Hà Nội

“Tự bốc cháy”: một dạng phản ứng thuốc nguy hiểm

05-02-2015 07:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Một trong những phản ứng thuốc chữa bệnh kỳ lạ nhất trên thế giới hiện nay, hiện tượng “tự bốc cháy” do phản ứng thuốc chữa bệnh, y học gọi là hội chứng SJS

Tạp chí trực tuyến mysteriousuniverse.org của Australia số cuối tháng 12/2014 cho biết, một trong những phản ứng thuốc chữa bệnh kỳ lạ nhất trên thế giới hiện nay, hiện tượng “tự bốc cháy” do phản ứng thuốc chữa bệnh, y học gọi là hội chứng SJS (Stevens Johnson syndrome).

Phản ứng thuốc làm bệnh nhân “tự bốc cháy”

Trong thực tế việc cơ thể người tự bốc cháy không đơn giản nếu không có những tác động từ bên ngoài. Ví dụ như hỏa hoạn hay cháy nổ, hiện tượng bốc cháy tự phát rất hiếm gặp, đôi khi còn mang tính dị đoan, mê tín. Trường hợp của phụ nữ trẻ Yassmeen Castanada, 19 tuổi ở California, Mỹ, được xem là hãn hữu và nguy hiểm. Chính xác hơn, Castanada bị bỏng trên 70 % da không khác nào người bị bỏng lửa. Chuyện bắt đầu từ lễ Tạ ơn khi Castanada thấy người mệt mỏi, một người bạn đã đưa cho Castanada vỉ thuốc kháng sinh mà không có ý kiến của bác sĩ. Sau khi uống thuốc cảm giác tuy khá hơn nhưng sau đó không lâu, mắt mũi và cổ họng Castanada bắt đầu rát bỏng buộc gia đình phải đưa vào bệnh viện Đại học California Irvine cấp cứu. Từ đây, các vết bỏng rộp xuất hiện khắp người như bánh đa nướng. Chỉ trong bốn ngày, lớp da Castanada đã bị phá hủy nghiêm trọng, bỏng độ 3. Theo chẩn đoán của bác sĩ, Castanada bị hỏng hơn 70% diện tích da và phải áp dụng phác đồ điều trị giống như nạn nhân bị bỏng lửa.

Theo các bác sĩ bệnh viện Đại học California Irvine thì hiện tượng “bốc cháy” như: Castanada rất hiếm gặp, nhưng trong lịch sử y văn thế giới đã xảy ra nhiều trường hợp tương tự, như Ab-Soul, nghệ sĩ hiphop người Mỹ, nữ diễn viên kiêm người mẫu Padma Lakshmi hay cựu cầu thủ bóng rổ Manute Bol; hoặc bệnh nhân Calvin Lock người Anh suýt chết do dùng thuốc Nurofen có chứa ibuprofen; hay Karen Morton, Hoa hậu Playboy đăng quang tháng 7/1978 đã tử nạn vì hội chứng SJS hồi đầu tháng 11/2014 mới đây.

Đôi nét về hội chứng Stevens-Johnson

Hội chứng Stevens-Johnson hay hoại tử thượng bì nhiễm độc hoặc hội chứng Lyell là căn bệnh nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến tính mạng. SJS được đề cập lần đầu tiên vào năm 1922, và chính thức phân loại năm 1993 bằng tên gọi hội chứng Stevens-Johnson và hội chứng chồng chéo SJS/TEN. Căn bệnh không rõ nguyên nhân, đặc trưng bằng tổn thương da và niêm mạc tróc vẩy. Nếu độ tổn thương biểu mô dưới 10% diện tích da được xếp là bệnh SJS và trên 30% diện tích da được xếp vào dạng TEN (Toxic Epidermal Necrolysis). Nếu tổn thương chiếm 10 đến 30% diện tích da thì được xếp vào hội chứng chồng chéo SJS/TEN, tỷ lệ mắc bệnh khoảng 2,6 ca/1 triệu người mỗi năm. Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 300 ca được chẩn đoán mới, phần lớn rơi vào nhóm người trưởng thành, trong đó phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn năm giới.

Yassmeen Castanada trước (phải) và sau khi bị phản ứng thuốc

Yassmeen Castanada trước (phải) và sau khi bị phản ứng thuốc

Hội chứng TEN là do thuốc, còn SJS lại có liên quan tới nhiễm trùng cũng như do dùng thuốc, do tiêm vắcxin, huyết thanh, nhiễm virút (Herpes), yếu tố di truyền, các bệnh nhiễm khuẩn (viêm phổi, viêm màng não, viêm não, nhiễm khuẩn răng miệng), do các loại bệnh ký sinh trùng, sốt rét, trùng roi, nhiễm nấm, bệnh tạo keo (Lupus ban đỏ), rối loạn nội tiết, có thai hoặc rối loạn kinh nguyệt… Hội chứng SJS có thể được xem là tác dụng phụ của các loại thuốc phổ biến như: sulfonamide, thuốc kháng sinh penicillin, cefixime (kháng sinh), thuốc an thần (thuốc giảm đau), lamotrigine, phenytoin (thuốc chống co giật) và trimethoprime. Dùng kết hợp lamotrigine với với sodium valproate cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng SJS. Cả hai dạng bệnh này đều khởi phát bằng hiện tượng sốt giống cúm, kéo dài vài ba ngày trước khi xuất hiện các tổn thương da và niêm mạc. Sau đó các tổn thương da đặc trưng dạng mụn nước và bọng nước xuất hiện và tiến triển qua một vài ngày, tiếp theo là bong tróc. Riêng ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến gây bệnh SJS và TEN là nhiễm trùng, như nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm tai giữa, viêm họng, và do virút Epstein-Barr, Mycoplasma pneumoniae và nhiễm cytomegalovirus. Việc sử dụng thường xuyên các loại thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt và giảm đau để kiểm soát nhiễm trùng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở nhóm người trẻ tuổi.

Theo tiến sĩ Joshua Zeichner, giáo sư da liễu tại bệnh viện Mount Sinai ở Manhattan, Mỹ thì hội chứng Stevens-Johnson như trường hợp Castanada mắc phải ở trên là do phản ứng thuốc, nhất là nhóm thuốc hạ sốt, an thần, đặc biệt là nhóm kháng sinh Penicillin, Sunfamides, nhất là khi tự ý sử dụng không qua tư vấn của bác sĩ.

Chẩn đoán SJS hoặc TEN dựa vào lâm sàng, các biểu hiện mô học trên sinh thiết da chỉ hỗ trợ cho chẩn đoán chứ không phải là tiêu chuẩn tiên quyết. Chẩn đoán gồm nhận biết hồng ban đa dạng (erythema multiforme), các loại phản ứng trầm trọng khác với thuốc, nhất là độc tố của vi khuẩn, chẳng hạn như hội chứng sốc nhiễm độc, hội chứng bỏng da do tụ cầu và bệnh Kawasaki. Hội chứng hoại tử thượng bì nhiễm độc rất dễ nhầm với các bệnh như: chứng ly thượng bì do tụ cầu, các chứng bệnh da có bọng nước và bệnh bỏng, thậm chí cả bệnh thủy đậu hay bệnh tay - chân - miệng.

Thông thường nếu không có biến chứng, các tổn thương thường sẽ hồi phục hoàn toàn và bệnh nhân sẽ được ra viện trong vòng hai đến bốn tuần. Trước tiên, người bệnh nên dừng ngay thuốc nếu nghi ngờ phát bệnh và được điều trị tại các cơ sở hồi sức cấp cứu để loại bỏ tổ chức hoại tử, sát khuẩn tổn thương da niêm mạc bằng kháng sinh tại chỗ ít gây dị ứng, đắp tổn thương da với các loại gạc sinh học và tách dính ở mắt, vệ sinh bộ phận sinh dục, vệ sinh răng miệng họng bằng các dung dịch sát khuẩn nhiều lần, nhất là sau các bữa ăn. Tất cả các giải pháp này đều nhằm giảm đau, hạn chế lượng tiết dịch, giảm nhiễm trùng và đẩy nhanh quá trình hồi phục. Nếu nặng nên được điều trị tại các bệnh viện, trung tâm bỏng và dùng thuốc theo phác đồ của bác sĩ.

Khắc Hùng (Theo MUO)

 


Ý kiến của bạn