Tự chủ bệnh viện ở Nghệ An (1): Gánh nặng ngân sách giảm cả ngàn tỷ đồngSKĐS - Tự chủ tài chính bệnh viện là một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của ngành y tế. Tuy nhiên, để có thể đứng vững trong cơ chế tự chủ tài chính, nhiều bệnh viện ở Nghệ An đang phải đứng trước nhiều thách thức không nhỏ.
Nhiều vướng mắc
Sở Y tế Nghệ An cho biết, qua đánh giá kết quả sau 7 năm chuyển đổi cơ chế hoạt động từ ngân sách sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên đã giúp một số bệnh viện công lập phát triển khá toàn diện về mọi mặt cả về chuyên môn kỹ thuật lẫn cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.
Tuy nhiên, ngược lại, không ít bệnh viện gặp khó khăn ảnh hưởng đến sự phát triển, nhất là khó khăn trong cân đối chênh lệch thu chi ảnh hưởng đến phát triển chuyên môn kỹ thuật, cơ sở hạ tầng. Cụ thể, một số cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư do khả năng thu thấp, chủ yếu thu từ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Khó nhất là tuyển dụng nhân lực còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao. Số lượng người làm việc chưa đảm bảo so với nhu cầu tại các đơn vị tự chủ tài chính nhóm 3 (đơn vị tự chủ tài chính với mức tự bảo đảm một phần chi thường xuyên), nhóm 4 (nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên).
Nguồn kinh phí của đơn vị còn hạn hẹp, đặc biệt là đối với các đơn vị tự chủ tài chính nhóm 3, nhóm 4. Vì vậy không có nguồn kinh phí để đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất và không đảm bảo thu nhập chính đáng của nhân viên y tế, từ đó khó giữ chân các thầy thuốc giỏi, hiện tượng nhân viên y tế công lập nghỉ việc...
Câu chuyện "giữ chân" người lao động có trình độ và kinh nghiệm tại các bệnh viện công thời gian qua vẫn luôn là "bài toán khó". Được biết, mặc dù là đơn vị tự chủ tài chính nhưng các bệnh viện vẫn phải trả lương theo bậc lương quy định của Nhà nước mà không có cơ chế để trả lương riêng cho các bác sĩ giỏi, thu hút nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, các cơ sở y tế ngoài công lập sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao.
Ngoài ra, phát triển kỹ thuật mới, cao tại một số bệnh viện chưa tương xứng với nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Tình trạng quá tải còn xảy ra tại các bệnh viện, nhất là ở tuyến tỉnh. Một số bệnh viện có khuôn viên, cơ sở hạ tầng còn chật hẹp, xuống cấp ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.
Việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện, đặc biệt là ở khu vực miền núi và các bệnh viện chuyên khoa, vẫn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Chẳng hạn, Trung tâm Y tế Kỳ Sơn với gần 200 cán bộ nhưng mỗi ngày chỉ tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân. Với mức sống thấp và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế hạn chế, đơn vị không có nguồn thu, trong khi các chi phí vẫn phải duy trì, dẫn đến khó khăn trong việc chi trả lương cho nhân viên. Nguyên nhân chủ yếu là do việc đánh giá và phân loại mức độ tự chủ chưa phù hợp. Việc giải quyết sự việc chưa phù hợp này lại không dễ dàng gì khi vướng các quy định không cho phép "xuống" nhóm tự chủ.
Cần tháo gỡ
Việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập vẫn còn nhiều ràng buộc, chưa thực sự "cởi trói". Các vấn đề liên quan đến bộ máy, nhân sự, biên chế và bố trí cán bộ vẫn gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, mặc dù các bệnh viện được giao tự chủ về nhân lực, nhưng lại phải chịu áp lực giảm biên chế. Tự chủ tài chính nhưng việc mua sắm trang thiết bị lại phải chờ phê duyệt qua nhiều cấp.
Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Vinh, ông Nguyễn Hồng Trường, giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ chi phí, trong khi các bệnh viện phải tự chủ kinh phí chi thường xuyên. "Thêm vào đó, sự thiếu thống nhất trong thanh, quyết toán bảo hiểm y tế dẫn đến tình trạng vượt quỹ, vượt trần, và xuất toán. Những vấn đề này gây khó khăn trong việc cân đối thu chi, ảnh hưởng đến khả năng duy trì hoạt động và tái đầu tư của các bệnh viện", ông Trường cho biết.
Ngoài ra, nhiều bệnh viện có cơ sở vật chất đã được xây dựng từ lâu, hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng, trong khi các đơn vị lại thiếu kinh phí để đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Một số địa phương dù có nguồn lực đầu tư nhưng lại gặp vướng mắc do các quy định trong nghị quyết phân cấp nguồn thu ngân sách Nhà nước và nhiệm vụ chi ngân sách địa phương, khiến việc đầu tư trở nên khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho biết, việc giao dự kiến chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện vẫn chưa hợp lý. Cụ thể, năm 2024, đơn vị được giao dự toán chi tiêu thấp, chỉ bằng mức của năm 2023, trong khi mức lương cơ sở đã tăng từ 8 -10% theo Nghị định số 73/2024/CP.
"Quy định mức thu viện phí và bảo hiểm y tế giữa các đơn vị tự chủ nhóm 1 và nhóm 2, nhóm 3 không có sự phân biệt rõ ràng. Việc xác định sự chênh lệch thu - chi giữa các đơn vị tự chủ nhóm 2, 3 so với nhóm 1 còn chưa bình đẳng", ông Trường chia sẻ.
Về những vấn đề này, bà Lê Thị Hoài Chung, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết đã kiến nghị Bộ Tài Chính tham mưu Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, trao quyền tự chủ cho các đơn vị y tế. Sở cũng đề nghị Bộ Y tế sửa đổi hoặc thay thế các văn bản không còn phù hợp và kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm giải quyết vấn đề kinh phí vượt trần, vượt dự toán của quỹ bảo hiểm y tế cho các đơn vị khám chữa bệnh, đồng thời đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện việc tính đúng, tính đủ chi phí giá dịch vụ y tế.
"Ngành Y tế đề xuất HĐND và UBND tỉnh có chính sách không giảm biên chế sự nghiệp, cho phép nâng định mức số lượng nhân viên tối thiểu tại các trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã. Đồng thời, cần xem xét rà soát, sửa đổi các chính sách đãi ngộ, thu hút và hỗ trợ đào tạo cho cán bộ y tế, đặc biệt là đối với những người có chuyên môn cao làm việc lâu dài tại các cơ sở y tế. Kiến nghị tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho y tế, ưu tiên cho các bệnh viện có cơ sở hạ tầng chật hẹp và xuống cấp", bà Lê Thị Hoài Chung nói.