Tự chọn cho mình con đường nghiệt ngã!

23-06-2012 13:12 | Văn hóa – Giải trí
google news

“Nhà báo mà không có một tâm hồn nồng ấm, một trái tim dễ xúc động thì chẳng bao giờ có được một bài báo ra hồn và nhà thơ cũng vậy, nếu không có một trí tuệ tỉnh táo thì cũng chẳng bao giờ có một tác phẩm đúng nghĩa chứ đừng nói là lay động lòng người”.

(SKDS) –  “Nhà báo mà không có một tâm hồn nồng ấm, một trái tim dễ xúc động thì chẳng bao giờ có được một bài báo ra hồn và nhà thơ cũng vậy, nếu không có một trí tuệ tỉnh táo thì cũng chẳng bao giờ có một tác phẩm đúng nghĩa chứ đừng nói là lay động lòng người”. Ðó là tâm sự của nhà báo, nhà thơ Bùi Hoàng Tám (Thư ký tòa soạn báo Khuyến học & Dân trí, nhân Ngày Báo chí Cách mạng VN (21/6/2012).

Nghề báo – Nghề nghiệt ngã!

Có một câu hỏi quen thuộc, cơ duyên nào đưa anh đến với nghề báo?

Tôi vào nghề báo khá muộn, khi đã trải qua 7 nghề đủ để… “thất nghiệp”. Tôi đi bộ đội, làm công nhân xây dựng, thợ cắt tóc, thợ nhuộm, thợ làm kem que, bán hàng ăn uống và đến giờ thì đang làm nghề báo. Do những điều kiện riêng, mãi đến đầu năm 1998, khi đã ở vào tuổi “tứ thập bất hoặc” (40 tuổi), tôi lên Hà Nội với tấm bằng Bổ túc văn hóa lớp 10 và 2,5 triệu đồng giắt túi để theo học Khoa Báo chí, ĐH KHXH&NV. Rất may là trước khi nhập học, tôi đã cộng tác với báo Nhà báo & Công luận nên được TBT Nguyễn Thị Vân Anh nhận vào làm hợp đồng với mức lương 500 ngàn đồng/tháng.

Anh làm nghề báo nhưng nhiều người lại biết đến anh với tư cách một nhà thơ. Vậy có thể gọi anh là nhà thơ hay nhà báo?

Khi làm thơ, tôi muốn tôi là nhà báo còn khi viết báo, tôi muốn tôi là nhà thơ.

Điều này dường như có vẻ mâu thuẫn?

Bởi khi làm thơ, tôi thèm khát cái ngồn ngộn đời sống xã hội của báo chí và khi viết báo, tôi muốn có sự cháy bỏng của nhà thơ.

Anh quan niệm như thế nào về nghề báo?

Tôi thấy mỗi người có quan niệm khác nhau và đã có cả bộ phim Nghề nguy hiểm nói về nghề này. Nhưng tôi thấy nhận xét của nhà văn Nguyễn Uyển là gần với chân lý khi ông cho rằng nghề báo là “nghề nghiệt ngã”. Vì vậy, ai chọn nghề này cũng là tự chọn cho mình một con đường nghiệt ngã.

Nhà văn Nguyễn Uyển và anh liệu có… quá lời?

Tôi nghĩ là không bởi nó nghiệt ngã thật sự. Nó đòi hỏi con người ta phải hết lòng, hết sức, hết tâm, hết lực với nó mà chưa chắc đã có thành công.

 Nhà báo, nhà thơ Bùi Hoàng Tám.

Nhiều nhà thơ là nhà quản lý báo chí giỏi

Trong giới báo chí Việt Nam có câu: “Phi văn bất thành báo”. Anh nghĩ gì về nhận định này?

Những năm đầu thế kỉ XX, hầu hết các nhà báo đồng thời cũng là nhà thơ, nhà văn và ngược lại. Dù là nhà nho tài tử Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu hay các nhà văn, nhà thơ nhóm Tự lực Văn đoàn cũng đồng thời là nhà báo, rồi các nhà phóng sự tài ba Vũ Trọng Phụng cũng là nhà văn. Gần đây, hàng loạt các nhà thơ còn là những nhà quản lý báo chí giỏi ở các tờ báo không liên quan nhiều đến văn chương. Họ không chỉ là nhà thơ, nhà văn có thành tựu mà họ còn là một nhà quản lý báo chí giỏi. Vì vậy, sự phân tách giữa nhà thơ và nhà báo trong chừng mực nào đó theo tôi chỉ là quan niệm thôi.

Nghĩa là theo anh, các nhà thơ thường thành đạt trên con đường báo chí. Tại sao vậy?

Theo tôi, có lẽ nhà thơ vốn nhạy cảm với đời sống xã hội, hòa đồng với nhân dân nên nắm bắt được hồn cốt dân tộc, xu hướng của thời đại… Do đó, những tác phẩm của họ thường có tính dự báo cao. Mặt khác, các nhà thơ thường có vốn ngôn ngữ phong phú, giàu hình ảnh nên những điều họ trình bày thuyết phục, dễ lay động lòng người…

“Sốc” vì một giải… khuyến khích!

