Tự chủ đào tạo trong các trường đại học công lập: Kẽ hở từ vụ Đại học Đông Đô

08-09-2019 08:24 | Thời sự
google news

SKĐS - Đổi mới cơ chế quản lý theo hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị giáo dục đại học công lập là phù hợp với chủ trương, đường lối mở cửa hội nhập của Đảng và Nhà nước ta.

Thời gian qua, việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học đã được triển khai thí điểm và có những kết quả ban đầu. Một trong những nội dung của tự chủ đại học đó là tự chủ đào tạo. Tuy nhiên, sau vụ việc Đại học Đông Đô đào tạo chui hàng trăm văn bằng 2 tiếng Anh, cho thấy những kẽ hở trong tự chủ đào tạo không phải là nhỏ.

Tự chủ của trường đại học có thể khái quát là khả năng các trường đại học được hoạt động theo cách thức mà mình lựa chọn để đạt được sứ mệnh về mục tiêu do trường đặt ra. Theo Luật Giáo dục đại học, tự chủ đại học bao gồm tự chủ về tổ chức bộ máy - nhân sự, tài sản - tài chính và chuyên môn học thuật. Cho đến nay, các cơ sở giáo dục đại học đã chủ động hơn trong vấn đề này và quyền tự chủ đã mang đến những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và tổ chức thực hiện. Tự chủ về tuyển sinh và đào tạo là các trường đại học được quyền quyết định các hình thức và số lượng tuyển sinh phù hợp với điều kiện của trường và quy định của Nhà nước; mở các ngành đào tạo đại học và chuyên ngành đào tạo sau đại học đã có trong danh mục ngành đào tạo của Nhà nước. Hoạt động đào tạo gồm các nội dung như: tuyển sinh; ngành đào tạo; chương trình, giáo trình đào tạo; phương pháp giảng dạy... Các trường tự quyết định chỉ tiêu đào tạo, báo cáo Bộ GD&ĐT và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để xã hội cùng giám sát chất lượng đào tạo.

Vậy dư luận băn khoăn là kẽ hở đến từ đâu mà Trường đại học Đông Đô có thể đào tạo chui và cấp hàng trăm văn bằng 2 tiếng Anh được như vậy? Qua tìm hiểu cho thấy, quy định của Thông tư 19/2015/TT-BGDĐT cho thấy hằng năm, các cơ sở giáo dục đại học phải báo cáo Bộ GD&ĐT những nội dung sau: Tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của năm có người học được cấp văn bằng, chứng chỉ; số lượng thí sinh trúng tuyển và đã nhập học so với chỉ tiêu của năm đã được thông báo; số lượng người học đã tốt nghiệp so với số lượng thí sinh trúng tuyển và đã nhập học; số lượng phôi văn bằng, chứng chỉ đã in; số lượng phôi văn bằng, chứng chỉ đã sử dụng. Quy chế cũng quy định trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho người học.

Ngay cả với các cơ sở giáo dục đại học tự in phôi văn bằng, chứng chỉ thì vẫn phải có trách nhiệm báo cáo Bộ GD&ĐT và cơ quan trực tiếp quản lý quá trình thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh, in phôi, sử dụng phôi văn bằng, chứng chỉ, đồng thời công bố công khai trên trang thông tin điện tử báo cáo của cơ sở giáo dục.

Như vậy, quy trình cấp và quản lý phôi bằng đã rõ. Nhưng nhìn vào vụ việc tại Trường đại học Đông Đô, câu hỏi đặt ra là, cơ sở này dù không được đào tạo văn bằng 2 cử nhân ngành ngôn ngữ Anh nhưng vẫn được cấp phôi với số lượng khá lớn, vậy ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này? Phải chăng kẽ hở xuất hiện từ chính quy trình này? Trong khi số người được Trường đại học Đông Đô chiêu sinh, đào tạo chui lên đến hàng trăm người, vậy chức năng kiểm tra, giám sát quản lý của Bộ GD&ĐT đến đâu? Việc cấp phôi cho cơ sở này dựa trên cơ sở, tiêu chí nào?

Xảy ra sự việc như ở Đại học Đông Đô trước hết bởi các cá nhân ở Đông Đô. Họ chưa được phép mà đào tạo là sai phạm. Nhưng sai phạm lớn nhất nằm ở chỗ họ không đào tạo và đào tạo ẩu để bán bằng nhằm trục lợi. Sai phạm đó để lại hậu quả về mặt xã hội rất lớn.

Ngoài ra, về phía quản lý nhà nước, có thể các quy định chưa lường hết những tình huống có thể xảy ra trong thực tế, trong xây dựng chính sách chưa kín kẽ, trong phối hợp hoạt động quản lý chưa chặt chẽ, dẫn đến các kẽ hở để một số người có thể lợi dụng... Câu chuyện vừa qua cũng đặt ra vấn đề quản lý, giám sát các trường tự chủ đào tạo trong thời gian tới khi mà các khâu này là hậu kiểm. Nếu các trường cố tình làm sai nhưng cơ quan quản lý không giám sát được thì hậu quả sẽ khó lường. Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là bước đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường, không nên vì có đơn vị sai phạm mà quay trở lại cơ chế cũ. Để cơ chế hậu kiểm phát huy hiệu quả, cơ quan quản lý cần coi công tác thanh tra, kiểm tra quan trọng không kém công tác xây dựng và ban hành chính sách. Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ cơ chế công khai của các trường theo đúng quy định.


HỒNG LIÊN
Ý kiến của bạn