Từ chối mổ

24-03-2015 17:16 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bệnh nhân yêu cầu bác sĩ mổ (dịch vụ), bác sĩ chuẩn bị mổ thì biết bệnh nhân là nhà báo, vậy là bác sĩ từ chối. Vị bệnh nhân – nhà báo đăng một bài, lên án vấn đề y đức của bác sĩ.

Bệnh nhân yêu cầu bác sĩ mổ (dịch vụ), bác sĩ chuẩn bị mổ thì biết bệnh nhân là nhà báo, vậy là bác sĩ từ chối. Vị bệnh nhân – nhà báo đăng một bài, lên án vấn đề y đức của bác sĩ.

Bác sĩ, một thầy thuốc hàng đầu, vừa có chuyên môn cao, vừa giữ trọng trách, từng bị báo giới lôi ra “làm thịt” vì những chuyện hết sức vớ vẩn, không muốn lôi thôi với nhà báo nữa. Sẵn đây là ca mổ theo yêu cầu, nên từ chối thẳng. Thế là thành không có y đức.

Nghe đâu vị bệnh nhân – nhà báo kia còn có cả băng ghi âm nữa. Vào khám bệnh mang cả máy ghi âm để ghi, sẵn sàng cho kiện tụng. Thánh cũng phải sợ. Thế nhưng, bác sĩ mà chịu mổ thì còn có cơ may, nếu tốt thì không phải lên thớt, không mổ thì đằng nào cũng lên thớt.

Nguyên văn Điều 32 Luật khám chữa bệnh áp dụng từ 01-01-2011:

“Quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh

1. Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình, nhưng phải báo cáo với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết. Trong trường hợp này, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

2. Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu việc khám bệnh, chữa bệnh đó trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.”

Đừng tưởng bở. Thực ra là chẳng có quyền gì cả đâu, kể cả từ chối để không bị thưa kiện, không bị nhục mạ, không bị làm mất phẩm giá. Ngành y là ngành phục vụ, phục vụ vô điều kiện mà.

May mà dân chưa biết cái luật đó, chứ biết rồi thì mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân sẽ có thể như thế này:

“- …Tôi cần mổ. Tôi muốn anh, mổ cho tôi.

- Bệnh của anh thì cần mổ rồi đấy, nhưng anh ăn nói như vậy tôi thấy nguy hiểm cho tôi quá. Anh chịu khó đi chỗ khác đi vậy.

- …Tôi ghi âm rồi đây này, anh có mổ không thì nói?

- Tôi có quyền từ chối chứ.

- … Ai cho anh cái quyền què đó. Lên báo nghe , xem anh sẽ là gì...”

Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt. Mấy anh thẳng thắn, sĩ diện, nếu không vô tù thì rồi cũng sẽ về đuổi gà cho vợ. Anh nào may mắn kiếm được mối xuất khẩu lao động, sang châu Phi, chữa Ebola cho đỡ ngứa nghề.

Nhưng rồi các thầy thuốc cũng sẽ “khôn” ra, thành những thằng láu cá, nên câu chuyện sẽ như thế này:

- Ôi, bệnh của bạn phải mổ rồi. Tôi rất mong muốn mổ cho bạn, nhưng chỗ chúng tôi hiện đang bị thiếu cái Verb tobe, không có cái đó mổ nguy hiểm lắm, mà tôi thì không dám liều trên tính mạng của bạn. Đành phải chuyển bạn qua bệnh viện X thôi, ở đó tốt lắm.

Tại bệnh viện X, cô y tá nhắc bác sĩ rằng bệnh nhân có dấu Omega do bệnh viện Y ghi chú. Bác sĩ nhớ ra liền “À, đồng nghiệp nhắc mình, rằng tay này sẽ kiện hoặc tống tiền mình đây”.

- Bệnh viện Y chỉ định mổ là đúng rồi, khổ nỗi cái Infinitive của chúng tôi lại bị hư mới chết. Bạn cảm phiền sang bệnh viện Z mổ nhé.

Tại bệnh viện Z, liếc thấy cái dấu Omega, bác sĩ nhanh nhẩu:

- Chắc là lo lắng lắm đây. Nhưng tôi nói nhỏ nhé, bệnh này mà dao kéo vào thì nguy to. Để tôi chuyển qua Y học dân tộc. Cái này châm cứu có khi lại hay, vừa an toàn, vừa đỡ tốn kém.

Dần dần, vào bệnh viện sẽ chỉ còn hai loại: Lưu manh và Láu cá.

BS. Võ Xuân Sơn

 

 


Ý kiến của bạn