Từ cách dạy và học ở Mỹ nhìn về Việt Nam

18-03-2014 07:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Đây là căn bệnh nan y ảnh hưởng không chỉ tới ngành giáo dục Việt Nam mà nó còn tác động không nhỏ tới mỗi nhân tố trong đó như học sinh, thầy cô giáo và ngay cả những bậc làm cha, làm mẹ.

Đây là căn bệnh nan y ảnh hưởng không chỉ tới ngành giáo dục Việt Nam mà nó còn tác động không nhỏ tới mỗi nhân tố trong đó như học sinh, thầy cô giáo và ngay cả những bậc làm cha, làm mẹ.

Người Mỹ dạy trẻ con tính trung thực như thế nào?

Ngay từ tiểu học, con gái tôi đã hay phải thức khuya làm bài. Tính nó tỉ mỉ cẩn thận lại dễ phân tán nên nếu thằng anh hoàn thành trong một tiếng thì nó phải làm với thời gian gấp đôi, thậm chí gấp ba. Mẹ hay sốt ruột, muốn giúp nó một số công đoạn nhưng nó luôn từ chối “Cô giáo bảo phải tự làm cô mới biết được khả năng thật của học sinh để giúp đỡ trên lớp”. Nhiều bài kiểm tra quan trọng trong năm thường phải làm tới hai ngày trên lớp. Nó làm xong phần một, về nhà phát hiện ra chỗ sai của mình nhưng hôm sau làm tiếp phần hai, nó không sửa lại chỗ sai hôm trước. Và tất nhiên, mặc dù biết phần hai có chỗ chưa hiểu, nó cũng không ôn lại bài vì đã biết đề thi rồi. “Như thế là cheating/ không trung thực”.

Ảnh minh họa.

Con tôi đã hành động như đại đa số học sinh Mỹ vì ngay từ những buổi đầu tiên đến trường chúng đã được dạy về tầm quan trọng của sự Trung thực. Càng lên lớp cao thì nội qui về “Cheating Policy” /Gian lận càng cụ thể, nghiêm khắc. Ở cấp phổ thông trung học nếu vi phạm lần đầu giáo viên sẽ thông báo cho phụ huynh và học sinh đó bị điểm F cho bài thi này, đồng thời bị ghi lại trong hồ sơ cá nhân. Nếu vi phạm lần hai, ngoài mức phạt như lần một còn bị tạm đình chỉ học chính khóa và phải tham dự lớp học cuối tuần. Nếu vi phạm lần ba học sinh sẽ bị điểm F cho kỳ học này, đồng thời không được nhà trường giới thiệu xin việc làm, mất đặc quyền nộp đơn xin học bổng và thậm chí không được tốt nghiệp trung học.

Điều đáng nói là người bị xử phạt tội gian lận không chỉ là học sinh mà cả người giúp đỡ cũng chịu hình thức kỷ luật tương đương. Tôi nhớ lại ngày mới sang Mỹ theo đoàn học sinh Việt Nam dự kỳ kiểm tra trình độ tiếng anh. Cô giáo giao bài, cố gắng giải thích rằng mục đích làm bài để nhà trường biết trình độ của mỗi người mà xếp lớp cho phù hợp, do vậy, làm được đến đâu thì làm, không làm được câu nào cũng không sao!!! Thế nhưng chỉ một phút sau đó, cô giáo tròn xoe mắt ngơ ngác nhìn đám học sinh nhốn nháo hỏi nhau, nhìn bài nhau, thậm chí lén lút giở cả từ điển và sách.

Một tuần sau, phần lớn nhóm học sinh Việt Nam này được xếp vào lớp Intermediate/ Nâng cao ngồi ù ù cạc cạc khiến cho giảng viên chỉ biết giơ tay gãi đầu, rồi yêu cầu Ban giám hiệu đưa quá nửa trở lại lớp Beginning/Bắt đầu. Sau một thời gian, thân thiện rồi, trong buổi liên hoan cô giáo mới hỏi tại sao nhiều người lại cố tìm cách vào lớp nâng cao, phần lớn im lặng ngượng ngùng, nhưng có đôi người can đảm giải thích vì sẽ xấu hổ nếu bị xếp vào lớp bắt đầu. Cô hỏi tiếp, vậy cảm giác của mọi người như thế nào khi không làm bài bằng khả năng thực của mình. Tất cả im lặng.

Vấn đề cũ rích mà câu hỏi mới mẻ quá… Chuyện này (gian lận trong thi cử) quá đỗi bình thường ở Việt Nam khiến cho ai cũng ngạc nhiên khi cô giáo Mỹ không hiểu được hành vi ấy!!! Tại sao chúng tôi, thế hệ sinh ra lớn lên ở Việt Nam lại thường phải hành động gian dối để có được kết quả không phản ánh trung thực về mình? Phải chăng đây là tàn tích của lối khoa cử đề cao danh vọng thời phong kiến cộng với chứng bệnh phô trương thành tích của ngành giáo dục?