14 năm làm báo, 15 giải thưởng báo chí các loại, có vẻ tử vi anh có sao hóa khoa. Anh nghĩ gì về các giải thưởng?

Giải thưởng ư? Về lý thuyết, nó là các tác phẩm giành được nhiều phiếu nhất của một ban giám khảo cụ thể. Vì vậy, nói rằng nó không là gì thì có lẽ cũng không thỏa đáng mà nói nó là cái gì ghê gớm lắm thì cũng không chính xác. Nhất là đối với báo chí, một lĩnh vực luôn luôn có sự thay đổi theo những diễn biến của đời sống xã hội. Vì vậy, tôi nghĩ giải thưởng là sự tôn vinh của một cuộc thi hay một tổ chức đối với một tác phẩm tại thời điểm đó.  

Vậy trong các giải thưởng của mình, giải thưởng nào anh thích nhất?

Có một giải thưởng tôi không chỉ thích mà là rất thích. Đó là Giải khuyến khích Báo chí toàn quốc năm 2004 (nay là Giải báo chí Quốc gia). Khi đó, là Thư ký tòa soạn báo Gia đình & Xã hội, tôi đã viết về một đề tài phải nói là rất “xương” và nhạy cảm. Đó là bài báo bàn về công tác cán bộ của Đảng. Chả là dạo đó, một loạt các cán bộ cao cấp thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư vi phạm pháp luật. Trong đó, có nhiều vị là Bộ trưởng, Thứ trưởng và cấp tương đương. Về phía Đảng, có cả một số vị là Ủy viên Trung ương, mà toàn là những vi phạm nghiêm trọng như liên quan đến vụ Lã Thị Kim Oanh, trùm xã hội đen Năm Cam, PMU 18 và cả tội hiếp dâm trẻ em. Điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi về công tác tổ chức của Đảng mà cụ thể là ở các khâu đào tạo – bồi dưỡng, đề bạt – cất nhắc, quản lý – giám sát…

Một bài học về nghề

Đúng là một đề tài “khủng”. Làm thế nào mà anh lại có thể “động” đến một vấn đề lớn như thế?

Trước hết, những điều đó là có thật và những bức xúc đó cũng có thật. Tuy nhiên, để đến được với sự thật, tôi cũng phải rất kỳ công. Tôi đã phỏng vấn gần một chục vị lãnh đạo và nhân sĩ trí thức có uy tín. Về phía Đảng, tôi phỏng vấn Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng. Về Chính phủ, tôi phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung. Về phía Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi phỏng vấn Chủ tịch Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Thường trực Thường vụ Bộ Chính trị. Về phía Quốc hội, tôi phỏng vấn Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu. Tổng Liên đoàn Lao động, tôi phỏng vấn Chủ tịch Cù Thị Hậu. Về phía tướng lĩnh quân đội, tôi phỏng vấn Thượng tướng, GS. Hoàng Minh Thảo. Hội Người cao tuổi, tôi phỏng vấn Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký – ĐBQH Đỗ Trọng Ngoạn, rồi nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc…

Anh mất bao lâu để “đến được với sự thật”?

Tôi không nhớ chính xác, nhưng có lẽ phải mất hàng tháng trời.

Anh có tiếc khi một đề tài lớn như thế và được thực hiện rất công phu mà chỉ được giải khuyến khích?

Không, thậm chí tôi không nghĩ nó lại được giải và điều đó cho tôi một bài học rất lớn trong nghề.

Bài học từ việc được giải khuyến khích?

Đúng vậy. Trước hết, sự việc đó là có thật, không bịa đặt, suy diễn. Thứ hai, tôi làm với động cơ trong sáng, trên tinh thần xây dựng và thứ ba, những nhân vật trả lời phỏng vấn trong bài báo đều là những người có trách nhiệm, có vị thế cao trong xã hội. Điều cuối cùng, không thể không kể đến là tinh thần trách nhiệm của ban giám khảo. Thật tình, nếu họ không có bản lĩnh thì tác phẩm đó khó lòng được trao giải, dù chỉ là khuyến khích.   

Còn tác phẩm được giải thưởng năm nay, anh có chia sẻ gì?

Giải thưởng năm nay của tập thể anh em trong báo là chủ yếu chứ không phải của cá nhân tôi. Tác phẩm được viết trong thời gian 2 năm với gần 80 bài báo kể về một em bé bị bố mẹ bỏ rơi trong bệnh viện. Em chỉ sống vẻn vẹn 10 tháng trời nhưng đã làm xúc động hàng triệu trái tim độc giả cả nước. Chúng tôi gọi em là “vị sứ thần 10 tháng tuổi”. Đã có hàng vạn comment gửi về tòa soạn và sự xúc động khiến tôi chưa bao giờ đọc nổi 10 comment.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Thu Hiền (thực hiện)


Ý kiến của bạn