Vô vàn lý do cha mẹ từ chối tiêm vaccine cho con
Thời gian gần đây, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp biến chứng do sởi. Nguyên nhân chủ yếu là cha mẹ "quên" tiêm vaccine phòng sởi, tiêm chưa đủ mũi hoặc trẻ có bệnh lý nền.
Một trong những trường hợp đáng chú ý là bé Phan Hà H. (2 tuổi, trú tại TP Vinh), nhập viện tại khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng ho nhiều, không thuyên giảm. Bệnh nhi được chẩn đoán viêm phổi do biến chứng của bệnh sởi. Qua khai thác bệnh sử, mẹ bé cho biết trẻ chưa từng tiêm vaccine vì chị có quan điểm "anti-vaccine", lo ngại tiêm phòng có thể ảnh hưởng đến con. Vì vậy, hầu hết các con của chị đều chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Bệnh nhi bị sởi điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Chị Hoàng Bích H. vừa ôm con vừa kể: “Phường đã nhiều lần nhắn tin mời gia đình đưa cháu đi tiêm phòng sởi, nhưng vì tin lời một số người trên mạng, tôi đã không cho con tiêm. Nào ngờ, cháu mắc sởi và trở nặng chỉ trong vài ngày. Gia đình hoảng hốt đưa cháu vào viện cấp cứu, đến nay cháu vẫn còn rất yếu”.
Chị Đinh Thị B. (huyện Yên Thành, Nghệ An), mẹ của một bệnh nhi đang điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, chia sẻ: “Mấy ngày trước, cháu ho nhiều, tiêu chảy, gia đình đưa đi khám tại bệnh viện gần nhà. Bác sĩ chẩn đoán viêm phổi và chỉ định nhập viện. Cháu chưa tiêm phòng sởi, bố mẹ đi làm suốt, cháu ở nhà với ông bà nên cả nhà cũng quên mất chuyện tiêm chủng”.
Một trường hợp khác là bé 8 tháng tuổi, con của chị Lầu Y X. (người H’Mông, trú tại bản Na Ni, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn), nhập viện cấp cứu tại khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng sốt cao, phát ban sởi và có dấu hiệu biến chứng phổi. Sau ba ngày điều trị và thở oxy, sức khỏe bé dần ổn định.
“Vì mải làm nương rẫy, gia đình không để ý đến việc tiêm phòng vaccine sởi cho cháu. Ban đầu thấy cháu sốt, chúng tôi chủ quan, chỉ chữa sốt thông thường nhưng không khỏi. Khi cháu phát ban, khó thở, gia đình mới đưa xuống trạm y tế xã rồi chuyển lên Trung tâm Y tế huyện. Lúc đó mới biết con bị sởi biến chứng nặng, phải chuyển gấp xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để điều trị,” chị Lầu Y X. chia sẻ.

Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Nghệ An trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 50 đến 60 trường hợp nghi mắc sởi nhập viện điều trị, trong đó có nhiều ca có diễn biến nặng.
Theo tìm hiểu, ngoài những trường hợp bất khả kháng như trẻ mắc bệnh nền (tim bẩm sinh, bệnh phổi) hoặc bị ốm đúng kỳ tiêm chủng nên bỏ lỡ mũi sởi, một bộ phận phụ huynh theo trào lưu "anti-vaccine" khiến tỉ lệ tiêm chủng chưa đạt mức cao.
Ghi nhận trên mạng xã hội Facebook, nhóm "Hội không tiêm vaccine đã thành công thực tiễn, chiến thắng dịch bệnh" với hơn 4,9 nghìn thành viên liên tục chia sẻ các bài viết phản đối tiêm chủng, bao gồm cả vaccine sởi cho trẻ em và phụ nữ mang thai.
Một tài khoản đăng bài tìm cách lách luật: "Em cần hỗ trợ làm giấy xác nhận đã tiêm sởi cho bé ạ! Nhà trường hối thúc bắt buộc quá?" Ngay lập tức, một thành viên khác tư vấn: "Cứ kệ đi ạ, cần thì viết giấy gia đình chịu trách nhiệm là được. Inbox em để nhận tài liệu miễn phí, dịch từ tài liệu nước ngoài nữa ạ".
Nhiều bài viết trong nhóm liên tục lan truyền thông tin sai lệch, gây hoang mang cho phụ huynh. Khi có người thắc mắc "Có nên cho con đi tiêm sởi không?", hàng loạt bình luận phản đối tiêm chủng lập tức xuất hiện, như "Tiêm là giết con mình!", "Tiêm xong bị sốt, co giật, tự kỷ, giảm sức đề kháng!" hay "Mình không tiêm mũi nào cả. Hồi đó bị coi là lập dị, giờ thì... à mà thôi! Con đi học, cô giáo hỏi thì cứ trả lời ‘Dạ, chích đủ rồi cô ạ!’ Có sao đâu!". Thậm chí, một số thành viên còn tuyên truyền rằng tiêm vaccine có nguy cơ sốc thuốc, tử vong "50/50", đồng thời chế giễu những phụ huynh vẫn tin vào tiêm chủng.
