Bà tôi, trước đây là một nữ hộ sinh công tác tại xã, mặc dù chỉ được học khóa học rất cơ bản về sản khoa nhưng theo mọi người kể lại thì bà tôi đỡ thành công tất cả những ca đẻ ở trong vùng. Bà tôi đỡ cho mẹ tôi sinh ra anh em tôi, đỡ cho hàng xóm, đỡ cho cả người xã khác đi ngang qua rồi đẻ rơi giữa đường … Có những gia đình 3, 4 thế hệ đều do một tay bà tôi đỡ. Bất kể khi ăn cơm, khi phơi thóc, khi đang ngủ hay bất cứ khi nào người ta gọi là Bà tôi lại lên đường đi đỡ mà chẳng một lời kêu ca.
Những đêm bà đi trong khi tôi đang ngủ mà nửa đêm tôi không may tỉnh giấc không thấy bà nằm cạnh thì sợ ma lắm vì có giai đoạn chỉ có hai bà cháu ở nhà. Hôm nào được đi theo bà hoặc bà không đi đỡ vào ban đêm là may mắn với tôi. Ngày ấy, nghề Y ở quê tôi được mọi người vô cùng kính trọng. Bà tôi đương nhiên là cũng được cả làng, cả xã yêu quý và gọi là bà SỜ. Cứ mỗi khi có con cua, con cá, quả nhãn, quả dưa chuột ... người ta lại mang biếu bà tôi và tôi rất thích vì được ăn ké. Nhưng để có được điều đó bà tôi đã phải đánh đổi nhiều thứ. Đi bộ nhiều cây số trên con đường toàn rơm, đất đá gồ ghề, nhịn đói đi đỡ, đỡ xong mà không hề nhận được thù lao rồi người ta còn không trả cả tiền thuốc vì sinh con gái, đi đỡ ban đêm mà chả có lấy một ánh đèn dẫn đường...
Bà tôi làm việc bao nhiêu năm mà không một lần nề hà. Tuổi thơ tôi may mắn được ở cùng bà và gắn với hình ảnh của bà. Có lẽ câu nói kinh điển "Nghề Y là một nghề cao quý" hay "Nhất y, nhì dược, tạm được Bách Khoa" đã gắn sâu vào các thế hệ từ rất lâu qua những hình ảnh như của bà tôi. Với tôi, bà là người có sức ảnh hưởng lớn nhất và việc quyết định chọn Y thay vì an ninh của tôi là vì những điều tốt đẹp của nghề Y tôi thấy được qua bà.
Thế nhưng ngày nay, khi tôi bước chân vào nghề Y thì những điều ấy chỉ còn đúng một phần nào đó. Ngành Y bây giờ không còn là số một, không còn nhận được sự tôn trọng nhiều như trước đây, thậm chí bị nhiều người xếp ở “chiếu dưới” của xã hội cùng với một số ngành từng rất cao quý khác. Lấy ví dụ, mỗi khi một vụ bạo hành y tế xảy ra thì chỉ có một bộ phận nhỏ tỏ ra hiểu và thông cảm, một bộ phận rất nhỏ trong số đó có những hành động có ý nghĩa hoặc có giải pháp cụ thể để chống lại bạo hành, còn lại phần lớn đưa ra những lời miệt thị rằng không có lửa làm sao có khói hay cho cái bọn nhân viên y tế đấy chết đi, bọn nó đáng bị như thế…
Nhiều bà mẹ khi có con bị ốm thì điều đầu tiên họ làm không phải là mang con đi khám mà là lên google để tự tìm bệnh rồi lên các nhóm facebook để hỏi và cố tìm ra một giải pháp nào đó hoặc một số thì ra hiệu thuốc mua thuốc cho con uống với niềm tin mãnh liệt rằng con sẽ khỏi. Việc vào viện hay đi khám chỉ bất đắc dĩ là lựa chọn cuối cùng khi bệnh đã nặng hoặc uống thuốc mãi không khỏi. Có nhiều gia đình sẵn sàng đưa con đi khám vượt tuyến ngay trong đêm, lên các viện tuyến trên mặc dù chi phí cũng như sự vất vả tăng gấp nhiều lần so với điều trị ở tuyến dưới vì họ không còn tin tưởng vào hệ thống y tế ở khu vực mình. Nặng nề hơn có những gia đình bệnh nhân chỉ vừa bước chân vào viện nhưng đã mang 1 thái độ thù hằn, quát tháo thậm chí đánh đập nhân viên y tế.
Không biết từ khi nào ngành Y lại bị coi thường đến thế và nguyên nhân cũng không biết bắt nguồn từ đâu. Có người cho rằng do bác sĩ đòi hỏi, hách dịch, có người cho rằng bệnh nhân đóng bảo hiểm thì ít nhưng đòi hỏi thì nhiều, có người lại cho rằng do cơ chế quản lý yếu kém, xã hội thay đổi, bác sĩ nghèo, bệnh nhân đông nên áp lực, người lại nói do bệnh nhân chờ đợi nên sinh ra nóng nảy … cuối cùng dẫn đến xung đột mãi không thôi.
Mỗi khi có vụ việc như vậy xảy ra, mọi người lại thêu dệt, truyền thông lại giật tít dẫn đến việc nhiều năm qua, người bệnh và ngành Y cứ như ở 2 bên chiến tuyến, không ai chịu ai. Cuối cùng người thiệt lại chính là bệnh nhân vì một khi xảy ra chuyện thì không bác sĩ nào “dám” điều trị cho bệnh nhân một cách tận tình nữa vì sợ mang họa vào thân. Cũng có khi người thiệt là chính bác sĩ vì họ bị đánh, bị đuổi thậm chí bị đâm chết khi đang khám chữa bệnh.
Phần tôi, khi đi làm, chứng kiến những chuyện như vậy nhiều lúc cũng chỉ biết lắc đầu vì sức mình không đủ để thay đổi một hệ thống, thay đổi mọi định kiến của mọi người về ngành Y. Tôi tự hiểu rằng mình chỉ có thể làm được một điều gì đó, rất nhỏ thôi. Giống như lời của một cậu bạn nói với tôi rằng mỗi chúng ta sống trong xã hội đều có một vai trò và trách nhiệm nhất định, dù lớn hay nhỏ đó là làm cho nghề nghiệp của mình, cho xã hội tốt lên. Rất may, tôi được sống và làm việc trong một môi trường mà phần lớn những người thầy, người anh, người chị, người đồng nghiệp đều có mong muốn như tôi. Ngay cả khi họ bị đảo ngược vai trò trở thành bệnh nhân nằm trên giường bệnh, ngay cả khi họ đang ở giữa lằn ranh sống còn nhưng vẫn luôn cháy bỏng khao khát học tập, cống hiến để làm cho ngành Y ngày một tốt hơn, để xóa nhòa đi ranh giới giữa bác sĩ và người bệnh, để cho xã hội ngày càng tôn trọng nghề Y nhiều hơn.
Quả thực với tôi, khoác lên mình tấm áo Blouse không làm cho tôi cao quý mà ngược lại, những nhân viên ngành Y cao quý mới có thể làm cho ngành Y trở nên cao quý. Và dù cho còn nhiều mảng tối, nhiều bất cập nhưng tôi tin rằng nghề Y chưa bao giờ hết cao quý.