Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa tạm dừng tuyển lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2017 tại 58 quận, huyện có tỷ lệ cao lao động hết hạn hợp đồng nhưng không về nước. Đây là quyết định sau khi thống nhất ý kiến và theo đề nghị của phía Hàn Quốc. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), 109 quận/huyện có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 30% thuộc 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất tại Hàn Quốc, thuộc diện đưa vào xem xét tạm dừng tuyển chọn trong năm 2017.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, bên cạnh việc tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2017 đối với 58 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên trong số 109 quận/huyện nêu trên thì Bộ không áp dụng việc tạm dừng tuyển chọn lao động ngành ngư nghiệp trong năm 2017 đối với các huyện ven biển thuộc các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển năm 2016. Danh sách bao gồm: tỉnh Hà Tĩnh (huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà và huyện Kỳ Anh), tỉnh Quảng Bình (huyện Bố Trạch, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới).
Căn cứ thông báo của phía Hàn Quốc về số lượng và tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp vào thời điểm cuối năm 2017, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tạm dừng tuyển chọn trong năm 2018 tại các địa phương không giảm được tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp. Đồng thời, Bộ sẽ dỡ bỏ việc tạm dừng đối với những địa phương giảm được tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Với mong muốn được đổi đời, mong có được nhà cao cửa rộng để con cái thoát khỏi cảnh túng thiếu đã khiến nhiều lao động bất chấp rủi ro để chọn con đường đi lao động “chui” khi đã hết hạn họp đồng lao động ở nước ngoài. Nhưng những giấc mộng làm giàu kiểu như thế của không ít người đã vỡ vụn khi bị chính quyền nước sở tại phát hiện.
Công bố của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tạm dừng đưa lao động của 58 quận, huyện sang thị trường Hàn Quốc chính là gáo nước lạnh dội vào giấc mơ thoát nghèo của không ít lao động chân chính. Nhiều người dân các địa phương sống phụ thuộc hoàn toàn vào đồng ruộng, cái đói, cái nghèo đeo đẳng quanh năm. Để phát triển kinh tế ở miền đất cằn ấy thật không dễ dàng gì. Chính vì thế, xuất khẩu lao động là hướng đi quan trọng, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, để thị trường xuất khẩu lao động là chìa khóa giúp người lao động nâng cao đời sống thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Bên cạnh sự tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý, của chính quyền địa phương thì bản thân người lao động phải nghĩ đến tương lai của chính bản thân và gia đình, người lao động cần phải tỉnh táo để tuân thủ luật pháp giữa hai nước, là điều kiện tiên quyết để mình và các lao động khác tiếp tục có cơ hội đi xuất khẩu lao động nhằm thay đổi cuộc sống với mong muốn vươn lên thoát nghèo.