Xây xát, viêm nhiễm, ngứa do tự cạo lông vùng kín
Theo BS. Nguyễn Ánh Thu – Chuyên khoa sản và phụ khoa tại một phòng khám ở Hà Nội cho hay, nhiều trẻ nữ tuổi mới lớn cảm thấy khó chịu khi lông mu phát triển nên đã tự dùng dao lam hoặc dao cạo râu để cạo cho đỡ phiền toái nhất là những khi có kỳ kinh nguyệt. Không ít trường hợp, phụ huynh dẫn con gái tuổi mới lớn 15, 16 tuổi tới phòng khám bởi con cho biết bị ngứa, rát bộ phận sinh dục. Việc viêm nhiễm vùng kín do cao lông là nguyên nhân khiến nhiều vị phụ huynh ít nghĩ tới đối với trẻ nữ.
BS. Ánh Thu cho biết, trường hợp một bé gái tên NTH học lớp 10 (16 tuổi) mới đây được mẹ cho tới khám. Trước đó, bé NTH thấy ngứa ở âm đạo. Lo lắng, em nói hiện tượng này với mẹ. Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết, bé gái bị viêm phụ khoa, phần da ở mu có những vết xước. Bé gái cho biết, mỗi lần tới kỳ kinh nguyệt, phần lông mu dày, rậm khiến em cảm thấy vướng víu và khó giữ vệ sinh, vì vậy em đã dùng dao lam để cạo để vệ sinh trong kỳ kinh dễ dàng hơn.
Cạo lông mu có thể dẫn tới viêm nhiễm, kích ứng bộ phận sinh dục
Nói về việc trẻ nữ tuổi mới lớn có nên cạo lông mu hay không, BS. Ánh Thu phân tích: Lông mu có những chức năng đặc thù của nó.
Lông mu là một phần lông mọc ở xung quanh bộ phận sinh dục nữ giới. Lông mu thường cong, không thẳng như tóc. Cấu tạo lông mu gồm 3 phần: Phần nằm trong chân bì, phần mọc xuyên qua lớp thượng bì và phần nằm ở trên da. Nang lông sẽ bao bọc xung quanh rễ lông và nang lông có cấu tạo gồm 3 phần là: Bao nang lông, cổ nang lông và miệng nang lông.
Lông mu ở nữ giới sẽ bắt đầu mọc khi bước vào tuổi dậy thì, trung bình từ 10 -14 tuổi. Tùy thuộc vào nồng độ hormon nữ giới mỗi người mà độ rậm rạp sẽ khác nhau. Nếu trẻ nữ có nồng độ hormon estrogen, progesteron cao thì sẽ có lông mu rậm rạp hơn. Màu sắc, độ dày, độ rậm rạp lông mu ở mỗi trẻ nữ sẽ khác nhau.
Lông mu cũng là một thành phần của cơ thể và có tác dụng đối với cơ thể. Lông mu giúp giảm bớt sự ma sát ở vùng kín khi cơ thể hoạt động (chạy bộ, đạp xe hoặc sự ma sát khi mặc quần bó sát...), giảm bớt được sự khó chịu của chúng ta.
Bên cạnh đó, lông mu còn giúp duy trì được nhiệt độ tại vùng kín. Mùa đông có thể giữ ấm cho "cô bé", mùa hè lông mu làm mát cô bé bởi tuyến da dưới lớp lông. Lông mu có tác dụng giúp che chở, hạn chế sự tấn công của vi khuẩn và mầm bệnh đối với cơ quan sinh dục.
Theo Bs. Ánh Thu, nếu trẻ nữ tự cao lông mu có thể dẫn tới có nguy cơ bị viêm nhiễm, ngứa tại vùng kín bởi khi lớp lông mu bị loại bỏ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một số loại vi khuẩn xâm nhập dễ dàng hơn vào cơ quan sinh dục.
Mặt khác việc tự cạo lông mu có thể làm xước vùng da sinh dục, kích ứng. Trên thực tế nhiều phụ nữ sau mỗi lần cạo lông mu xong thường cảm thấy da ở bộ phận mu đỏ rát. Đây chính là dấu hiệu báo "cô bé" của bạn đang bị viêm sưng.
Không chỉ vậy, việc cạo lông mu còn khiến lông sau đó mọc lên nhanh hơn, rậm và cứng hơn. Sau khi cạo lông mu, lông sẽ mọc nhanh hơn và quá trình lông mọc gây ngứa ở bộ phận mu. Có tới 80,3% phụ nữ cảm thấy âm đạo bị ngứa ngáy sau khi loại bỏ phần lông mu. Do đó, nên dừng việc cạo lông vùng kín nếu như không muốn bị đỏ rát và ngứa ngáy âm đạo. Những biện pháp khác như wax lông cũng gây ra tình trạng đau đớn và kích ứng tương tự.
Tuy nhiên, đối với một số trường hợp nên cạo lông mu như: lông quá rậm rạp, phụ nữ đang trong quá trình sinh nở hoặc để diện các bộ trang phục bikini sexy, quyến rũ khi đi biển...
Theo BS. Nguyễn Ánh Thu, không khuyến khích trẻ nữ tự cạo lông mu vì có thể dẫn đến hậu quả xấu. Nếu muốn thực hiện cắt tỉa lông mu thì cần trao đổi với mẹ và nếu thực hiện thì cần cẩn thận, tránh gây chấn thương cho vùng kín.
Mời đón xem video đang được quan tâm:
Giải mã những thắc mắc về lần đầu quan hệ tình dục