Tự chủ tài chính Bệnh viện: Cơ hội nhiều, thách thức cũng không ít

01-03-2018 15:17 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tài chính y tế theo hướng tự chủ là một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của ngành y tế Nghệ An để phù hợp với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng điều trị... Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện tự chủ về tài chính tại các bệnh viện đang gặp những khó khăn và thách thức.

Tăng tính chủ động và sự cạnh tranh lành mạnh

Nhằm tiến tới mục tiêu xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân, thời gian qua, hệ thống mạng lưới y tế Nghệ An đã được đầu tư, mở rộng. Ngành y tế Nghệ An hiện có 29 bệnh viện (12 bệnh viện tuyến tỉnh, 7 bệnh viện tuyến huyện, 10 bệnh viện tư nhân). Trung tâm có giường bệnh 16: (4 trung tâm tuyến tỉnh,  12 trung tâm tuyến huyện). Tổng số giường bệnh là 8.532 (trong đó 7.275 giường công lập, 1.127 giường tư nhân).

Ngoài ra còn có 4 bệnh viện bộ, ngành đóng trên địa bàn cũng tham gia khám chữa bệnh cho nhân dân (Bệnh viện Công an tỉnh; Bệnh viện Quân Y 4; Bệnh viện Giao thông 4; Bệnh viện Phong - Da liễu Quỳnh Lập).

Cùng với đó, chủ trương giao bệnh viện công tự chủ tài chính về chi thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh cũng đã được tỉnh Nghệ An thực hiện. Việc giao quyền tự chủ về tài chính đối với bệnh viện công lập nhằm tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, với việc tự chủ về tài chính, bệnh viện công lập sẽ phải tự cân đối thu chi để đảm bảo chi thường xuyên. Vì vậy, để “thu hút” bệnh nhân, cơ sở y tế phải có sự cải thiện về cách giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân và đưa ra chiến lược phát triển cụ thể. Còn về phía bệnh nhân sẽ có nhiều sự lựa chọn để tìm đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh tốt nhất. Bởi với việc thông tuyến khám chữa bệnh hiện nay, người dân có thể lựa chọn bất kỳ cơ sở nào mình cảm thấy tin tưởng nhất để điều trị.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm BVĐK TP Vinh một trong các đơn vị đã tự chủ tài chính của ngành y tế Nghệ An

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm BVĐK TP Vinh một trong các đơn vị đã tự chủ tài chính của ngành y tế Nghệ An. Ảnh: Từ Thành

Sau khi nghiên cứu Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về thực hiện cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập, cuối năm 2016, ngành y tế Nghệ An triển khai thực hiện và đã có 8 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên giai đoạn 2017-2019, bao gồm: Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam và Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh.

Ngay từ đầu tháng 1/2017, ngành y tế đã chỉ đạo quyết liệt 8 đơn vị trên xây dựng phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Các bệnh viện hoạt động theo loại hình Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên". Năm 2018, Sở Y tế đang trình UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt cho 8 đơn vị tiếp tục tự chủ hoàn toàn về kinh phí giai đoạn 2018 – 2020, đó là: Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương, Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Lộc, Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu, Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình và Ban quản lý dự án xây dựng các công trình y tế.

Lộ trình giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập được xem là động thái tích cực nhằm tăng tính chủ động và cạnh tranh giữa các cơ sở y tế trong công tác khám, chữa bệnh.

Cùng với đó, lộ trình tính giá viện phí theo Thông tư 37/2015 của liên Bộ Y tế - Tài chính được áp dụng thì nguồn thu đủ cho chi thường xuyên và tích lũy cho đầu tư phát triển, nhờ đó các đơn vị chủ động trong việc nâng cao chất lượng điều trị và phát huy tiềm năng sẵn có, giảm gánh nặng đầu tư của Nhà nước.

Hướng đi đúng

Sau thời gian nỗ lực triển khai thực hiện phương án tự chủ của các bệnh viện về cơ bản đã có những chuyển biến, khởi sắc "thay da, đổi thịt" một cách rõ rệt, được cán bộ, nhân dân ghi nhận, đồng tình đánh giá cao. Các bệnh viện đã chủ động trong việc xây dựng chỉ tiêu kế hoạch và triển khai thực hiện nhiệm vụ. Công tác tổ chức nhân sự, bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả cao, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Cũng như triển khai các giải pháp nhằm tăng nguồn thu một cách chính đáng, thực hiện phân bổ nguồn tài chính hợp lý.

