Tự chủ tài chính giúp giảm hàng tỷ đồng ngân sách nhà nước cấp cho các bệnh viện

27-05-2019 10:14 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Liên quan đến phương thức quản lý, cơ chế tài chính cho các bệnh viện, Bộ Y tế cho biết, số lượng các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên ngày càng tăng, các đơn vị do ngân sách bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên (có nguồn thu

Phát huy tính năng động của các bệnh viện

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ Y tế cho biết, tính đến năm 2018, cả nước có khoảng 160 đơn vị đã tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, chiếm 7,6% tổng số đơn vị sự nghiệp (năm 2013 mới có 28 đơn vị chiếm 1,3% tổng số đơn vị).

Đối với 1.364 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên thì mức tự chủ cũng rất cao, nhiều đơn vị đã tự chủ được từ 80-90% nguồn tài chính.

Số thống kê chưa đầy đủ của 55 tỉnh/thành phố cho thấy, so với ngân sách cấp cho các bệnh viện năm 2016, năm 2017 giảm khoảng 5.738,7 tỷ đồng, năm 2018 giảm thêm 3.208 tỷ đồng. Các tỉnh, thành phố có số giảm nhiều như TP. Hồ Chí Minh giảm khoảng 1.320 tỷ đồng, TP. Hà Nội giảm 520 tỷ đồng, Thái Nguyên khoảng 340 tỷ đồng, Nghệ An khoảng 330 tỷ đồng, Hà Tĩnh 200 tỷ đồng, Bình Định 300 tỷ đồng...

Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế quản lý, tính đến năm 2018 có 24 đơn vị đã tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, chiếm 34,8% tổng số đơn vị sự nghiệp (năm 2013 mới có 6 đơn vị chiếm 10% tổng số đơn vị).

Đến năm 2019, chuyển thêm 4 đơn vị từ nhóm tự đảm bảo một phần chi thường xuyên sang nhóm tự đảm bảo chi thường xuyên, nâng tổng số đơn vị tự chủ thành 28 đơn vị. Số đối tượng hưởng lương từ ngân sách giảm 30.826 người (của 26 bệnh viện), tiền lương phải chi khoảng 2.900 tỷ đồng/năm.

Là một trong những đơn vị thực hiện tự chủ tài chính, GS.TS. Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, cơ chế tự chủ đã phát huy tính năng động của bệnh viện, khuyến khích và tạo điều kiện trong việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phát triển các hoạt động sự nghiệp, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến hiện đại, đồng thời tăng nguồn thu cho bệnh viện.

Đồng thời, Giám đốc Bệnh viện K cũng thẳng thắn nêu rõ, thực hiện tự chủ không có nghĩa là chạy theo lợi ích kinh doanh, tìm mọi cách tăng nguồn thu, điều quan trọng nhất là tạo uy tín để thu hút người dân, người bệnh đến với bệnh viện; xem người bệnh là trung tâm.

Các kiốt đánh giá sự hài lòng của người bệnh đã được áp dụng tại TP. HCM.

Các kiốt đánh giá sự hài lòng của người bệnh đã được áp dụng tại TP. HCM.

Gần 84% người bệnh hài lòng về dịch vụ y tế

Thực tiễn cho thấy, khi giao quyền tự chủ tài chính đòi hỏi các bệnh viện phải thay đổi tinh thần thái độ phục vụ tốt hơn, năng động hơn trong quản lý, chặt chẽ hơn trong tổ chức để đảm bảo nâng cao chất lượng bệnh viện.

Cũng trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Y tế thông tin, Bộ Y tế tiếp tục triển khai hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện đổi mới toàn diện ngành y tế, đặc biệt là đổi mới về thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, xây dựng cơ sở y tế “Xanh-sạch-đẹp”.

Theo đánh giá độc lập, đánh giá sự hài lòng người bệnh tại 53 bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện thuộc trường và bệnh viện tuyến tỉnh, năm 2018 có 83,7% người bệnh hài lòng về dịch vụ y tế.

Theo tuyến cung cấp dịch vụ, càng lên tuyến trên, tỷ lệ hài lòng của người sử dụng dịch vụ đối với các cơ sở y tế công lập càng cao (84,5%, đối với tuyến Trung ương, 83,3% đối với tuyến tỉnh) và đạt chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành y tế vào năm 2020 (mức >80%)”.

Về nội dung này, Bộ Y tế cũng thông tin thêm, Bộ Y tế tổ chức thí điểm chương trình khảo sát sự hài lòng của người bệnh qua điện thoại tại 60 bệnh viện trong 23 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kết quả cho thấy, sự hài lòng chung của người bệnh đối với dịch vụ khám, chữa bệnh đạt 80,8% (năm 2017 đạt 79,6%).


Thái Bình
Ý kiến của bạn