Tự chủ bệnh viện: Nếu không đi thì sẽ không bao giờ đến!

14-06-2019 07:39 | Thời sự
google news

SKĐS -Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng người bệnh; Bệnh viện xanh - sạch - đẹp; Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh;

Đổi mới cơ chế tài chính - BHYT do Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai và Câu lạc bộ Giám đốc Bệnh viện khu vực phía Bắc tổ chức tại Hà Nội vừa qua, báo cáo của BSCKII. Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc BV Mắt tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về công tác tự chủ tài chính trong bệnh viện đã thu hút được sự chú ý của lãnh đạo Bộ Y tế và các đại biểu tham dự. Bởi lẽ, tự chủ tài chính hiện đang là vấn đề “rất nóng” được sự quan tâm của các bệnh viện.

Bệnh viện Mắt Bà Rịa - Vũng Tàu, là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh hạng II, được giao quyền tự chủ từ năm 2017. Qua hơn 2 năm thực hiện tự chủ, bệnh viện đã có sự “lột xác” mạnh mẽ, thu hút được người bệnh đến khám và điều trị, đời sống của cán bộ y tế được nâng cao. Bên hành lang hội nghị, BSCKII. Nguyễn Viết Giáp đã trả lời phỏng vấn báo SK&ĐS.

Tự chủ bệnh việnBSCKII. Nguyễn Viết Giáp.

PV: Thưa ông, vì sao ông và cán bộ bệnh viện “hào hứng” đối với tự chủ bệnh viện như vậy?

BSCKII. Nguyễn Viết Giáp: Bệnh viện chúng tôi được UBND tỉnh giao quyền tự chủ hoàn toàn kinh phí hoạt động thường xuyên, bao gồm: tiền lương và các khoản phụ cấp, kinh phí hoạt động, sửa chữa cơ sở vật chất, đầu tư mua sắm một số trang thiết bị mới... bắt đầu từ đầu năm 2017 và đặc biệt được chủ động xây dựng đề án vị trí việc làm và quyết định số người làm việc. Qua hơn 2 năm, thực hiện tự chủ, chúng tôi như được “thoát” khỏi bộ quần áo đã cũ để khoác lên mình tấm áo mới, tự tin hơn, bản lĩnh hơn và cạnh tranh phát triển lành mạnh... từ đó người bệnh là những người được hưởng lợi nhiều nhất.

Với quyền tự chủ tài chính, cùng với sự sáng tạo và nỗ lực của cả tập thể, Bệnh viện Mắt Bà Rịa  - Vũng Tàu đã có nhiều bứt phá để phát triển và cung cấp những dịch vụ y tế chất lượng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và bảo đảm cân đối nguồn thu chi tài chính, nâng cao đời sống nhân viên y tế.

Bệnh viện đã chủ động thu hút nguồn nhân lực, kiện toàn bộ máy tổ chức, đầu tư các trang thiết bị hiện đại, nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị, tăng cường liên kết với các bệnh viện tuyến trên, các chuyên gia đầu ngành để bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ y bác sĩ, thực hiện chuyển giao nhiều kỹ thuật hiện đại như: chụp cắt lớp võng mạc OCT, chụp mạch huỳnh quang, laser quang đông và laser YAG, tiêm nội nhãn, phẫu thuật tiếp khẩu túi lệ mũi, đặt van điều trị Glaucoma... Ngoài ra, để quảng bá hình ảnh và đổi mới phong cách phục vụ người bệnh, bệnh viện đã thành lập Phòng công tác xã hội, bố trí nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên truyền thông... nhờ đó, số lượng người bệnh đến khám chữa bệnh tại bệnh viện ngày càng tăng. Năm 2018, có gần 75.000 lượt người bệnh đến khám ngoại trú, tăng khoảng 10.000 lượt so với năm 2017, số bệnh nhân điều trị nội trú tăng hơn 36%, số ca phẫu thuật tăng 29%.

Nhờ tự chủ tài chính hiệu quả, nguồn thu của bệnh viện cũng từng bước tăng lên, góp phần cải thiện đời sống cho đội ngũ nhân viên y tế. Hiện nay, thu nhập bình quân của khối bác sĩ đạt gần 17 triệu đồng/người/tháng; khối điều dưỡng gần 11 triệu đồng/người/tháng; khối hành chính đạt hơn 7 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập của mỗi người tăng khoảng 2 triệu đồng so với trước đây. Tiếp tục thực hiện lộ trình tự chủ tài chính, trong năm 2019, chúng tôi đã, đang triển khai một số dịch vụ xã hội hóa, phòng khám theo yêu cầu, dịch vụ điều trị chất lượng cao...

Thưa ông, chắc chắn tự chủ hoàn toàn, không có nghĩa là “con đường trải toàn hoa hồng”?

“Không trải hoa hồng” không có nghĩa là chúng ta không đi. Tôi rất tâm đắc câu nói của đồng chí Bộ trưởng: “Nếu ta không đi thì sẽ không bao giờ đến”. Tự chủ tài chính chính là “cú hích” để bệnh viện cải tiến và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng cường giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế để hài lòng người bệnh và đảm bảo nguồn tài chính cho các hoạt động, nâng cao đời sống cho cán bộ viên chức và người lao động.

Tuy nhiên, vẫn còn một số “rào cản” khi triển khai thực hiện, nhất là chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể về cơ chế tự chủ tài chính đặc thù của ngành y tế, vì vậy chưa thể phát huy hết những cơ hội và thế mạnh của mình. Bên cạnh đó, một số yếu tố liên quan trong hành lang pháp lý cho việc thực quyền tự chủ như xác định quyền sử dụng đất để làm cơ sở xây dựng đề án sử dụng tài sản công thực hiện dịch vụ xã hội hóa, liên danh liên kết, mua sắm, sửa chữa... vẫn là những vướng mắc cần được tháo gỡ để các bệnh viện chủ động thực hiện quyền tự chủ theo quy định của pháp luật.

Đối với cơ sở y tế, để tự chủ tài chính thành công, cần phải tăng cường nhận thức, thay đổi thái độ và cởi bỏ sức ì trong mỗi cán bộ, nhân viên y tế. Để làm được điều này, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, truyền thông, tiếp cận từ nhiều góc độ, để mỗi cán bộ, nhân viên hiểu và nhận thức đầy đủ về sự cần thiết cũng như vai trò của tự chủ tài chính trong hoạt động bệnh viện, từ đó hăng say và có trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới phong cách thái độ phục vụ để tăng cường sự hài lòng người bệnh và sự hài lòng của chính mình.

Trân trọng cảm ơn ông!


Bảo Thy (thực hiện)
Ý kiến của bạn