Bên cạnh đó, còn có sự thay đổi tích cực về tinh thần, thái độ làm việc và phục vụ bệnh nhân của cán bộ công nhân viên; cải thiện về cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ  khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của bệnh nhân, chấp hành tốt các quy định quản lý Nhà nước đối với đơn vị tự chủ. Các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra đều đạt và vượt so với cùng kỳ năm trước.

Với việc thực hiện tự chủ về tài chính, các bệnh viện đã đa dạng hóa các hoạt động sự nghiệp, chủ động phối hợp với các bệnh viện tuyến trung ương trong triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu thông qua các hoạt động của Đề án 1816, đề án bệnh viện vệ tinh.

Nhiều tiến bộ khoa học mới được nghiên cứu ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn, từ đó các bệnh viện đã phát triển các kỹ thuật tiên tiến như: Ghép thận, phẫu thuật thần kinh sọ não, can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim hở, phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần, hệ thống các xét nghiệm mới như: Định nhóm máu ABO, RD, nghiệm pháp Coombs, HPV Real-time PCR, Rotavirus Ag test nhanh kỹ thuật chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, lọc máu liên tục, sử dụng robot định vị Maxio hỗ trợ trong điều trị ung thư phổi bằng sóng cao tần, bốc hơi tuyến tiền liệt bằng Laser. Đặc biệt là đã thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm IVF, trong thời gian tới sẽ phấn đấu tiến tới triển khai kỹ thuật xạ trị trong điều trị ung thư và kỹ thuật ghép tạng...

Gỡ nút thắt

Bên cạnh những thuận lợi thì các đơn vị tự chủ đang còn  gặp một số bất cập, khó khăn, vướng mắc như: Các văn bản hướng dẫn của các Bộ, Ngành trung ương hiện nay chưa ban hành hướng dẫn chi tiết, đồng bộ về thực hiện cơ chế tự chủ đối với ngành y tế. Chính sách BHYT còn nhiều bất cập. Số lượng bệnh nhân tăng nhanh nên việc bố trí điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực chưa thật sự đáp ứng được với yêu cầu. Khuôn viên một số bệnh viện còn chật hẹp so với yêu cầu của phát triển. Hệ thống xử lý nước thải một số bệnh viện sử dụng lâu năm đã xuống cấp. Lãnh đạo một số bệnh viện còn gặp một số khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện phương án tự chủ.v.v...

Không những thế, nguồn kinh phí hoạt động của các bệnh viện chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Từ đó, khó khăn trong thanh toán tiền khám, chữa bệnh từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thực hiện tự chủ tại các bệnh viện chưa thể đạt được hiệu quả như mong muốn.

Việc quyết toán và thanh toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội chậm, không kịp thời cho các cơ sở khám chữa bệnh, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc chi tiêu của đơn vị, nhất là chi trả tiền lương cho cán bộ công nhân viên và trả nợ tiền thuốc, vật tư tiêu hao của các nhà thầu, một số đơn vị sự nghiệp y tế  thuộc nhóm III và nhóm IV chưa được cấp có thẩm quyền giao quyền tự chủ. Còn tồn tại tình trạng chung đó là thiếu nguồn nhân lực trầm trọng; việc hỗ trợ kinh phí ban đầu cho các đơn vị thực hiện tự chủ tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên…

Trong những năm tiếp theo, để ngành y tế Nghệ An phát triển và đạt những kết quả cao hơn nữa, bên cạnh các mặt thuận lợi, ngành còn phải tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, với quyết tâm tiếp tục xây dựng hệ thống y tế từng bước hoàn chỉnh và đồng bộ từ tuyến tỉnh đến cơ sở, ngành y tế tỉnh nhà sẽ cố gắng phấn đấu nỗ lực thực hiện nâng cao chất lượng theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe.


TS.BS. Dương Đình Chỉnh, Quyền giám đốc Sở Y tế Nghệ An
Ý kiến của bạn