Hà Nội

Từ ca sinh con ở tuổi 63 và những biến chứng nguy hiểm có thể gặp khi mang thai ở phụ nữ lớn tuổi

27-09-2022 14:03 | Y học 360

SKĐS - Theo các chuyên gia sản phụ khoa, mang thai sau 35 tuổi, phụ nữ có thể gặp phải nhiều biến chứng như tiền sản giật, sẩy thai, thai lưu, sinh non, thai ngoài tử cung… Đặc biệt, nguy cơ con chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo tuổi của mẹ.

Nên sinh con trước tuổi 35

Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa vừa hỗ trợ thành công một ca sinh mổ cho sản phụ 63 tuổi (trú tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Bé trai nặng 3kg, khỏe mạnh bình thường, chào đời bằng phương pháp sinh mổ. Trước đó, hai vợ chồng sản phụ đã được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Theo TS.BS Nguyễn Thị Sim, Phụ trách Đơn vị Can thiệp bào thai của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, nhờ sự tiến bộ của y học ngày nay, rất nhiều trường hợp chị em lớn tuổi, thậm chí đã mãn kinh, hoặc gặp vấn đề về tử cung, buồng trứng, bị bệnh mãn tính… vẫn thỏa mong ước chào đón con ra đời nhờ các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Tuy nhiên sẽ rất tốn kém vì tỉ lệ thành công của IVF ở những phụ nữ cao tuổi thấp hơn nhiều so với độ tuổi 20-34.

photo-1664181210107

Độ tuổi của chị em ảnh hưởng lớn đến khả năng làm mẹ. Ảnh minh họa

Cũng theo TS.BS Nguyễn Thị Sim, độ tuổi của chị em phụ nữ ảnh hưởng lớn đến khả năng làm mẹ do số lượng và chất lượng trứng sẽ giảm dần theo thời gian, khiến việc thụ thai sau tuổi 35 sẽ khó có thai tự nhiên hơn rất nhiều.

Khoảng 80% các cặp vợ chồng sẽ có thai sau 6 tháng quan hệ thường xuyên. Khả năng này sẽ giảm một nửa ở tuổi gần 40 so với những phụ nữ ở độ tuổi đôi mươi.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng độ tuổi mang thai thích hợp nhất là từ 20 - 34 tuổi. Xét về khả năng thụ thai thì từ 20 - 24 tuổi là độ tuổi thích hợp nhất để thụ thai, nhưng ở khía cạnh chăm sóc con cái thì độ tuổi 25 - 29 tuổi sẽ thuận lợi hơn.

Nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến mẹ và con khi sinh con muộn

Cũng theo TS.BS Nguyễn Thị Sim, nếu mang thai sau tuổi 35, thai phụ có thể sẽ có nguy cơ gặp các biến chứng như: sẩy thai, sinh non, thai lưu, tiền sản giật, thai ngoài tử cung…

Điều đáng lưu ý là nguy cơ trẻ chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo độ tuổi của mẹ. Mẹ càng lớn tuổi thì khả năng phôi bị rối loạn nhiễm sắc thể càng cao.

Các nhà di truyền học đã chứng minh rằng khoảng 50% phôi người sau thụ tinh bị rối loạn NST, tỉ lệ này còn tăng cao khi bà mẹ trên 35 tuổi, dẫn đến các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể cho thai nhi như hội chứng Down, Edwards, …

Theo một nghiên cứu, mẹ 25 tuổi có tỷ lệ sinh con bị bệnh Down chỉ là 1/1250; 30 tuổi là 1/952, trên 35 tuổi là 1/378, trên 45 tuổi là 1/30.

Chính vì vậy, TS.BS Nguyễn Thị Sim khuyến cáo độ tuổi mang thai tốt nhất của phụ nữ là dưới 35 tuổi. Nên cố gắng mang thai trong vòng 1 năm sau khi kết hôn, nếu không có thai thì nên đi khám hiếm muộn.

Với những phụ nữ trên 35 tuổi, nếu trong vòng 6 tháng cố gắng mang thai mà không đạt kết quả thì cũng nên đi khám hiếm muộn.

mời bạn xem video hấp dẫn:

Adenovirus có thể gây ra nhiều bệnh khác nhau

Thu Linh
Ý kiến của bạn