1. Tổn thương não do dùng sai thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ nhỏ
Mới đây, Khoa hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc) vừa tiếp nhận một trẻ 16 tháng tuổi bị tiêu chảy kèm sốt ngày thứ hai của bệnh. Tìm hiểu nguyên nhân được biết, do thấy trẻ bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày, gia đình sốt ruột nên đã mua cho trẻ uống thêm thuốc cầm tiêu chảy loperamide với mong muốn trẻ nhanh khỏi mà không được uống nước bù dịch cần thiết.
Sau 2 ngày uống thuốc, trẻ bị co giật. Quá hoảng sợ, gia đình đưa trẻ vào bệnh viện huyện cấp cứu, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc.
BS. Nguyễn Hữu Thảo - Trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc cho biết, lúc này trẻ đã trong tình trạng tím tái toàn thân. Tại đây, trẻ được chẩn đoán bị sốc giảm thể tích - sốc nhiễm khuẩn - suy đa phủ tạng. Ngay lập tức trẻ được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, chống sốc, điều chỉnh rối loạn toan kiềm điện giải... Sau 3 ngày trẻ hồi phục chức năng các tạng, nhưng đáng tiếc là trẻ đã bị tổn thương não không hồi phục.
BS. Nguyễn Hữu Thảo cho hay, đây chỉ là 1 trong nhiều trường hợp trẻ bị tiêu chảy nhập viện cấp cứu vì mất nước nặng kèm rối loạn điện giải dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân là do các bậc cha mẹ, người chăm sóc tự ý mua thuốc cầm tiêu chảy loperamide về cho trẻ uống. Hậu quả là trẻ không những không khỏi tiêu chảy mà lại còn gặp những biến chứng nguy hiểm, mất nước nghiêm trọng, rối loạn điện giải, sốc, thậm chí có trẻ tử vong.
2. Thuốc cầm tiêu chảy loperamid không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi
BS. Nguyễn Hữu Thảo cho hay, việc điều trị tiêu chảy cho trẻ quan trọng nhất là bù nước và điện giải chứ không phải là cầm tiêu chảy. Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con bị tiêu chảy nhiều lần, do tâm lý lo lắng đã tìm mua và cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy loperamode. Nhưng đây là một sai lầm nghiêm trọng.
Loperamide là thuốc cầm tiêu chảy, không kê đơn và dễ mua. Thuốc có tác dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh tiêu chảy như giảm nhu động ruột, kéo dài thời gian vận chuyển qua ruột, giảm tiết dịch đường tiêu hóa, tăng vận chuyển nước và chất điện giải từ lòng ruột vào máu. Thuốc không được khuyến cáo dùng cho trẻ em một cách thường quy trong tiêu chảy cấp và không nên sử dụng cho trẻ sơ sinh dưới 24 tháng tuổi hoặc trẻ em dưới 6 tuổi, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
Việc sử dụng thuốc ở trẻ em cũng không được Tổ chức Y tế thế giới khuyến khích do những lo ngại về tính an toàn và hiệu quả ở trẻ nhỏ. Cục Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ chỉ chấp thuận việc sử dụng thuốc cho trẻ em trên 2 tuổi.
Thuốc loperamide cũng có thể gây ra tác dụng phụ: Khô miệng, đau bụng, đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ, buồn nôn, nôn, táo bón… Không những thế, việc dùng quá liều loperamide càng làm tăng nguy cơ các tác dụng phụ, khiến người bệnh có thể gặp các tác dụng như ở nhóm thuốc opioid. Thậm chí với liều cao, người bệnh có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng như rối loạn nhịp tim, tử vong.
BS. Nguyễn Hữu Thảo nhấn mạnh, không dùng thuốc cầm tiêu chảy loperamide để ngăn trẻ đi ngoài. Bởi việc đi ngoài cũng là một cách để cơ thể đào thải bớt chất độc, virus/vi khuẩn có hại ra khỏi cơ thể. Trong khi đó, thuốc cầm tiêu chảy lại khiến virus/vi khuẩn không thải được ra ngoài mà lại ứ trệ lâu hơn tại đường tiêu hóa. Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh nặng hơn và khó xử trí hơn, thậm chí làm tăng nguy cơ nhiễm độc…
3. Lời khuyên thầy thuốc
BS. Nguyễn Hữu Thảo khuyến cáo, khi trẻ bị tiêu chảy, các bậc phụ huynh cần thực hiện:
- Không tự ý mua thuốc điều trị tiêu chảy cho trẻ.
- Luôn tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Không tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc mà chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Tiếp tục cho trẻ ăn chế độ như bình thường, không cần kiêng mỡ kiêng tanh. Trẻ khi bị tiêu chảy thường kèm biếng ăn, phụ huynh nên cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để trẻ có đủ năng lượng và tránh bị suy dinh dưỡng.
- Nếu trẻ tiêu chảy có kèm một trong các triệu chứng: Sốt, nôn liên tục, phân có nhầy máu, không uống được nước hoặc trẻ quấy khóc nhiều… cần đưa đi khám ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm cho trẻ, không nên tự điều trị ở nhà.
Trẻ cần nhập viện ngay nếu có 1 trong các biểu hiện sau:
- Li bì, khó đánh thức.
- Kích thích, quấy khóc.
- Khóc không có nước mắt.
- Nôn liên tục.
- Không uống được.
- Sốt trên 39 độ C hoặc hạ thân nhiệt (thấp hơn 36 độ C).
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dấu hiệu nhận biết ung thư xương.