chiều từ tiếp nhận, xét nghiệm, lĩnh thuốc... tại chỗ, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh. “Ngoài chuyên môn kỹ thuật được nâng lên, BV nêu cao thái độ phục vụ, hướng tới làm hài lòng người bệnh.

Theo Sở Y tế TP.HCM, đến nay đã có 7 BV tự chủ hoàn toàn về tài chính, 43 BV tự chủ một phần, 3 BV phải bao cấp.

Trao cho BV quyền tự chủ cũng là để các BV phải “tự bơi”, muốn thu hút được nhiều người bệnh thì bản thân BV phải tự thay đổi tư duy, cải tiến chất lượng. Đây là xu thế tất yếu của sự phát triển.

Tự chủ chất lượng bệnh viện quyết định sự sống còn

Có thể thấy, Nghị định 16/2015/NĐ-CP (thay thế Nghị định 43) quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực kể từ 6/4/2015 đã chỉ rõ mục tiêu hướng tới là các đơn vị tự đảm bảo kinh phí hoạt động càng nhiều thì mức độ tự chủ càng cao.

Bộ mặt nhiều BV công lập đã có thay đổi đáng kể. Tuy đạt được những kết quả nhất định trong các BV công lập khi thực hiện quyền tự chủ, song theo kết quả nghiên cứu 18 BV công thực hiện Nghị định 43 của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế cho thấy: Các BV tuyến Trung ương và các thành phố lớn hưởng lợi nhiều hơn từ Nghị định 43 vì các đơn vị này thu hút được nhiều người bệnh có khả năng chi trả các dịch vụ kỹ thuật cao và có khả năng huy động vốn đầu tư từ nguồn “xã hội hóa” dễ dàng. Còn các BV tuyến huyện khả năng tự chủ rất hạn chế.

Ở các đơn vị y tế đang được giao tự chủ hiện nay là việc đảm bảo chất lượng dịch vụ thực sự mang tính sống còn chứ không chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu mang tính hình thức. “Con số bệnh nhân tăng đồng nghĩa với việc đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ lúc nào cũng phải nỗ lực và nỗ lực nhiều hơn nữa để đem đến chất lượng dịch vụ tốt nhất cho người bệnh và đó là vấn đề mấu chốt để thực hiện tự chủ thành công. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tự chủ về tài chính, nhiều BV, nhất là BV tuyến huyện đang gặp khó khăn do không thể cân đối được thu - chi tài chính. BVĐK Như Thanh, Thanh Hóa là BV hạng II, với 90 giường bệnh kế hoạch và 256 giường thực kê. Sau khi thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại BV giảm đáng kể. Lượng bệnh nhân giảm đồng nghĩa với nguồn thu bị giảm, BV gặp khó khăn trong việc bố trí các khoản chi thường xuyên, trong đó có nguồn thu nhập tăng thêm cho cán bộ, y bác sĩ và người lao động. Sở dĩ BV không thu hút được người dân đến khám vì cơ sở vật chất xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu người dân, trong khi BV lại gặp khó khăn trong quá trình xã hội hóa, thiếu nguồn vốn để mua sắm trang thiết bị máy móc, không thu hút được bác sĩ giỏi về công tác.

Cũng giống như BVĐK Như Thanh, BVĐK Mù Cang Chải,  cũng được giao tự chủ một phần năm 2017, tuy nhiên cũng hết sức khó khăn. BS. Cứ A Hồng, Giám đốc BVĐK Mù Cang Chải cho biết, khi thực hiện tự chủ về tài chính, thu nhập của các BV dựa vào 2 nguồn là BHYT và thu dịch vụ. Nguồn thu của BV chủ yếu là từ BHYT, khám dịch vụ ngoài hầu như không có. Điều tưởng như đáng mừng là hầu hết dân số trên địa bàn đều có BHYT, tuy nhiên, trên địa bàn huyện chủ yếu là đồng bào dân tộc với trình độ dân trí thấp, khi bị bệnh vẫn còn tìm đến thầy lang, mời thầy mo cúng ma chứ chưa chủ động đến viện, thậm chí có trường hợp đến viện rồi nằm được 1, 2 ngày lại về. Nguồn thu từ dịch vụ không có, nguồn thu từ BHYT cũng không ổn định, do đó, mặc dù năm nay được giao tự chủ một phần, nhưng BV cũng rất khó khăn. “Ngoài ra, muốn nâng cao cải tiến kỹ thuật cũng khó khi nhân lực thiếu, máy móc không có, cơ sở vật chất xuống cấp, mà nếu có thì cũng không có bệnh nhân...”, BS. Hồng trăn trở.

Bên cạnh đó, lãnh đạo nhiều cơ sở y tế cũng mong muốn khi BV đã tiến hành tự chủ toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên thì nên đồng thời tự chủ về nguồn nhân lực. Bởi tự chủ về nhân lực là yếu tố quan trọng giúp BV có thể tự chủ tài chính.

ThS. Thái Thị Xuân, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An:
Bệnh nhân là “khách hàng” đặc biệt
BV xác định thực hiện tự chủ là bước đột phá lớn nhằm nâng cao chất lượng mọi mặt, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân. BV đã có bước chuẩn bị nhất định như cải tạo cơ sở vật chất, mời chuyên gia đầu ngành về khám, chữa bệnh và chuyển giao kỹ thuật ngay tại BV. Hơn hết, người bệnh đến BV là “ân nhân” của chúng tôi. Vì vậy, tự chủ buộc chúng tôi phải luôn đổi mới, nâng cao chuyên môn, thay đổi cung cách phục vụ bệnh nhân và lề lối làm việc, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, chăm sóc khách hàng - bệnh nhân thật tốt.
BS. Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức:

Giám đốc BV phải là CEO như doanh nghiệp
Khi các BV công theo con đường tự chủ tài chính hoàn toàn, đòi hỏi người làm quản lý phải năng động hơn và phải am hiểu tài chính hơn. Đây cũng chính là cái khó, bởi không phải ai cũng có thể rành rẽ về tài chính. Thực tế, hiện đa số giám đốc BV thường xuất thân từ các bác sĩ giỏi chuyên môn và qua tự chủ, tự chịu trách nhiệm, người giám đốc sẽ trưởng thành hơn và tiến tới mô hình doanh nghiệp. Giám đốc BV như là CEO của doanh nghiệp. Và chúng tôi tự tin, phục vụ người bệnh tốt hơn.
BSCKI. Hà Duy Bình:
Giám đốc BVĐK huyện Bảo Thắng, Lào Cai:
BV tuyến huyện miền núi tự chủ còn khó khăn

Việc điều chỉnh viện phí theo Thông tư 37/2015 TTLT-BYT-BTC tiến tới tính đúng, tính đủ chi phí và các BV công phải tự chủ tài chính là tất nhiên. Thế nhưng, hiện vẫn còn phần lớn các BV yếu kém về cơ sở vật chất, chuyên môn, chưa thu hút được người bệnh nên khả năng tự chủ gặp rất nhiều khó khăn. Xã hội hóa trong BV cũng khó khăn nhất là ở tuyến huyện, đặc biệt là huyện miền núi, vì ở tuyến huyện các nhà đầu tư không mấy mặn mà. Mặt khác, BHYT ứng 80% kinh phí KCB của quý trước liền kề, số kinh phí này chỉ đủ chi trả tiền thuốc và các khoản chi thường xuyên điện, nước, vật tư... do đó đơn vị sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền lương cho cán bộ, nhân viên.

Tuệ Khanh
Ý kiến của bạn