Bệnh thành tích đè nặng lên cả người dạy và học ở Việt Nam

Bố mẹ muốn hãnh diện về những đứa con thông minh xuất chúng. Nhà trường muốn chứng minh môi trường giáo dục của mình là toàn diện. Kết quả, áp lực ấn xuống đầu những đứa trẻ, ngay từ trong trứng nước đã phải biết treo trên người những giấy khen, những điểm 10 và những giải thưởng để làm vừa lòng người lớn. Trẻ không có cơ hội phát triển hài hoà, trở nên tự ti vì bị ép làm những việc quá sức và mất niềm tin vào bản thân vì những năng khiếu (nằm trong lĩnh vực ít bằng khen ghi nhận!!!) bị thui chột.

Một giờ học ở cấp tiểu học ở Mỹ.

Một giờ học ở cấp tiểu học ở Mỹ.

Cho dù đạt được kết quả xuất sắc trong học tập, phần lớn học sinh Việt Nam khi vào đời lại thiếu mất kỹ năng sống, có thể giàu về vật chất nhưng nghèo nàn trong nghệ thuật điều hoà giữa công việc và gia đình, giữa quan hệ cá nhân và xã hội. Tốt nghiệp đại học phần lớn coi như đã đạt được mục tiêu bằng cấp, chỉ còn lo đến việc kiếm tiền và củng cố địa vị . Rất ít ai dám và có khả năng làm những việc có tính chất thay đổi thời cuộc, mang đến những cuộc cách mạng khoa học, giáo dục đổi mới cho dân tộc, dân sinh.

Diane Ravitch, chuyên viên cấp cao ngành giáo dục, từng làm trợ lý cho Bộ trưởng bộ giáo dục trong cuộc tranh luận về chuẩn mực văn hoá Mỹ đã đưa ra một thí dụ thú vị. Bằng kết quả trắc nghiệm về trình độ toán, bà cho thấy học sinh Hàn Quốc có điểm số cao nhất và học sinh Mỹ ở mức thấp nhất. Nhưng khi hỏi những học sinh đó về khả năng toán của mình thế nào, học sinh Mỹ tự cho là xuất sắc, còn học sinh Hàn Quốc lại thấy mình không khá lắm. Nói cách khác “Học sinh Mỹ có sự tự tin cao nhất mặc dù kết quả thấp nhất. Học sinh Hàn quốc tự ti nhất mặc dù điểm số cao nhất.

Nếu bạn tự tin, bạn sẽ tự đánh giá kết quả việc làm theo nguyên tắc của chính mình chứ không phụ thuộc vào thước đo của xã hội, nhờ đó, sẽ không rơi vào tình huống quá tự kiêu với thành công hoặc quá bi quan với thất bại. Phải chăng nhờ lòng tự tin mà người Mỹ luôn có được số lượng phát minh sáng chế cao nhất thế giới vì dám nghĩ dám làm, kiên trì lặp đi lặp lại thí nghiệm cho tới lúc thành công? Và khiến cho nước Mỹ trở thành xứ sở của hàng triệu câu chuyện huyền thoại về những người làm nên lịch sử từ đôi bàn tay trắng.

Những học sinh Việt Nam theo gia đình đến Mỹ định cư, nếu ở Việt nam em là học sinh giỏi, sang đây em luôn nằm trong danh sách đứng đầu lớp, thậm chí nổi trội trong trường. Còn nếu như em đã là học sinh lớp chọn, trường chuyên thì bước chân vào các trường đại học danh tiếng như Beykerley, Standfort là điều hiển nhiên. Điều này cho thấy học sinh Việt nam rất thông minh, dễ dàng đánh bại mọi đối thủ trong trường học. Nhưng áp dụng kiến thức đã có vào công việc để có một tương lai cầu tiến cho bản thân và để cống hiến cái mới cho xã hội thì rất ít người thành công.

Trong bối cảnh mở hiện nay, chúng ta dường như chưa có kế hoạch nuôi dưỡng giáo dục mầm non sao cho tư duy, ý thức các em phát triển cân đối theo kịp thời cuộc để thế hệ trẻ có khả năng điều khiển, làm chủ những cái mới (tốt và xấu) từ bên ngoài đang tràn vào Việt Nam. Nếu hôm nay dạy cho trẻ tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, trật tự an toàn giao thông, giáo dục giới tính vào chương trình giảng dạy (bắt đầu từ tuổi mẫu giáo ở những khái niệm đơn giản nhất), kỹ năng sống cần thiết thì chỉ 5-10 năm nữa chúng ta có quyền hy vọng một thế hệ mới văn minh, có tri thức trình độ bắt kịp với thời đại. Thay vì nhồi nhét kiến thức và áp lực thành tích, nhà trường và cha mẹ xin hãy tạo cơ hội cho trẻ khám phá bản thân, ấp ủ hy vọng và có đủ niềm tin, năng lực biến các ước mơ thành hiện thực trong tương lai.

Hà Thiên Hương (Gửi về từ CA, USA)


Ý kiến của bạn