Tại đêm khai mạc của Liên hoan phim quốc tế Hà Nội năm 2012, một chuyện ngoài rìa xảy ra hút dư luận có vẻ còn “xôm” hơn chương trình và kết quả liên hoan phim này. Một cô người mẫu diện chiếc váy màu đen mỏng không thể mỏng hơn được nữa, bước trên thảm đỏ dành cho những người nổi tiếng. Chao ôi, tất cả mọi thứ bên trong, cái tòa thiên nhiên nõn nuột ấy lộ ra hết. Thiên hạ, nhất là cánh đàn ông, được một phen “bỏng mắt” khi thấy cô người mẫu mặc mà như không mặc giữa chốn đông người. Nhân sự cố này, tôi xin được góp đôi lời bàn về sự “hở” của phái đẹp.
Sức hút của người phụ nữ đối với cánh đàn ông không chỉ ở khuôn mặt thanh tú, làn da mịn, chiếc mũi cao, đôi mắt sáng, làn môi mọng… mà còn ở những đường cong thân thể, ở đôi gò bồng đảo đầy đặn, ở lạch Đào nguyên (chữ dùng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương) tinh tươm, gợi cảm. Từ thuở xa xưa, ông cha ta đã định ra tiêu chuẩn đẹp của phụ nữ Việt Nam là thắt đáy lưng ong, mặt trái xoan, mũi dọc dừa, mắt lá răm hoặc bồ câu… Những người thắt đáy lưng ong/Vừa khéo chiều chồng, lại khéo nuôi con hay Những người con mắt lá răm/Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền (Ca dao).
Đâu là vẻ đẹp ý nhị của người phụ nữ Việt Nam?!
Cho nên, việc phô diễn vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ, theo tôi là một hành vi chính đáng, một dấu hiệu lạc quan về tâm-vị thế của phái yếu và đó cũng là minh chứng cho sự bình đẳng nam nữ. Tại sao người ta không phô ra những cái được gọi là đẹp cơ chứ? Thử hình dung xem một cô gái, mười cô gái, trăm cô gái rồi hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu cô gái khi ra đường cứ áo khăn trùm kín mít từ đầu đến chân, chán chết đi được. Thật tội nghiệp cho những nữ cầu thủ bóng đá ở quốc gia nào đó khi ra sân cũng phải khăn trùm đầu, quần dài đến gót. Cứ như là mấy bà, mấy cô sồn sồn ở nông thôn đi tắm biển cứ để nguyên áo quần dài xuống nước, lọp bọp lùng bùng. Đến biển còn chán chứ huống gì chúng tôi, những gã đàn ông luôn luôn biết đề cao và tôn vinh cái đẹp. Trước kia, diễn viên xiếc của một nước láng giềng khi biểu diễn uốn dẻo, đu bay cũng cứ quần áo dài tươi hồng kín đáo lất phất. Nay thì sự kín đáo vô lối ấy đã cáo chung rồi, chân dài miên man được phép phô bày trình diễn thật bắt mắt làm sao. Và nước ta, trong các cuộc thi hoa hậu, người đẹp mà thiếu công đoạn thí sinh mặc áo tắm chắc số người xem chỉ còn một nửa hoặc ít hơn. Rồi bóng chuyền bãi biển, quần vợt, nếu các em nữ vận động viên không trang phục ấy, váy ấy thì chắc sự hấp dẫn, hay ho cũng sẽ bay đi rất nhiều.
Tuy nhiên, một sợi tóc trên đầu là rất ít nhưng một sợi tóc rơi trong chén nước lại là quá nhiều. Hình như cha đẻ của thuyết tương đối đã nói đại ý như vậy từ lâu, rất lâu rồi. Với các nữ ca sĩ, diễn viên, người mẫu, MC khi xuất hiện trước công chúng, chọn trang phục cho mình như thế nào cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng. Một chiếc váy ngắn đến mức không thể ngắn hơn được nữa, một bộ xiêm y mỏng đến mức không thể mỏng hơn được nữa trên sân khấu, trên diễn đàn, trước hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu đôi mắt công chúng nhiều khi sẽ phản bội lại bạn. Vì sao? Đơn giản thôi, nó không phù hợp, không hài hòa với hoàn cảnh. Cái đẹp, suy cho cùng là sự hài hòa, cân đối. Trang phục thi đấu thể thao của một nữ vận động viên đôi khi ngắn hơn, hở hơn trang phục biểu diễn của một ca sĩ nhưng không ai trách cứ, chê bai điều đó cả. Tôi còn nhớ, trong một chương trình nghiêm túc nói về một vị tướng tài ba ở nước ta, một nữ diễn viên xinh đẹp trong khi thể hiện vai mình đảm nhận, do mặc váy cổ rộng đã để lộ ra bộ ngực siêu khủng và lập tức bị dư luận chỉ trích om sòm. Trang phục đẹp, gợi cảm, tỏ rõ tính cách của mình nhưng không thể không phù hợp với hoàn cảnh, thuần phong mỹ tục của dân tộc, theo tôi là lựa chọn đúng của các nữ ca sĩ, diễn viên, người mẫu, MC…Kín đáo, mềm mại như chiếc áo dài Việt Nam vẫn đầy nữ tính, gợi cảm cơ mà. Những đường cong êm dịu hay bay bổng của người con gái Việt Nam dường như ít bị khuất lấp, mờ phai sau những tấm áo truyền thống ấy. Đẹp đẽ và duyên dáng, gợi cảm và cuốn hút cánh đàn ông không phụ thuộc nhiều lắm vào sự “kín hở” của trang phục biểu diễn. Tuy rằng, khi đến thưởng thức một chương trình nào đó thì khán giả đều muốn được thỏa mãn cả hai nhu cầu là nghe và nhìn. Hay và đẹp. Cái hay sâu sắc tinh tế và cái đẹp tươi mới hài hòa chính là tiêu chuẩn và mục đích cần hướng tới của những người mang lại món ăn văn hóa cho công chúng.
Ngày xưa: Miệng cười như thể hoa ngâu/Cái khăn đội đầu như thể hoa sen khác xa lắm rồi với trang phục của các cô gái bây giờ nhưng tinh thần của nó vẫn rất giống nhau: đó là cái đẹp hài hòa và mới mẻ. Nào, hãy làm cho cuộc sống tươi tắn hơn, thanh thoát hơn, nhẹ nhàng hơn bằng những điều như thế.
Nguyễn Hữu Quý