Đáng lo ngại, trong nhóm còn xuất hiện những hướng dẫn giúp né tránh tiêm phòng khi đến lịch, như báo bận, đi công tác, giả vờ quên, thậm chí khuyên phụ nữ mang thai không nên tiêm bất kỳ loại vaccine nào vì lo ngại "biến chứng".
Từ chối vaccine, nguy cơ tử vong rình rập
Theo TS.BS Trần Văn Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, một vấn đề đáng lo ngại là hầu hết trẻ mắc sởi khi nhập viện đều chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ hai mũi vaccine.
"Gần đây, số ca bệnh sốt phát ban nghi sởi có biến chứng nặng được chuyển đến bệnh viện khá nhiều. Bệnh viện đã phân chia thành hai khu vực điều trị cách ly, gồm Khoa Bệnh Nhiệt đới và Khoa Hồi sức Cấp cứu, đồng thời hỗ trợ thở oxy cho những trường hợp biến chứng nặng. Riêng tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, số bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì sởi và nghi sởi tăng cao, hiện có 63 bệnh nhi đang điều trị tại đây. Do quá tải, khoa phải bố trí bệnh nhân nằm ghép hoặc điều trị ngay tại hành lang", bác sĩ Cương cho biết.

Ngành Y tế Nghệ An tập trung đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, thu dung điều trị để đẩy lùi dịch sởi.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, khoảng 10-12% phụ huynh vẫn giữ quan điểm phản đối vaccine, đặc biệt là đối với trẻ lớn. Một số cha mẹ cho rằng tiêm vaccine sởi không tốt cho trẻ hoặc nghĩ rằng sởi chỉ là bệnh nhẹ, không cần tiêm phòng. Tuy nhiên, trên thực tế, vaccine sởi rất an toàn và hầu như không có tác dụng phụ đáng kể được ghi nhận.
Trẻ mắc sởi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm ruột, thậm chí có nguy cơ tử vong. Điều trị bệnh sởi ở giai đoạn nặng thường đòi hỏi bệnh nhi phải nhập viện, làm mất thời gian của phụ huynh và tốn kém chi phí điều trị. Trong khi đó, sởi là bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine. Trẻ trong độ tuổi quy định có thể tiêm ngừa miễn phí theo Chương trình Tiêm chủng Mở rộng. Nếu được tiêm đủ theo phác đồ, vaccine sởi có thể bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh lên đến 98%.
TS.BSCKII Lê Thị Hoài Chung, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số ca mắc sởi tăng trong thời gian qua. Đó là tỉ lệ tiêm chủng vaccine sởi chưa đạt yêu cầu, một phần do xu hướng "anti vaccine" gia tăng. Các trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ tích lũy qua nhiều năm đã tạo ra "khoảng trống miễn dịch", làm giảm khả năng bảo vệ cộng đồng trước nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh đó, việc ghi nhận các trường hợp mắc bệnh khi chưa đến độ tuổi tiêm chủng (khoảng 20% trẻ dưới 9 tháng tuổi) làm tăng thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tỉ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi thấp, miễn dịch trong cộng đồng không đạt mức để có thể ngăn ngừa dịch bệnh.
Theo TS.BSCKII Lê Thị Hoài Chung, tỉ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn thấp, mức miễn dịch cộng đồng chưa đạt ngưỡng đủ để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát.
"Có những huyện, tỉ lệ tiêm chủng các bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh rất thấp, đặc biệt là vaccine sởi. Một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, không đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Đáng lo ngại, hiện tượng chống vaccine đã xuất hiện và có xu hướng gia tăng, nhất là ở khu vực thành phố", bà Chung nhận định.
Để khắc phục tình trạng trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Nghệ An) đang phối hợp với các địa phương tổ chức các chiến dịch tiêm bù, đồng thời tuyên truyền trên nhiều kênh truyền thông để nâng cao nhận thức của cha mẹ. Ngoài ra, các chuyên gia cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh hơn đối với những trường hợp cố tình không cho trẻ tiêm chủng mà không có lý do chính đáng.
86,5% trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi ở Nghệ An đã được tiêm vaccine sởi
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Nghệ An, từ đầu năm đến ngày 26/3, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.628 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó huyện Kỳ Sơn có số ca mắc cao nhất với 764 trường hợp, tiếp theo là TP Vinh với 242 ca và huyện Tương Dương với 201 ca. Đến nay, 1.348 bệnh nhân đã được điều trị khỏi, còn 280 ca đang theo dõi, trong đó có 13 ca biến chứng nặng, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Trước diễn biến của dịch, tỉnh Nghệ An đã triển khai hai chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi nhằm kiểm soát dịch bệnh. Tính đến sáng 28/3, toàn tỉnh đã tiêm được 42.186 mũi vaccine có thành phần sởi, đạt 86,5% kế hoạch. Hiện tại, số ca mắc sởi ghi nhận hằng ngày đã chững lại và tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát.
Nghệ An đặt mục tiêu hoàn thành trên 95% kế hoạch tiêm chủng trước ngày 31/3/2025 để đảm bảo miễn dịch cộng đồng và giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.