Tự chủ tại bệnh viện công: Chất lượng tốt hơn nhưng vẫn còn nhiều cái khó

04-10-2019 14:53 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 3/10, trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 15, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức Phiên giải trình về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện (BV) công lập.

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, cơ chế tự chủ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị công lập với nhau, tạo động lực để sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, không ỉ lại trông chờ vào ngân sách... Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế cũng thẳng thắn cho hay, cơ chế tự chủ tại các BV công hiện nay vẫn gặp không ít khó khăn cần sớm được tháo gỡ...

Cơ chế tự chủ BV tạo động lực để nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đến nay 100% số BV, trung tâm y tế huyện đã được giao quyền tự chủ. Tính đến năm 2018, cả nước có 215 BV đã tự đảm bảo chi thường xuyên. Đối với các BV do Bộ Y tế quản lý, đến năm 2018 có 26/45 BV đã tự chủ chi thường xuyên.

Để thực hiện tự chủ, nhiều BV đã vay ngân hàng, mở rộng hợp tác, đầu tư trang thiết bị để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người bệnh, phần lớn các BV đã không phải nằm ghép. Các BV tự chủ cũng tiết kiệm chi tiêu, tăng nguồn thu, tăng thu nhập cho cán bộ, bác sĩ, nhân viên...

Tự chủ tại bệnh viện côngBộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại phiên giải trình. Ảnh: Quốc hội

“Phục vụ con người là mục tiêu cao nhất. Cái được nhất là chỉ số hài lòng của bệnh nhân. Khảo sát cho thấy mức độ hài lòng người bệnh nội trú hơn 80% đối với các BV tự chủ, đây là con số vượt cả mong đợi. Cơ chế tự chủ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị công lập với nhau, tạo động lực để sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, không ỉ lại trông chờ vào ngân sách”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, tự chủ có tồn tại, bất cập là chưa làm rõ và giao cụ thể các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao và hoạt động dịch vụ theo yêu cầu để hạn chế việc chạy theo, ưu tiên các hoạt động để tăng nguồn thu. Hay tình trạng chênh lệch thu nhập, chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là người có trình độ cao về làm việc tại các BV, cơ sở y tế vùng khó khăn.

Khó khăn nữa trong thực hiện tự chủ, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực của các bệnh viện có sự chênh lệch khá lớn giữa các tỉnh, thành phố và giữa các tuyến. Nhiều BV/trung tâm y tế huyện, BV y học cổ truyền, BV điều dưỡng phục hồi chức năng... cung ứng được ít dịch vụ, có nguồn thu thấp, thu không đủ chi nhưng vẫn phân loại và giao là đơn vị tự bảo đảm được chi thường xuyên nên rất khó khăn trong việc bảo đảm nguồn tài chính cho các hoạt động.

Mong muốn các địa phương để BV tự chủ hoàn toàn được quyền tuyển chọn, bổ nhiệm nhân sự

Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu quốc hội đã đưa ra các vấn đề quan tâm như Bộ Nội vụ sẽ có chính sách gì để giữ chân đội ngũ y bác sĩ giỏi ở lại bệnh viện công lập? Hay giao quyền tự chủ nhưng các bệnh viện không được tự quyết, mọi chuyện đều phải xin ý kiến?

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) cũng cho hay, việc giảm biên chế, tự chủ tài chính khiến nhân viên y tế không còn trong biên chế nhà nước mà do bệnh viện mà tự trả lương.

Mặc dù vậy, theo luật hiện hành, bệnh viện không thể bổ nhiệm cán bộ nếu đó không phải là công chức, viên chức. “Giải pháp các Bộ đưa ra để giải quyết là gì?”.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận tình trạng do vướng nhiều quy định, có bác sĩ giỏi nhưng không được bổ nhiệm vị trí cao hơn, dẫn đến tâm lý, chuyển sang làm tư nhân.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã phân cấp, giao cho đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư được quyết định đề án vị trí việc làm, quyết định số lượng người làm việc, tuyển dụng. Tuy nhiên, một số nơi, UBND hoặc Sở Y tế vẫn là nơi quyết định việc bổ nhiệm các chức danh trưởng, phó khoa, phòng của bệnh viện. “Chúng tôi mong muốn các địa phương hãy để BV tự chủ hoàn toàn được quyền tuyển chọn, bổ nhiệm nhân sự”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Tinh giản biên chế nhân lực y tế: Cứ 5 năm giảm 10% có phù hợp?

Việc tinh giản biên chế nhân lực ngành y cũng là bức xúc một số đại biểu yêu cầu giải trình. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu TW) không đồng tình việc tinh giản biên chế nhân viên y tế ở một số địa phương. Giảm biên chế 10% là giảm số người ăn lương nhà nước, còn người làm việc phải tăng. Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương không “nhăm nhăm tinh giảm cán bộ y tế” vì công việc nhiều, bệnh nhân ngày càng đông.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nêu thực trạng các đơn vị thuộc nhóm 3 - tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, nhiều đơn vị đã bảo đảm 80-90%, ngân sách nhà nước cấp chỉ 10-20%, tức là ngân sách không chi tiền lương cho toàn bộ số lượng người làm việc của đơn vị.

Tuy nhiên, nhiều địa phương coi toàn bộ số lượng người làm việc tại các đơn vị này là số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước nên yêu cầu các đơn vị phải giảm số lượng người làm việc theo Nghị quyết số 19 (cứ 5 năm giảm 10%) là chưa phù hợp. Điều này dẫn đến nhiều bệnh viện, trung tâm y tế có nhu cầu tăng thêm số lượng người làm việc để phát triển dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, có nguồn thu để trả lương mà vẫn không được tuyển dụng thêm.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Bộ Nội vụ đang trình Chính phủ quy định những nơi có áp lực y tế lớn có thể tăng nhân sự. Đồng thời cho biết, Bộ sắp trình Chính phủ quy định đãi ngộ, trọng dụng nhân tài. Khi đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp các bộ ngành quy định các đơn vị tự chủ được phép trả lương trên cơ sở hiệu quả công việc, đồng thời có đãi ngộ tốt để giữ chân cán bộ y tế.

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn