Từ bỏ công việc với mức lương ngàn đô, Tiến sĩ trẻ bỏ phố lên rừng làm bạn cùng cây thuốc

05-10-2022 13:40 | Y học cổ truyền

SKĐS - Từng giữ vị trí CEO công ty dịch vụ xét nghiệm di truyền nổi tiếng ở Hà Nội với mức lương nghìn đô, TS Ngô Đức Phương đã từ bỏ để lên rừng sưu tập cây thuốc nam. Anh đã cùng người dân bản địa ở nhiều địa phương cùng bảo tồn, phát huy những dược liệu quý của dân tộc.

Đam mê cây thuốc từ nhỏ

TS Ngô Đức Phương sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề y. Bố là lương y, bác sỹ và mẹ là y tá nên ngay từ khi còn đi học, Ngô Đức Phương đã theo ngành Sinh học, đam mê cây thuốc từ nhỏ. Tốt nghiệp đại học, anh về công tác tại Viện Dược liệu. Đây là đơn vị chuyên nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin và bảo tồn về giá trị của cây thuốc và bài thuốc của nhiều đồng bào trên cả nước. Cũng chính vì đam mê từ nhỏ và được đi nhiều chuyến công tác, gặp gỡ nhiều người cùng việc học hỏi từ các thầy, đồng nghiệp thế hệ trước nên anh đã tích lũy được vốn kiến thức lớn về việc nhận diện các cây thuốc và công dụng của chúng.

Đến nay dấu chân của người tiến sĩ yêu thuốc nam này đã in trên 62/63 tỉnh thành trên cả nước. Bất cứ nơi nào có thông tin về loại cây thuốc nam, TS Phương lập tức lên đường mặc cho việc có thể phải ăn rừng, ngủ bụi. Để thỏa đam mê tìm kiếm các thông tin về cây thuốc ở khắp các vùng miền, các dân tộc khác nhau, anh đã thực hiện hai chuyến xuyên Việt tới Mũi Cà Mau và nhiều chuyến đi các vùng Đông Bắc, Tây Bắc…

photo-1664944663582

Từ bỏ công việc với mức lương ngàn đô, Tiến sĩ trẻ bỏ phố lên rừng làm bạn cùng cây thuốc

Năm 2010, niềm đam mê với cây dược liệu của anh phải tạm gác vì điều kiện kinh tế gia đình. Anh "rẽ ngang" sang làm vị trí Giám đốc của một công ty chuyên về các dịch vụ xét nghiệm di truyền. Mặc dù ở vị trí với mức lương nghìn đô, công việc bộn bề nhưng hễ đồng nghiệp cũ gọi điện thông báo có cây thuốc ở đâu lạ, hay lắm là anh lại sẵn sàng đi tới tận nơi mục sở thị. Sau đó, anh lại tất tả quay trở về công ty để làm vai trò CEO của mình. Năm 2014, TS Phương đã quyết định nghỉ công việc thu nhập cao này để trở lại với lĩnh vực dược liệu đầy gian nan ở phía trước.

Chia sẻ về điều này, TS Phương cho biết: "Lúc đó mình chỉ nghĩ đơn giản nghỉ việc để quay lại niềm đam mê. Từ đó tới nay, những công việc liên quan đến lĩnh vực dược liệu, thuốc nam tôi ngày càng yêu vì nó đem lại nhiều giá trị với bản thân và vì cộng đồng. Nhiều khi thấy đó là một duyên phận, đặc biệt là công tác đào tạo nhận biết cây thuốc nam hiện nay".

Cũng chính vì niềm đam mê, gắn bó với cây dược liệu, cây thuốc suốt nhiều năm qua mà nhiều người vẫn gọi anh bằng cái tên đặc trưng là Phương Dược liệu.

Ăn rừng ở rú cùng bà con để sưu tầm, bảo tồn dược liệu

Sau quá trình ăn rừng, ở rú cùng bà con, TS Ngô Đức Phương đã quyết định làm vườn thuốc nam ở trên nền bãi đất hoang cây dại mọc tự nhiên ở Ba Vì, Hà Nội vào năm 2018. Tới nay, vườn thuốc nam này đã có hơn 500 loài, trong đó có rất nhiều cây thuốc quý được anh thu thập ở nhiều tỉnh thành về. Nhiều cây thuốc không chỉ quý hiếm mà còn mang lại giá trị sử dụng cao như Tắc Kè đá, ba kích, gừng đen, thiên niên kiện, kê huyết đằng, na rừng, ba kích, cát sâm, hồi đầu thảo, gừ, dong riềng đỏ, kim giao, Vù hương, Khúng khéng, hoàng tinh hoa đỏ và trắng, sa nhân, xạ can… Bên cạnh đó nhiều cây thuốc còn được sử dụng làm rau ăn có giá trị lớn cho sức khỏe như: bò khai, vắng lá thuôn, rau mỏ, giảo cổ lam, lá Nhội…

Nguồn dược liệu khổng lồ mà TS Phương có được là cả một hành trình dài đi sưu tầm. Gần như đi tới đâu, nếu thấy cây nào mà vườn chưa có mà có thể thu thập được nguồn gen là nhất định anh mang về bằng được. Dược liệu ở khắp mọi miền đất nước đã tìm về. Như chuyến công tác ở Gia Lai, tới vườn quốc gia Kon Ka Kinh, anh đã mang về cây tắc kè đá; cây mồng tơi tím được mang về từ Cà Mau; thu thập cả những cây thuốc vùng ven biển Nghệ An ra trồng như Sa sâm nam, Rau muống biển...

photo-1664944668781

TS Ngô Đức Phương có niềm đam mê với cây thuốc từ nhỏ

Theo TS Phương, cộng đồng các dân tộc Việt Nam có nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc dùng các loại cỏ cây có sẵn làm thuốc chữa bệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nguồn tài nguyên ấy bao gồm một số lượng lớn các loài được phân bổ rộng khắp cả nước. Mỗi năm tài nguyên ấy cung cấp cả tấn dược liệu cho nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao. Thế nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà đã làm cho vùng phân bố tự nhiên của nhiều loài cây thuốc suy giảm trầm trọng. Không ít cây thuốc trước có thể thu hái tự nhiên khối lượng lớn, nay rất hạn chế. Nhiều nơi đã phải trồng trọt để chủ động nguồn cung cũng như để bảo tồn các giống quý. Bởi vậy với niềm đam mê cây thuốc Nam từ nhỏ, càng thôi thúc anh hơn.

photo-1664944673109

TS Ngô Đức Phương và người dân bản địa tại vườn cây thuốc mẫu ở tỉnh Yên Bái

Không chỉ đam mê sưu tầm các loại cây thuốc quý, TS Phương bằng những kinh nghiệm của mình đã hỗ trợ cho đồng bào nhiều địa phương, nhất là những vùng dân tộc thiểu số có được nguồn dược liệu quý nhưng chưa biết khai thác. Anh hướng dẫn họ khai thác cây thuốc bền vững, thu hái và chế biến theo tiêu chuẩn để bán dễ hơn mà có giá cao; chỉ cho người dân bản địa những nơi anh đi qua biết được giá trị của cây thuốc có ở địa phương cũng như bổ sung thêm công dụng mới của cây thuốc mà có thể họ chưa biết…

Điều đặc biệt ở con người đam mê dược liệu, cây thuốc này lại không hề biết "cây ATM". Anh bảo đến giờ vẫn chưa giàu được mặc dù có lợi thế về kiến thức chuyên môn, cây cỏ các vùng miền… vì niềm đam mê cỏ cây.

Cũng vì đam mê mà mong muốn cùng cộng đồng gìn giữ những loại cây thuốc quý, TS sẵn sàng xách ba lô lên đường ngay khi có bạn bè hoặc ai đó rủ đi rừng, tới địa phương khảo sát, thu thập thông tin cây thuốc. Được trải nghiệm, được đi khắp đây đó tiếp xúc với nhiều người giúp anh thêm hiểu văn hóa và cuộc sống của mỗi nơi. Đặc biệt là được biết thêm về trữ lượng, sự phân bố và hiện trọng các cây thuốc ở từng địa phương. Cùng với đó anh cũng học hỏi thêm được nhiều kiến thức của người dân, thầy lang về công dụng các cây thuốc, bài thuốc.

Mời bạn xem video hấp dẫn:

TP. Hồ Chí Minh dự báo số bệnh nhân sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng

P.Thuận - N. Huyền
Ý kiến của bạn